Saturday, June 18, 2011

THỨ BẢY 18-6-2011
Tin Việt Nam
TRUNG CỘNG MỞ CUỘC TẬP TRẬN TẠI BIỂN ĐÔNG
Giới truyền thông Trung Cộng loan tin là nước này đang mở cuộc tập trận kéo dài 3 ngày ở Biển Đông và sẽ tăng cường thêm lực lượng tuần duyên trong khu vực.
Tờ báo Hoàn cầu của đảng cộng sản Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận có sự tham gia của 14 chiến hạm hải quân Trung Cộng. Vị trí tập trận ở gần đảo Hải Nam. Ngoài các tàu tuần duyên, sẽ có thêm tàu đổ bộ và chiến đấu cơ.

Giới báo chí cũng loan báo là lực lượng hải giám của Trung Cộng cũng sẽ gia tăng từ 9 ngàn binh sĩ lên 15 ngàn người vào năm 2020. Hạm đội này sẽ có thêm 350 chiếc vào năm 2015 và 520 tàu vào năm 2020, ngoài ra còn có thêm 16 chiến đấu cơ.
KÊU GỌI XUỐNG ĐƯỜNG TRÊN TOÀN QUỐC VÀO CHỦ NHẬT 19.6 NÀY
Tiếp nối hai cuộc biểu tình chống Trung Cộng vào hai tuần trước, hiện có lời kêu gọi xuống đường trên toàn quốc được phổ biến rộng rãi trên mạng internet và điện thoại di động tại VN.
Lời kêu gọi xuống đường vào sáng Chủ nhật ngày mai không còn tập trung vào hai nơi có trụ sở ngoại giao của Trung Cộng là tòa đại sứ ở Hà Nội và lãnh sự ở Sài Gòn. Trái lại lời kêu gọi mọi người dân Việt có lòng yêu nước hãy xuống đường ở mọi thành phố để thể hiện quyết tâm chống đối sự xâm lấn lãnh hải của Trung Cộng.
Cần nhắc lại là hai cuộc xuống đường vào ngày 5/6 và 12/6 tại Sài Gòn và Hà Nội đã có sự tham gia của hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh, cùng với nhiều nhân sĩ và trí thức lớn tuổi.
MỸ - VIỆT MỞ CHIẾN DỊCH THANH TẨY  CHẤT ĐỘC DA CAM
Nhà cầm quyền VN đã tiến hành giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch phối hợp với Hoa Kỳ để hồi phục các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Công tác này tập trung vào một căn cứ quân sự Mỹ ở Đà Nẵng, nơi mà các hóa chất này được tàng trữ trong cuộc chiến Việt Nam trước đây. Đây là lần đầu tiên mà hai nước phối hợp để thanh tẩy vùng nhiễm độc.
Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho biết bộ quốc phòng VN đã bắt đầu lùng tìm các trái mìn còn sót lại quanh phi trường Đà Nẵng. Sau đó họ sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ để thu dọn các chất dioxin trong đất cát và cống rãnh vào đầu năm tới. Phí tổn dự trù cho công tác này vào khoảng 42 triệu Mỹ kim, do chính phủ Mỹ tài trợ.
CÔNG AN TỈNH BÌNH DƯƠNG PHẢI TRẢ LỜI VỀ CÁI CHẾT TRONG ĐỒN CÔNG AN
Bộ công an VN vừa ra lệnh cho giới chức công an tỉnh Bình Dương phải trả lời thư khiếu nại của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của anh Nguyễn Công Nhựt, người bị đánh chết trong đồn công an huyện Bến Cát vào ngày 25/4 vừa qua.
Lệnh này được ký bởi Thiếu tướng Trịnh Văn Chương, phó thanh tra bộ công an. Theo lời kể của chị Tuyền thì suốt hai tháng qua, chị đã gửi rất nhiều thư khiếu nại đến giới chức công an tỉnh Bình Dương nhưng không nhận được hồi âm nào.
LẠI SẬP HẦM KHAI THÁC VÀNG, 6 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Giới chức công an tỉnh Quảng Nam vào hôm qua xác nhận là đã có 6 người khai thác vàng ở huyện Nam Giang đã thiệt mạng trong một trận lở núi.
Nơi xảy ra tai nạn là khe nước Voi, giáp với huyện Phước Sơn và tỉnh Kontum. Đây là bãi vàng sa khoáng mà người dân khai thác bất hợp pháp từ nhiều năm qua. Khu vực này nằm giữa rừng sâu, rất khó thông thương và có hàng trăm người từ các tỉnh miền bắc vào đây tìm vàng.
Tai nạn xảy ra từ ngày 14/6 nhưng đến hôm qua nhà cầm quyền Nam Giang mới nhận được tin.
ĐẠI LỘ HIỆN ĐẠI NHẤT NƯỚC/ BIẾN THÀNH SÂN BÓNG ĐÁ
Cứ mỗi buổi sáng thì đại lộ Thăng Long ở Hà Nội, con đường được báo chí đảng ca tụng là hiện đại nhất VN, biến thành một sân bóng đá trên đưòng. Các thanh niên xếp gạch, đá thành cột gôn để thi đấu, bất chấp xe cộ qua lại trên đường.
Điều này không những gây nguy hiểm cho tính mạng của các cầu thủ mà còn đe dọa đến những người lưu thông trên đường, vì vận tốc cho phép trên đại lộ này là từ 60 đến 80 cây số giờ.
CÁ CHẾT HÀNG LOẠT Ở ĐÀ NẴNG VÌ Ô NHIỄM NƯỚC THẢI
Tình trạng cá chết hàng loạt lại diễn ra ở quận Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng vì tình trạng ô nhiễm tệ hại đến từ chất thải của các khu công nghiệp.
Người dân ở phường Hòa Thọ Tây cho biết là nước thải từ khu công nghiệp Hòa Cầm đã xả ào ạt ra các kênh rạch trong mấy ngày qua khiến cá chết dày đặc ở các ao hồ của người dân. Họ cho biết là nguồn nước từ các kênh mương từ mức độ trong veo nay chuyển sang màu đỏ quạch và tanh hôi khủng khiếp.
Hơn thế nữa, nước thải của khu công nghiệp còn chảy ra sông Cầu Đỏ, cách nhà máy cung cấp nước uống cho thành phố Đà Nẵng chưa đầy 2 cây số.

 
Tin Thế Giới
CHÍNH PHỦ LYBIA TIẾP TỤC ĐÀM PHÁN VỚI PHE KHÁNG CHIẾN
Mikhail Mergelov, đặc sứ Nga tại Phi châu, vào hôm qua cho biết là chính phủ Muamar Gaddafi vẫn tiếp tục đàm phán với phe kháng chiến Libya. Ông Mergelov cho biết thêm là nhà độc tài Gaddafi nhất quyết không ra đi/ bất chấp áp lực của quốc tế.
Trong khi đó thì người con trai của ông Gaddafi, Sief al-Islam, nói rằng cách giải quyết duy nhất cho cuộc chiến hiện nay là một cuộc bầu cử có sự giám sát quốc tế. Nhưng một phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng lời đề nghị này đã “quá trễ”, và ngày tàn của nhà độc tài Lybia đang tiến đến gần.
ÂU CHÂU VẪN CẦN ĐẾN ĐIỆN NĂNG NGUYÊN TỬ
Mặc dù 94% dân Ý vào cuối tuần qua bỏ phiếu đồng ý đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử tại nước này, nhưng người ta tin rằng các quốc gia Âu châu vẫn phải cần lượng điện đến từ nguồn năng lượng này trong tương lai.
Trong số các quốc gia đang cần thêm điện năng, mới chỉ có Thụy Sĩ và Đức là có kế hoạch dẹp bỏ các nhà máy điện nguyên tử. Các nước khác thì vẫn muốn xây thêm. Riêng Ý thì ở trong trường hợp đặc biệt vì họ có thể nhập cảng điện từ các nước khác.
Cần nhắc lại là tai nạn ở nhà máy Fukushima của Nhật sau vụ sóng thần và động đất đã khiến nhiều quốc gia phải thẩm định lại năng lượng nguyên tử của họ.
QUÂN ĐỘI SYRIA TIẾP TỤC ĐÀN ÁP PHE ĐỐI LẬP
Quân đội Syria trung thành với chế độ Bashar al-Assad đã tiến vào hai thị trấn giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với sự yểm trợ của thiết giáp. Cuộc tiến quân này vẫn diễn ra, mặc dù Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi Syria chấm dứt những hành vi thảm sát thường dân. Theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất là 1100 thường dân đã bị quân đội Syria tàn sát trong vòng ba tháng qua.
Trong khi đó, số thường dân chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn đã lên tới 10 ngàn người. Khoảng 10 ngàn người nữa/ đã tụ tập sát biên giới Syria và có thể chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ trong mấy ngày tới. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đại sứ Syria tới để yêu cầu chấm dứt các hành vi đàn áp này.
Cần nhắc lại là chế độ gia đình trị al-Assad đã cầm quyền tại xứ này suốt 40 năm qua và đang đối phó với phong trào chống đối đã bộc phát từ ba tháng trước đây ở miền Nam, nay lan rộng tới miền Bắc và có thể sẽ tràn qua miền Đông.
LŨ LỤT Ở HOA LỤC, HƠN 1 TRIỆU NGƯỜI PHẢI DI TẢN
Những trận mưa như trút nước đã khiến 168 người chết hay mất tích, và hơn 1 triệu người ở 8 tỉnh của Hoa Lục phải di tản kể từ ngày 9/6 vừa qua.
Giới chức Trung Cộng cảnh cáo là tình trạng lũ lụt sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Nhiều con sông đã dâng cao đến mức kỷ lục của 56 năm qua. Trong khi đó theo tiên đoán thì sẽ còn những trận mưa lớn nữa trong những ngày tới.
Tại hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, nơi đã diễn ra hạn hán suốt nhiều tháng qua, các trận mưa lớn chưa từng có suốt 300 năm qua, đã gây ngập lụt kh nơi. Vào tuần trước, một trận lở đất diễn ra ở tỉnh Hồ Nam, gây thiệt mạng cho 19 người và 8 người bị mất tích.
GIỚI PHỤ NỮ SAUDI ARABIA THÁCH THỨC LỆNH CẤM LÁI XE
Một chiến dịch thách thức lệnh cấm phụ nữ lái xe đã được khởi động ở Saudi Arabia, với nhiều phụ nữ đã lái xe ra đường tại nhiều thành phố lớn.
Giới tranh đấu cho nữ quyền không đưa ra lời kêu gọi xuống đường đông đảo/ nhưng lại khuyến khích phụ nữ Saudi Arabia hãy mở cuộc chống đối đạo luật chỉ cho phép đàn ông lái xe.
Chiến dịch này đang gây đau đầu cho nhà cầm quyền Saudi, vốn được khối Tây phương ủng hộ. Họ khó có thể đàn áp vì sự ủng hộ của thế giới, nhưng cũng không thể nhượng bộ vì sẽ gây phẫn nộ trong giới giáo sĩ quá khích và những người bảo vệ truyền thống Hồi giáo.
Về miệt Một Ngàn
Chuyện Việt Nam
HẬU GIANG - Khi thành phố Cần Thơ được tách ra khỏi tỉnh Hậu Giang, có lẽ trong mắt khách phương xa, địa danh miệt Ngàn (thuộc thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A) trở thành nỗi tò mò thú vị.

***

Anh L, vốn là cựu nhà báo trước 1975, kể: “Xứ này, dân có tuổi rành chuyện gọi là xứ ‘Tây Be.’ ‘Tây Be’ là con trai Tây Già, tên tiếng Tây được người mình diễn Nôm nghe dễ thương hết nói. Hai cha con ông này tuy là dân Tây nhưng có công lập đồn điền trồng lúa lên hơn bảy tám ngàn mẫu mênh mông bậc nhứt. Mấy năm trước phế tích biệt thự của cha con ông vẫn còn, bây giờ thì bị phá sạch hết rồi. Dân còn kể hồi trào Việt Minh nổi dậy có vô bắt vợ con ông Tây Be, nhưng tưởng sao bắt người ta rồi phải cõng người ta đi vì họ đâu có lội bộ xa được.”
Chúng tôi đi theo quốc lộ 1, đến Cái Tắc thì quẹo vô lộ 61, chạy một mạch thì tới xóm chợ Rạch Gòi. Ghé một quán cà phê bên đường ngồi trú mưa, ngồi chưa ấm ghế thì tính sơ sơ cũng có tới gần chục người bán vé số bu quanh mời mua, hy vọng trúng số từ lâu đã thành lẽ kiếm sống của những người nghèo tuyệt vọng.
Về chuyện tên gọi Rạch Gòi, một người địa phương đi cùng kể. Theo giai thoại dân gian thì ngày xưa chỗ có một con voi chết dưới rạch sình thúi dòi bọ tùm lum nên đặt tên là miệt Rạch Dòi, dân mình gọi trớt riết thành Rạch Gòi.
Từ xóm chợ Rạch Gòi đi thêm một đoạn đường nữa thì tới phố chợ Một Ngàn, trước khi vào chợ, nhìn khu công sở chính quyền mới cất của thị trấn Một Ngàn mới thấy đúng là “hoành tráng.”
Càng đi vào vùng sâu vùng xa, thấy cảnh nhà cửa dân chúng lụp xụp tạm bợ, có người cả mấy đời sống chỉ biết lấy ghe xuồng làm nhà, rồi thấy với công sở chính quyền đồ sộ lộng lẫy mới biết họ xài tiền thuế dân hoang phí đến mức nào.
Ông L. cựu nhà báo nói. Người ta có là “Thực Dân” cũng phải tính công sức khai kinh mở đất tới giờ dân còn được hưởng, còn hơn cái bọn vơ vét bây giờ.
Ðể có vùng đất này với diện mạo như ngày nay, vào năm 1901-1903, người Pháp đã cho đào con kinh Xáng Xà No dài 34 km và từ con kinh Xáng Xà No, người Pháp cho đào thêm những con kinh sườn, cứ cách một ngàn mét là có một con kinh sườn nên địa danh Ngàn cũng ra đời từ đó và rồi từ Một Ngàn cho đến Mười Bốn Ngàn Rưởi kéo dài cho đến tận Cái Tư Kinh Xáng Xà No.
Chợ Một Ngàn là quê vợ của một người bạn gốc người Quảng Nam đi cùng với chúng tôi. Anh nói, không so sánh trong những cuộc di dân, vượt biển sau biến cố 1975 rằng cuộc nào người dân khổ nạn nhất, nhưng theo kinh nghiệm của anh, những người bỏ quê miền Trung để tránh sự bức hại của chế độ, vào tới miền gạo trắng nước trong này tưởng đâu được no ấm, ai dè trúng vào thời bao cấp cộng sản, ở giữa vựa lúa phì nhiêu bậc nhất mà đói lên đói xuống mới đúng là khổ nạn.”
Chúng tôi đi một vòng chợ Một Ngàn. Nơi đây đúng nghĩa là khu chợ dành cho dân quê miền Nam, chợ bán nhiều tôm cá, hàng hóa chủ yếu là vật dụng sinh hoạt gia đình và các vật dụng cho nghề nông và đánh bắt cá. Ðến một khu chợ quê mới biết sức xâm chiếm của hàng hóa Trung Quốc ghê gớm ra sao.
Ngoại trừ những cái nồi đất, lò đất hoặc chum, lờ lú... bằng tre đan là đúng thương hiệu Việt Nam, còn hầu như tất tần tật từ cục pin cho tới chiếc xe hay trăm ngàn thứ khác đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc lai Trung Quốc.
Một bà chủ tiệm bán đồ tạp hóa nói: “Gần đây ai cũng nói với tui, mà tui cũng biết đồ Trung Quốc không tốt, độc hại nhưng không có ba cái thứ đồ quỉ đồ ma đó thì biết lấy gì xài.”
Trong bữa cơm trưa cùng gia đình bên vợ của người bạn cùng đi. Chúng tôi được nghe ông chủ nhà tuổi ngoài bảy mươi bày tỏ nỗi lo của dân xóm chợ miệt Ngàn.
Ông nói: “Nãy giờ tui nghe mấy chú nói chuyện Trung Quốc chiếm biển Ðông, dân quê tui đâu có bụng dạ mà lo xa như mấy chú, nội cái chuyện nhà ven kinh này sắp bị nhà nước giải tỏa đền mỗi mét có ba triệu bạc, rồi ở đâu về đâu, rầu thúi ruột luôn.”
Tất nhiên là ở đồng bằng châu thổ sông Hậu ngày nay không còn chuyện ai đó mất đất, mất nhà thì đưa vợ con xuống ghe chèo chống đi tìm đất hoang chỗ khác cắm dùi. Dân miệt Ngàn cũng vậy, sông thì lở, kinh thì lấp, con cá cọng rau ngày càng cạn kiệt, nhà nước cùng các tập đoàn quyền lợi đỏ hùa nhau “quy hoạch” kiểu này, chắc rằng đến lúc nào đó chỉ còn nước dong xuồng ghe vào cõi mịt mờ vô vọng.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
 
Bạo loạn đang gia tăng ở Trung quốc
Thời sự
Trong mấy tháng qua, nhiều cuộc bạo loạn đã diễn ra ở Hoa Lục cho thấy tình trạng bất ổn xã hội đã lên mức báo động. Chúng tôi xin gửi quý độc giả bài viết của Lê Phục Văn, tổng hợp những tin tức liên quan đến tình trạng đó.
***
Cùng với làn sóng lạm phát và đời sống khó khăn, các vụ bạo loạn tại Trung Quốc cũng đang leo thang hằng ngày. Những cuộc biểu tình xuống đường không còn mang tính cách ôn hòa như mấy năm trước mà đã trở thành các cuộc đập phá để trút sự phẫn nộ.
Vào hôm thứ Hai đầu tuần này, tình hình căng thẳng tại tỉnh Quảng Châu đã tạm lắng dịu sau 3 ngày bạo động dữ dội. Cuộc bạo loạn ở Quảng Châu bắt đầu vào tối ngày 10/6 khi cảnh sát ở thành phố Tân Đường mở chiến dịch dẹp nạn bán hàng rong trên đường phố và đã mạnh tay với một cặp vợ chồng đến từ tỉnh Tứ Xuyên. Tin tức lan truyền nói rằng người chồng bị đánh chết và người vợ đang mang thai bị thương nặng. Hơn 1000 người dân Tứ Xuyên đang làm việc tại thành phố Tân Đường đã ào ạt xuống đường đập phá cửa kiếng, phóng hỏa các trụ sở công quyền và bao vây đồn cảnh sát. Họ cũng ném gạch đá và đốt xe cảnh sát.
Lực lượng chống bạo động đã bắn hơi cay và đưa xe bọc thép đến nơi để trấn áp cuộc biểu tình kéo dài suốt 3 ngày liền. Tổng cộng có 25 người bị bắt giữ, và hàng chục chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy. Một chủ tiệm cho biết là ông phải đóng cửa suốt 3 ngày qua và không dám ra đường.
Vào cuối tuần trước, hơn 1500 người dân ở thành phố Lý Xuyên của tỉnh Hồ Bắc cũng giao chiến dữ dội với cảnh sát sau khi một nghị viên hội đồng địa phương bị thiệt mạng trong đồn công an. Tương tự như báo chí lề đảng? ở VN, báo chí Trung Cộng cũng lấp liếm nói rằng người này bị công an bắt giữ về tội nhận hối lộ.
Nhưng cư dân địa phương cho biết là trước đó ông này đã vận động người dân phản đối việc nhà cầm quyền trưng thu một miếng đất rộng lớn để bán cho một nhà thầu xây dựng với giá rẻ. Nhà cầm quyền Lý Xuyên sau đó đã bắt giữ hai công an dính líu đến cái chết của nạn nhân, để dập tắt lòng căm phẫn của người dân.
Trước đó thì ở thành phố Triều Châu, khoảng 200 công nhân, cũng đến từ tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 6/6 đã giao chiến với công an trên đường phố và đập phá ít nhất 40 chiếc xe hơi. Cuộc bạo loạn nổ ra sau khi một công nhân làm việc tại một xưởng gốm bị chủ nhân đâm chết khi tranh cãi về lương bổng. Người cha của nạn nhân cũng bị đánh trọng thương.
Vào tháng 5 vừa qua, tại khu tự trị Nội Mông, hàng ngàn người bản địa đã xuống đường biểu tình phản đối vụ xe tải của một công ty khai thác than đá đã đụng chết một nông dân và bỏ chạy. Đây chỉ là một giọt nước làm tràn ly căm phẫn của người dân Nội Mông trước việc khai thác than đá của người Hán đã gây ô nhiễm  môi trường trầm trọng và đe dọa đời sống du mục của họ.
Và trong ba tuần qua cũng xảy ra liên tiếp ba vụ đánh bom. Vào hôm 10/6, một người đàn ông đã đánh bom bên ngoài một trụ sở công quyền thuộc hải cảng Thiên Tân. Người này mang theo khoảng 20 trái bom tự tạo và đã ném bốn quả vào khuôn viên trụ sở huyện Hà Tây. Không rõ có bao nhiêu quả bom đã nổ nhưng có ít nhất là 2 người bị thương.
Một ngày trước đó thì một công an thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ ném bom vào đồn công an ở thị trấn Hoàng Thạch thuộc tỉnh Hồ Nam. Toàn diện đồn này bị phá hủy, nhưng nhà cầm quyền tỉnh này nói rằng nguyên nhân vụ nổ là đến từ số thuốc nổ tàng trữ trong đồn. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thì đây là vụ tấn công trả thù những cảnh sát tham nhũng. Hai tuần trước đó, một người đàn ông 52 tuổi đã cho nổ ba quả bom trước tòa nhà hành chính của thành phố Phúc Châu, thuộc tỉnh Giang Tây. Ông này cũng chết trong vụ nổ, nhưng trước đó đã gửi một lá thư tuyệt mệnh lên mạng Internet, nội dung cho biết là ông quá phẫn uất về việc bị tịch thu đất đai mà không được bồi thường đúng mức.
Không ai biết rõ là còn có thêm bao nhiêu vụ bạo loạn như thế đang diễn ra trên toàn Hoa Lục. Nhưng cũng như tại Việt Nam ngày nay, xã hội Trung Quốc đang tích lũy nhiều “ngòi nổ” đến từ tình trạng bất công, cường hào ác bá và tham nhũng tràn lan, nhưng đặc biệt là trong việc trưng dụng đất đai của người dân thấp cổ bé miệng.
Chắc chắn tình trạng bất ổn này đã lên đến mức báo động, nếu không thì ông chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã không lên tiếng cảnh cáo về những "mâu thuẫn xã hội sâu sắc" trước quốc hội. Ông Đào cũng hối thúc đảng cộng sản Trung quốc phải có những nỗ lực khẩn cấp để giải quyết các vấn đề liên quan đến "hệ thống hành chính, luật pháp và cách thức điều hành đất nước".
Ba lãnh vực này chính là nền tảng của mọi thể chế. Điều này có nghĩa là thể chế độc tài độc đảng đang là nguyên nhân dẫn đến những mầm móng bạo loạn xã hội ở Hoa Lục. Như vậy thì/ nỗ lực khẩn cấp nhất mà ông Hồ Cẩm Đào có thể làm được là tuyên bố giải tán đảng cộng sản Trung quốc, tương tự như ông Gobachev của Nga đã làm hơn 20 năm trước đây.
Chỉ có cách đó thì mới ngăn chận được một cuộc cách mạng đẫm máu tại một đất nước đông dân nhất thế giới mà phe chiến thắng thường có thói quen ra lệnh tàn sát hàng trăm ngàn tù binh hay thường dân... để trừ hậu họa!

No comments:

Post a Comment