Lời dẫn: Trên hai tờ báo Dân Trí và Đất Việt tuần vừa qua, đã nêu ra sự kiện nhà máy giầy da có tên là Bunda Footwear, từ Trung Quốc, đã được Chính phủ và tỉnh Nam Định phê duyệt. Huyện và xã có nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích cho dân bán đất nông nghiệp mà bao đời sinh sống trên mảnh đất ấy. Mời quí thính giả nghe trích đoạn từ hai tờ báo trên sau đây:
Tờ Dân Trí chạy tựa: “Cán bộ “nhiệt tình” đi vận động dân bán đất
Dự án không được công khai minh bạch, người dân không được phổ biến, thoả thuận về giá cả đền bù… Đó là lý do khiến hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa An, Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp sản xuất lâu năm của người dân để giao cho Công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông,Trung Quốc, chuyên sản xuất giày xuất khẩu.
Để thuyết phục dân, chính quyền đã đến từng nhà dân ở các xóm 21, 22 và 24 xã Nghĩa An vận động bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều gia đình cho biết, một số cán bộ huyện Nam Trực còn vào tận miền Nam, nơi một số con em họ đang công tác, để thuyết phục động viên gia đình bán đất.
Bà Lê Thị Thảo, Sinh năm 1958, xóm 24, xã Nghĩa An cho biết: “Sáng ngày 13/7, có 3 người tìm đến gặp con trai tôi là Phạm Văn Lưỡng, đang làm phụ trách nhà Văn hóa thuộc Học viện Hải Quân Nha Trang. Trong số 3 người thì có 2 người giới thiệu một là anh V. công tác tại Huyện đội huyện Nam Trực và anh T., cán bộ Phòng Công thương tìm đến để vận động con tôi gọi điện về gia đình để bán đất”.
Cùng trường hợp với bà Thảo, 3 cán bộ này sáng ngày 14/7 cũng tìm đến Đại úy Lê Văn Đặng, Giảng viên Khoa công trình, Trường Sỹ quan Công binh, là con của ông Lê Văn Nông để gọi điện về vận động ông Nông bán đất.
Ông Nông cho biết: “Sau khi đoàn công tác huyện vào gặp con tôi, thấy con tôi gọi về gia đình kể lại sự việc. Nó có nói với đoàn công tác là gia đình tôi 3 đời làm cách mạng, nếu đây là dự án lớn của Nhà nước về xây dựng Chính trị, Quốc phòng, an ninh thì gia đình chúng tôi sẵn sàng hiến đất. Còn đây là dự án lấy đất của người dân để bán cho doanh nghiệp Trung Quốc thì yêu cầu các cán bộ làm đúng luật”.
Do có nhiều dấu hiệu mập mờ trong việc thực hiện dự án, nhiều lần người dân xã Nghĩa An đã gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Vì vậy người dân đã gửi đơn lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ. Phía Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 3982/TDTW ngày 30/8/2016, yêu cầu người dân gửi đơn đến UBND tỉnh Nam Định để được giải quyết.
Bà Lê Phạm Thi Khuê (81 tuổi), người dân xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay còn rất nhiều hộ chưa bán đất, vì muốn giữ đất lại canh tác. Người dân chúng tôi phải cắm cờ để phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp. Còn đất sản xuất chúng tôi còn làm ra lúa gạo. Chứ bán đi rồi lấy gì mà sản xuất, lấy gì để mà ăn? Rất mong các cấp chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý”.
Còn trên tờ Đất Việt cho biết:
Trao đổi với Đất Việt, ông Triệu Đức Hạnh – Bí thư huyện ủy Nam Trực khẳng định hoàn toàn không có chuyện ép dân hay vận động bán đất nông nghiệp như một số phản ánh.
Theo ông Hạnh, Phó Thủ tướng chính phủ và UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý để công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) xây dựng nhà máy trên địa bàn các xóm 21, 22 và 24 (xã Nghĩa An) để đóng giầy da xuất khẩu.
“Chúng tôi chỉ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho người dân biết về mục tiêu của dự án, yêu cầu thỏa thuận giải phóng mặt bằng giữa hộ dân và các doanh nghiệp theo quy định. Việc tuyên truyền vận động là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và địa phương. Chúng tôi đã làm thường xuyên trong thời gian qua. Đây là do cách hiểu của người dân chứ không ai ép gì cả.
Cuối cùng tất cả các hộ dân phải đồng thuận và có đơn tự nguyện xin trả đất và đồng ý với mức bồi thường mà doanh nghiệp đưa ra. Ở đây không có sự ép buộc nào cả. Xã và huyện cũng khó khăn trong việc giải thích với người dân khi một số người không hiểu do có ác cảm với doanh nghiệp đến từ HongKong (Trung Quốc)”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Hạnh cho biết thêm, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy giầy đã được thực hiện già một nửa diện tích quy hoạch. Với số ít người dân còn lại không đồng tình thì các cán bộ huyện, xã sẽ tiếp tục tiến hành công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu hơn.
“Chúng tôi sẽ làm hết sức. Và lần trước tỉnh đã họp dân và có nói thẳng rằng, nếu đồng thuận thì làm nguyên dự án còn không thì cho doanh nghiệp thu hẹp lại dự án theo mức độ giải phóng mặt bằng thôi. Dù gì thì vẫn phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện của dân”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Gian nan vận động, giải thích cho dân
Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Văn Hoạt – Chủ tịch UBND xã Nghĩa An nói:
“Chúng tôi không ép buộc gì cả. Ai nhất trí thì ký giấy, ai không đồng ý thì thôi. Hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện. Dự án được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh làm Trưởng ban Quản lý dự án, về huyện thì Bí thư huyện phụ trách.
Chúng tôi chỉ là tiểu ban đi kêu gọi, tuyên truyền cùng với họ thôi. Còn dân nhất trí bao nhiêu thì công ty họ về trả tiền trực tiếp mà. Đa phần người dân hiểu và đồng thuận. Đến nay phía doanh nghiệp Trung Quốc đã trả tiền cho người dân 4-5 đợt rồi. Nhưng cũng có một số người sợ ô nhiễm môi trường nên muốn giữ đất để tiếp tục canh tác. Chúng tôi vẫn kiên trì vận động, giải thích trong khuôn khổ của pháp luật”, ông Hoạt khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cũng cho rằng, địa phương và huyện chỉ làm nhiệm vụ phối hợp với công ty Bunda Footwear trong việc giải thích để bà con sớm giao đất,hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng.
Sự kiện trên đây cho thấy Trung Cộng đang chiếm dần đất đai của người dân, qua bàn tay cưỡng ép của nhà cầm quyền CSVN từ Trung Ương xuống đến địa phương. Rồi đây sẽ có bao nhiêu người dân trở thành kẻ vô gia cư trên đất nước ta nữa?
Tâm An
No comments:
Post a Comment