Ông sinh ra dưới thời vua Minh Mạng, thuở nhỏ có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi tên là Nguyễn Văn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch. Vì tên Chơn cộng với tính tình thật thà ngay thẳng, ông được thầy dạy học đặt thêm hiệu là Trung Trực nên người đời gọi ông là Nguyễn Trung Trực.
Ông ra đời tại xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha là Nguyễn Văn Phụng và mẹ là Lê Kim Hồng.
Khi hải quân Pháp bắn phá duyên hải miền Trung, gia đình ông phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề và sinh sống bằng nghề chài lưới ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Sau đó ông di chuyển xuống làng Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Ông là con trưởng trong một gia đình có tám người con. Ông rất giỏi võ nghệ và được mô tả là một người can đảm, có nhiều mưu lược.
Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Ông sốt sắng chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.
Sau khi đồn Chí Hòa thất thủ, ông rút quân về Tân An. Lúc này Pháp đã chiếm Mỹ Tho nên thường cho những tàu chiến tuần tiễu trên sông. Một trong số đó là chiếc tàu chiến mang tên Espérance, án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Vào rạng sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Học, Võ Văn Quang và Hồ Quang Chiêu phục kích đốt cháy chiếc tàu chiến này. Nhờ công đốt tàu Espérance, ông được triều đình phong chức “Quyền sung Quản đạo” vì thế dân chúng thường gọi ông là Quản Chơn hoặc Quản Lịch.
Sau lần đốt tàu Pháp, ông cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu tại các địa phận thuộc Gia Định, Biên Hòa.
Đến khi có hòa ước Nhâm Tuất (1862), với 3 tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, ông nhận chức Lãnh binh và đưa quân về hoạt động ở 3 tỉnh miền Tây.
Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức “Hà Tiên thành Thủ úy” để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì vùng này đã bị quân Pháp chiếm. Ông đưa quân lập mật khu ở Sân Chim và từ nơi này, ông dẫn quân đến Hòn Chông thuộc tỉnh Kiên Giang lập thêm căn cứ kháng chiến chống Pháp.
Ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên đánh úp đồn Kiên Giang tiêu diệt được 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, tịch thu hơn 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.
Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, ông phải rút lui ra đảo Phú Quốc và lập chiến khu tại Cửa Cạn.
Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Đội Tấn cùng 150 quân bao vây, truy lùng và bắt được Nguyễn Trung Trực. Về sau, giám đốc Sở Nội Vụ tên Paulin Vial viết rằng: “Nguyễn Trung Trực ra đầu hàng chỉ vì mạng sống của nhiều nghĩa quân và tránh thiệt hại cho dân chúng trên đảo Phú Quốc”.
Ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà cầm quyền Pháp đưa ông về chợ Rạch Giá hành hình. Ông mất vào khoảng 30 tuổi.
Trước khi bị chém, ông yêu cầu được mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương trước khi chết. Trước pháp trường, ông đã hiên ngang, nhìn bầu trời như nhìn đất nước, từ giã đồng bào và ngâm bài thơ:
Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
Được tin ông mất, vua Tự Đức sai Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn làm buổi lễ truy điệu, đọc bài điếu văn với chính bút vua ngự ban. Điếu văn được dịch như sau:
Giỏi thay người chài,
Mạnh thay quốc sĩ.
Đốt thuyền Nhật Tảo,
Phá lũy Kiên Giang.
Thù nước chưa xong,
Thân sao đã mất!
Hiệu khí xưa nay,
Người nam tử ấy.
Máu đỏ, cát vàng,
Hỡi ơi thôi vậy!
Ngàn năm hương khói,
Trung nghĩa còn đây!
Vua Tự Đức đã sắc phong Nguyễn Trung Trực làm “Thượng Đẳng Linh Thần” và lập đền thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. Dân làng Vĩnh Thanh Vân luôn tôn kính và tự hào về ông, một người xuất thân từ dân chài trở thành một vị anh hùng của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Năm 1970, dân chúng địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng, sơn màu đen đặt trước chợ Rạch Giá. Người dân nhiều tỉnh miền Tây đã tạc tượng và lập đền thờ Nguyễn Trung Trực tại địa phương và hằng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch, nhằm tưởng nhớ đến một vị anh hùng có công trong cuộc chiến chống ngoại xâm./.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment