CÁ BÈ CHẾT HÀNG LOẠT, NGƯỜI DÂN ĐỔ CÁ RA ĐƯỜNG ĐỂ BÀY TỎ SỰ CĂM PHẪN
Hàng trăm người dân nuôi cá bè tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, vào sáng hôm qua đã đổ xác cá trên quốc lộ 51 để bày tỏ sự căm phẫn trước hiện tượng cá chết hàng loạt khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh phá sản.
Cần biết, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra hiện tượng cá bè bị chết hàng loạt trên sông Chà Và. Vào tháng 9 năm ngoái, người dân Long Sơn cũng chở hàng tấn cá chết đến trụ sở hành chánh tỉnh Bà Rịa để phản đối tình trạng ô nhiễm nước sông do các nhà máy xả thải gây ra. Vào tháng 5 vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Bà Rịa thừa nhận là 14 công ty chế biến hải sản ở huyện Tân Thành đã xả các chất độc hại, gây ô nhiễm nặng nề cho sông Chà Và.
Chỉ trong vòng 2 năm qua, đã có 4 đợt cá chết hàng loạt, khiến nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần. Quá căm phẫn trước đợt cá chết lần này, người dân đã mang hàng trăm ký cá chết trải trên đường vào sáng qua, khiến xe cộ xếp hàng dài cả chục cây số trên quốc lộ 51.
Các hình ảnh loan tải cho thấy cảnh người dân Long Sơn ngồi bệt trên đường gào khóc, bên cạnh là hàng trăm xác cá khá lớn, sắp sửa được thu hoạch. Một số tờ báo lề đảng cho biết là trước đó lực lượng công an đã ra tay ngăn chận cuộc biểu tình cá chết này nhưng không thành công. Nguồn tin mới nhất cho biết là nhà cầm quyền tỉnh Bà Rịa đã cử đại diện đến thương thảo, và một lần nữa lại hứa hẹn là sẽ giải quyết vấn đề xả thải của các nhà máy dọc theo sông Chà Và.
NHÀ NƯỚC VIỆT NAM RỤT RÈ LÊN TIẾNG VỀ 3 NHÀ MÁY ĐIỆN NGUYÊN TỬ TRUNG CỘNG
Trả lời câu hỏi của báo chí vào hôm qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao VN cho biết là đã đề nghị phía Trung Cộng sớm thiết lập hệ thống trao đổi thông tin thường trực về sự vận hành của 3 nhà máy điện nguyên tử mà Trung Cộng đã xây dựng sát biên giới VN.
Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Năm 13/10, một số phóng viên đã nêu lên câu hỏi là giới hữu trách đã có các đánh giá về hậu quả, cũng như đề ra các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân VN, hay chưa? Câu trả lời của ông Lê Hải Bình, phát ngôn nhân bộ ngoại giao, là phía VN đang đề nghị Trung Cộng phối hợp vơi VN để xây dựng “cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các nhà máy điện nguyên tử này”.
Cần nhắc lại là Trung Cộng đã bắt đầu vận hành 3 nhà máy điện nguyên tử tại các tỉnh sát biên giới VN. Nhà máy Phòng Thành nằm tại tỉnh Quảng Tây, cách thành phố Móng Cái 50 cây số. Nhà máy Trường Giang nằm tại tỉnh Quảng Đông, cách biên giới VN 200 cây số. Và nhà máy Xương Giang được xây trên đảo Hải Nam, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 100 cây số. Một số chuyên gia VN kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội nên thiết lập một mạng lưới đo lường chất phóng xạ để có thể báo động sớm trong trường hợp các nhà máy này bị rò rỉ phóng xạ.
THIỆT HẠI VÌ THẢM HỌA FORMOSA Ở TỈNH QUẢNG BÌNH LÀ 100 TRIỆU MỸ KIM
Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình vào hôm qua công bố mức thiệt hại vì thảm họa Formosa ở tỉnh này là 100 triệu Mỹ kim. Theo loan báo thì đây là con số thống kê cuối cùng được tổng kết sau các thảo luận giữa giới chức tỉnh Quảng Bình và phái đoàn liên bộ do tổng cục phó thủy sản làm trưởng đoàn.
Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình cho biết con số 100 triệu Mỹ kim đến từ sự thống kê khoảng 27 ngàn nạn nhân bị thiệt hại trực tiếp và gần 10 ngàn gia đình bị thiệt hại gián tiếp. Theo đó thì thiệt hại lớn nhất là giới ngư dân đánh bắt hay chăn nuôi hải sản, lên đến khoảng 75 triệu Mỹ kim. Sau đó là giới buôn bán cá, du lịch và làm muối.
CHỦ NHÂN NAM HÀN THẾ CHẤP PASSPORT SAU KHI CÔNG NHÂN ĐÌNH CÔNG
Sau khi bị 600 công nhân đình công, chủ nhân công ty Nam Hàn Bumhyun ở quận 9 – Sài Gòn đã viết giấy cam kết sẽ thanh toán lương bổng chưa trả của tháng 9, đồng thời trao passport của mình cho các công nhân để làm con tin.
Tờ báo Tuổi Trẻ cho biết là vào hôm qua, nhà cầm quyền quận 9 – Sài Gòn đã đứng ra giải quyết vụ đình công đòi lương của 600 công nhân tại công ty Bumhyun. Trước đó, vị chủ nhân Nam Hàn đề nghị trả trước nửa tháng lương tháng 9, và số còn lại sẽ được thanh toán trước ngày 17/10 tới đây. Ông này đã viết giấy cam kết, đồng thời giao sổ thông hành cho công nhân để giữ làm con tin. Tuy nhiên các công nhân nhận thấy công ty không có đơn đặt hàng, máy móc cũng đã bị niêm phong, nên dứt khoát không đồng ý.
Trước tình thế này, vị chủ nhân Nam Hàn tuyên bố sẽ chạy vạy kiếm tiền chi trả toàn bộ số lương và tạm thời cho công nhân nghỉ việc.
VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH KHÔNG CHO BẤT CỨ NƯỚC NÀO SỬ DỤNG CẢNG CAM RANH
Bộ ngoại giao VN vào hôm qua khẳng định là không cho phép bất cứ nước nào sử dụng quân cảng Cam Ranh.
Lời khẳng định nói trên là nhằm bác bỏ nguồn tin của giới truyền thông Nga, theo đó thì quân đội Nga đang cân nhắc đến việc trở lại quân cảng Cam Ranh. Tuyên bố trong cuộc họp báo vào hôm qua, phát ngôn nhân Lê Hải Bình nói rằng, lập trường nhất quán của VN là không liên minh quân sự với bất cứ nước nào nhằm chống lại nước thứ ba, và không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại VN.
Cần nhắc lại là sau khi quân Nga triệt thoái khỏi cảng Cam Ranh vào năm 2002, cho đến thời gian vừa qua VN mới cho phép một số chiến hạm các nước ghé thăm cảng này. Mới đây nhất là hai chiến hạm Mỹ lần đầu tiên ghé thăm Cam Ranh, một quân cảng mà Hoa Kỳ đã xây dựng dưới thời VNCH.
QUỐC VƯƠNG THÁI LAN BĂNG HÀ SAU 70 NĂM LÊN NGÔI
Quốc vương Thái Lan, Bhumibol Adulyadej, đã băng hà vào tối thứ Năm 13/10, sau nhiều tháng chống chọi bệnh tật trong người.
Quốc vương Bhumidol 88 tuổi là vị vua nắm giữ ngai vàng lâu nhất thế giới, với 70 năm trị vì và được người dân Thái Lan vô cùng thương mến vì đức độ, đặc biệt là lòng nhân từ của ông. Chính vì thế mà thủ tướng Thái Lan lập tức ra thông báo là quốc tang sẽ kéo dài một năm.
Ra đời vào năm 1927 tại Hoa Kỳ, Vua Bhumidol được chọn nối ngôi vào năm 1946 sau khi hoàng huynh của ông qua đời. Nhưng vì đang du học ở ngoại quốc đến tháng 5 năm 1950 ông mới chính thức lên ngôi.
Cần nói thêm là từ năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế, sang quân chủ lập hiến, vì thế các vua Thái chỉ giữ vai trò nguyên thủ tượng trưng, không can thiệp vào chính trường và việc điều hành quốc gia. Tuy nhiên nhờ hấp thụ văn hóa phương Tây, cộng với tấm lòng nhân ái và lối sống bình dị, Quốc vương Bhumidol rất được người dân Thái Lan sùng bái.
No comments:
Post a Comment