Lâu không về quê ngoại, do lấy chồng xa, nuôi con nhỏ và công việc lên lớp hàng ngày cứ quấn lấy tôi hoài, mãi hôm nay có dịp, tâm trạng buồn, vui đan xen khó tả. Đến đầu làng,tôi ngỡ ngàng thấy bộ mặt làng quê trước đây heo hút là thế, nay con đường vào thôn được dải bê tông. Nhà nào, nhà nấy có đường dẫn riêng ra trục đường chính, nhiều nhà xây cổng khá kiên cố với hình mẫu đẹp, vài nhà xây hai, ba tầng khá hoành tráng. Vào nhà cậu em tôi, bàn, ghế, tủ, giường khang trang, ngăn nắp, nhà, sân lát gạch, tường bao quanh, Công trình vệ sinh khép kín. Mợ đi làm công ty, thứ 7, chủ nhât mợ có về không? Tôi hỏi.
Thi thoảng thôi chị ạ. Có tháng về, tháng không.
Với giác quan riêng có của phụ nữ, tôi nhận thấy cậu ta có vẻ buồn, nên tôi lái sang chuyện khác.
Làng ta thay đổi nhiều, mới có hai, ba năm chị không về mà ngỡ như chục năm không đến, chị mừng lắm.
ở cái làng này giờ đây buồn, vui lẫn lộn chị ạ.
Sao thế! Tôi gặng hỏi.
Chị về thì biết đó, làng này giờ chỉ toàn là đàn ông trung niên trở lên với bà già và trẻ con, cấm chị thấy có phụ nữ dù là luống tuổi hay con gái và con trai trẻ, tất cả đều đi làm kiếm tiền. Thanh niên thì vào làm công ty, phụ nữ luống tuổi đi làm ô sin, bỏ làng, bỏ nhà, bỏ cửa. Hôm rồi có người trong làng chết, tìm thanh niên trai tráng đào huyệt, vào vai khiêng quan tài không có, rạng như em đã gần 50 tuổi giờ vào loại trẻ nhất làng, từ việc đào huyệt, cho đến khiêng, đẩy xe đều phải xông pha đi đầu. Còn nữa chuyện cấp cứu đi viện mới đáng tội làm sao, hôm rồi có đứa cháu bên đằng vợ em nó bị đau bụng, cả làng nhao nhác, mọi người tìm em để đưa nó đi viện, bà ngoại nó đã trên 70 rồi, lẽo đẽo theo lên bệnh viện phục vụ nó mấy ngày, may mà nó qua khỏi, có đến 101 chuyện ở cái làng này chị ơi.
Con đường làng này chưa thông sang làng bên, do một số nhà còn thiếu tiền đóng góp, tính ra bình quân mỗi khẩu nộp 2,4 triệu đồng, có đến 2 chục hộ còn nợ đọng nên đường vẫn chưa xong. Nhà nước cấp xi măng theo quy định, còn lại từ công làm, cho đến cát, sỏi, dân tự đóng, đẹp thì ai cũng muốn nhưng sức dân có hạn nên khổ lắm chị ơi. Dân đổ xô nhau đi kiếm tiền, phần để nuôi sống gia đình, phần để lấy tiền đóng góp xã hội, phần để có tiền xây dựng nhà cửa, phần để có tiền cho con em đi học…
Nói cho chị biết, hầu hết các hộ ở đây đều cắm sổ đỏ để vay ngân hàng làm nhà, xay dựng công trình phụ…được cái cán bộ thôn, xã , cán bộ ngân hàng tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay. Được nhà, được cửa, an cư lạc nghiệp, công nợ trả dần ai cũng có vẻ phần khởi, hơn nữa lại đạt chỉ tiêu giao về xây dựng nông thôn mới, ai cũng cố gắng, đua nhau làm.
Chỉ tiêu nông thôn mới, có liên quan gì ở đây? Tôi hỏi.
Chị không biết thôi, không phải riêng ở đây đâu, các làng khác cũng thế , phong trào xây dựng nông thôn mới rầm rộ lắm. Suốt ngày loa truyền thanh ra rả đưa tin nơi này, nơi kia thi đua xây dựng nông thôn mới, các cán bộ xuống tận thôn, bản vận động những gia đình còn khó khắn(chưa thoát nghèo) lập dự án vay tiền làm nhà, xây sân để xóa nghèo. Đã vay rồi phải lo trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng mấy chốc mà nợ nần chồng chất thành đống, ở cái làng này có vài nhà phải bán đất, bán nhà cửa để trả nợ rồi đấy chị ơi.
Xóa nghèo là tốt nhưng phải bằng thực lực của mình, đi vay tiền để xóa nghèo thì nguy hiểm lắm.
Chưa hết, cũng chỉ vì vay tiền để xóa nghèo, có những gia đình tan nát do việc vợ đi làm công ty, đú đởn gái trai, công khai cặp bồ, vợ chồng cãi nhau dẫn đến ra toà ly dị, con cái tan đàn xẻ nghé. Rồi lại có những cặp vợ chồng cùng đi làm rồi người chồng phải lòng gái, thấy vậy người vợ trả đũa “ông ăn chả, bà ăn nem” dẫn đến bỏ nhau.
Chính cái nhà to nhất ở đầu làng đó, người vợ đi làm ô sin cho người Tàu gần chục năm nay, nghe nói ông chủ giàu có lắm, tiền gửi về nhiều, xây dựng nhà cửa khang trang. Cách đây hai năm vợ về tranh thủ qua nhà , ông chủ sang theo bảo là tìm mối làm ăn, cơm nước xong vợ chồng tranh thủ ngủ với nhau buổi trưa trong khi ông chủ qua nhà khác chơi, lúc sau ông chủ về gọi tìm, người vợ chạy ra đón, thấy vậy ông chủ người Tàu bắt cô ta về ngay. Ông ta công khai bá vai, nắm tay người ô sin về mà không một lời chào tạm biệt, từ đó không thấy cô vợ về thăm nhà lần nào nữa. Người chồng một mình với cảnh gà trống nuôi con.
Về phần mình, em đã khuyên vợ thôi không đi làm nữa, ở nhà có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, vợ chồng ở bên nhau, chăm sóc con cái nhưng vợ em không chịu, một mực đi làm. Bảo rằng làm ruộng không ra tiền, đi làm công ty nước ngoài một tháng bình quân cũng kiếm được 5 tạ thóc, tội gì không đi, vài năm nữa có tuổi muốn đi cũng chẳng được. Độc hại (nếu có) thì nó cũng đến từ từ, làm cho con người ta chết từ từ, đằng nào chả chết, chứ còn không đi làm sẽ chết ngay đấy, ông chọn cách chết nào? em buồn lắm chị ạ, không biết nhà em sẽ đi đến đâu đây, em cũng không biết nữa!
Tạm biệt quê mẹ, lòng tôi nặng trĩu khi nhìn thấy bên trong của sự thay d, đổi thịt của cái làng quê này. Nỗi day dứt, nỗi buồn cả sự rùng rợn cứ đan xen trong tôi. Muốn có lời khuyên nhủ cậu em, nhưng có lẽ phải có thời gian tĩnh tâm để lựa chọn.
Mai Trang
No comments:
Post a Comment