Nhật Bản tham gia vào Biển Đông thì tình hình phức tạp hơn nhiều so với việc Mỹ đơn phương ứng phó Trung Quốc. Hải quân Mỹ mạnh nhất thế giới không cần Nhật Bản giúp sức, ngược lại việc Nhật Bản xin nhập đội làm Mỹ rơi vào một hoàn cảnh chiến lược mới. Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa, và xung đột có thể leo thang.
Biển Đông là tuyến đường hàng hải đặc biệt quan trọng với Nhật Bản, vì thế quay trở lại Biển Đông luôn nằm trong chiến lược lâu dài của Nhật Bản, theo đó Nhật Bản muốn cho thế giới biết: sau 70 năm thảm bại trước Mỹ trong cuộc chiến tại vịnh Leyte (10/1944), cuối cùng Nhật Bản đã trở lại.
Chắc chắn, tuyên bố “sẽ đẩy mạnh tuần tra chung với Mỹ tại Biển Đông” của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong chuyến thăm Washington ngày 15/9 vừa qua đã gây áp lực lớn cho giới chức cấp cao Trung Quốc. Nhận định về sự kiện này, trong bài “Nhật Bản quay trở lại Biển Đông, thách thức trí tuệ Bắc Kinh” trên Bloomberg, tác giả Lâm Hằng Sinh cho rằng, động thái khá dè đặt của chức cấp cao Trung Quốc sau phát biểu của bà Tomomi Inada cho thấy Bắc Kinh đang đau đầu tính toán về những nguyên nhân phía sau hành động của Nhật Bản.
Xưa nay phía tây và nam Thái Bình Dương đặc biệt quan trọng với Nhật Bản, người Nhật gọi khu vực này là “đường sinh mệnh”: tuyến đường hàng hải quan trọng để vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa từ vùng Trung Đông đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông, lên phía bắc vào biển Hoa Đông để đến Nhật Bản. Vì thế, thời Thế chiến thứ Hai, cùng việc tấn công Hong Kong, Nhật Bản cũng khống chế tuyến đường biển tại các nước Philippines, Malaysia và Singapore để quét mọi chướng ngại trong hoạt động vận tải thương mại đường biển.
Sau khi Mỹ đánh bại Nhật Bản đã trở thành siêu cường duy nhất thống trị tây và nam Thái Bình Dương, ngay cả Liên Xô hùng mạnh trong thời Chiến tranh Lạnh cũng không đám đụng vào địa bàn của Mỹ, chỉ có những động thái âm thầm với Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.
Như vậy, nam Thái Bình Dương là vùng biển chiến lược quan trọng và tất yếu phải xảy ra tranh giành, lịch sử 70 năm trước đã thế và ngày nay cũng khó thay đổi!
Có thể nói, Biển Đông hiện nay đã trở thành khu vực nóng bỏng với sự tham gia của lực lượng nhiều nước: Mỹ, Trung, Nhật, Nga, cộng thêm những nước xung quanh vùng như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines.
Đầu năm nay Nhật Bản sửa “Luật An ninh Hòa bình”, sau khi sửa gọi là “Luật An ninh mới”, theo đó Nhật Bản có “quyền tự vệ tập thể”. Với luật mới, cho dù Nhật Bản không bị tấn công, nhưng Nhật Bản có thể hỗ trợ quân sự cho đồng minh.
Như vậy, trong hoàn cảnh quan hệ Trung – Nhật hiện nay, một khi Nhật Bản tham gia vào Biển Đông thì tình hình phức tạp hơn nhiều so với việc Mỹ đơn phương ứng phó Trung Quốc. Thực tế, hải quân Mỹ mạnh nhất thế giới không cần Nhật Bản giúp sức, ngược lại việc Nhật Bản xin nhập đội làm Mỹ rơi vào một hoàn cảnh chiến lược mới: bị xem là “liên kết với Nhật Bản thách thức Trung Quốc”, tình hình có thể làm Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa, và xung đột có thể leo thang.
Thời Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone thập niên 1980 đã nổi lên vấn đề “Quyết toán chính trị thời hậu chiến”, vì nhận thấy Nhật Bản bị Mỹ kìm kẹp sau phán quyết của Tòa án Chiến tranh Tokyo. Khi đó trong xã hội Nhật Bản nổi lên làn sóng kêu gọi Nhật Bản phải làm mới lại chính sách phòng vệ và ngoại giao theo hướng độc lập tự chủ. Năm 1991 nổ ra cuộc chiến vùng Vịnh, Mỹ đưa nhiều quân tham chiến, khi đó thông tin chỉ ra Tổng thư ký Ichiro Ozawa của đảng LDP đã đến văn phòng của Thủ tướng Toshiki Kaifu và yêu cầu gửi quân tự vệ tham chiến.
Năm 1993, trong kế hoạch cải cách Nhật Bản, ông Ozawa Ichiro lần đầu tiên đề nghị Nhật Bản phải trở thành một “quốc gia bình thường”, theo đó muốn sửa Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, ủng hộ quyền tự vệ hợp pháp của Nhật Bản. Vấn đề kéo dài đến thời của Thủ tướng Shinzo Abe hiện nay. Theo Lâm Hằng Sinh, kế hoạch “Mỹ – Nhật tuần tra chung” của Tomomi Inada hiện nay mang hình bóng quan điểm của Ichiro Ozawa, nhưng có phần cứng rắn hơn cả Yasuhiro Nakasone và Ichiro Ozawa trước đây.
Như vậy, kế hoạch này là toan tính từ lâu của người Nhật, một khi Nhật Bản tham gia vào Biển Đông sẽ không đơn giản tuần tra xong rồi đi về, vì Nhật Bản có lợi ích rất lớn tại vùng biển này, và đã bỏ rất nhiều công sức. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á ở Lào vừa qua, Thủ tướng Abe đã hội kiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tuyên bố sẽ cung cấp cho Philippines hai tàu tuần tra cỡ lớn, đưa tổng số tàu mà Nhật Bản cung cấp cho Philippines lên 10 tàu. Hiện nay Nhật là nước cung ứng vũ khí chủ yếu cho Philippines. Ông Abe cũng nhấn mạnh, Nhật Bản đã “chuẩn bị hợp tác khu vực trên phạm vi rộng hơn”, cho thấy tham vọng của người Nhật tại đây luôn mạnh mẽ thường trực.
Lâm Hằng Sinh nhận định, việc giới chức cấp cao Trung Quốc khá dè đặt sau phát biểu của bà Tomomi Inada cho thấy có thể Bắc Kinh đang đau đầu về nguyên nhân phía sau hành động của Nhật Bản: một là, Nhật – Mỹ phối hợp để ép Bắc Kinh vào khuôn khổ; hai là, đây chỉ là hành động tự ý của phe cánh hữu Nhật Bản; ba là, Nhật Bản muốn dựa Mỹ để một lần nữa quay lại Biển Đông. Trong đó khả năng thứ ba là nguy hiểm nhất. Vì nếu trong hai trường hợp đầu thì mọi thứ nằm trong kiểm soát của Washington, còn trường hợp thứ ba nghĩa là việc quay trở lại Biển Đông nằm trong kế hoạch mang tính chiến lược dài hạn của Nhật Bản, theo đó Nhật Bản muốn cho thế giới biết rằng sau 70 năm cuối cùng Nhật Bản đã trở lại.
Đoàn Thanh
No comments:
Post a Comment