Tuesday, October 18, 2016

Cảnh Tang Thương Mùa Lũ Năm Nào Cũng Diễn Ra – Phần II

ChuyệnNướcNonMình

Thiên tai một, nhân tai mười.
Nhìn lại chỉ mới từ đầu năm đến nay, bao nhiêu thảm họa đổ xuống đầu nhân dân. Hạn hán và ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long khiến mùa màng mất trắng, bà con chỉ còn biết ngồi khóc trong câm lặng trên những cánh đồng khô nứt toác. Thảm họa biển chết, cá chết xảy ra đã hơn nửa năm, hàng chục ngàn hộ ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc gần thất nghiệp, hàng trăm ngàn người thuộc các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, xuất khẩu thủy hải sản…cũng bị điêu đứng theo, và những nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh tật kéo dài hàng chục năm treo lơ lửng trên đầu người dân VN. Rồi hiện tượng cá chết lan rộng ra cả những vùng khác, cả những lồng bè nuôi cá, khiến người dân nơi này nơi khác phẫn nộ xuống đường biểu tình, mang theo những con cá chết trương sình, mắt mở trừng trừng đầy ám ảnh. Rồi lũ lụt ở miền Trung v.v…
Nhưng ngẫm cho kỹ tất cả những tai họa trên, thiên tai chỉ là một phần, cái chính là nhân tai-do con người gây nên. Hạn hán, ngập mặn và cả cái chết dần dần của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước là hậu quả từ việc sử dụng nguồn nước thiếu khoa học của các nước láng giềng cộng với việc Trung cộng xây mấy cái đập thủy điện “khủng” ở đầu nguồn, điều này đã được các nhà khoa học, chuyên môn cảnh báo từ lâu nhưng nhà cầm quyền VN vẫn không chịu tính cách đối phó lâu dài. Bây giờ cứ xảy ra hạn hán, ngập mặn thì lại đi năn nỉ Trung Quốc xả bớt nước!
Rồi nếu không phá rừng bừa bãi, xây đập thủy điện vô tội vạ thì lũ lụt đâu có kinh hoàng đến thế. Nếu không mở cửa cho Formosa vào xây nhà máy thép với những điều kiện hết sức lỏng lẻo thì thảm họa biển chết đâu diễn ra. Còn nữa, họa “bùn đỏ” bauxite Tây Nguyên, họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các nhà máy hạt nhân do Trung Cộng xây sát biên giới VN và chính VN cũng đang khai triển mấy nhả máy điện hạt nhân, cũng lại ở khu vực miền Trung…
Nếu người Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…
Bao nhiêu thảm họa xảy ra nhưng từ thái độ cho tới cách ứng phó của nhà cầm quyền như thế nào? Suốt thời gian qua trước hậu quả nghiêm trọng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Sau khi ép được tụi Formosa nhả ra 500 triệu USD gọi là bồi thường, ngược lại, phía VN phải bồi hoàn tiền thuế còn lớn hơn cả số tiền đó, nhà cầm quyền tự cho như thế là xong. Dân đen ai biểu tình phản đối liền bị bắt giữ, hạch sách, nhà cầm quyền còn công khai đứng về phía Formosa, đưa quân đội, vũ khí, xây hàng rào bảo vệ Formosa, sẵn sàng quyết chiến với dân.
Hội nghị Trung ương đảng lần thứ tư khai mạc. “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ tư, sáng 9/10.”
Thảo luận, ra nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ… Bởi vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Tổng Trọng và tập đoàn Ba Đình.
Khi lũ lụt xảy ra tang thương ở miền Trung, tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN làm gì? Ông Thủ thì gửi “công điện hỏi thăm đồng bào”, ra chỉ thị cho cấp dưới chống lũ, rồi ông và đám phó, đám đại biểu ngồi trong phòng máy lạnh êm ru nhắn tin ủng hộ người; bà Chủ tịch Quốc hội thì chưng diện áo dài, mặt tươi hơn hớn đi dự khai mạc Festival áo dài tại Hà Nội. Ông Chủ tịch lặn đâu không biết, ông Tổng Trọng còn đang bận kêu gọi dân cứu đảng, dân cứu đảng còn ai cứu dân? Rõ rồi, dân đen tự lo cứu nhau, trước giờ vẫn thế. Còn các quan đầu đẳng thì chờ khi nào dân chửi quá hoặc nước rút hết thì mới có một hai tay làm bộ xắn quần xuống vùng lũ ngó ngó chỉ tay năm ngón…
Phải nói thật, quá rõ bản chất cái nhà nước này, thế nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết kinh ngạc về mức độ vô cảm, tàn ác của họ đối với dân với nước, cũng như chưa bao giờ thôi sửng sốt trước sức chịu đựng vô bờ bến của người VN!
Nếu người dân Việt mình đừng giỏi chịu đựng đến thế…
Song Chi

No comments:

Post a Comment