Thứ Sáu, ngày 02.01.2015
Công lý là tiếng nói của lương
tâm, công bằng, vị tha, đúng đắn dùng để bảo vệ con người,
nhưng công lý trong chế độ CSVN thì chỉ là một thứ công lý xảo
trá, gian giảo dùng để đày đọa con người theo ý kẻ chuyên
quyền… Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài viết của Nguyễn Phương Uyên có tựa đề: “Thật Chăng Công Lý
Là Diễn Viên Hài?” sẽ được Mỹ Linh trình bày để tiếp nối chương trình
tối nay
Công lý là gì?
Khi tôi hỏi các bạn "công lý là gì vậy?", trong tình huống bất ngờ
không có sự chuẩn bị, những câu trả lời mà tôi nhận được đều khác nhau,
nó phát xuất từ ngôn ngữ chân thực hiện đến trong đầu các bạn, trong sâu
thẳm. Hầu như không có sự đồng thuận hoàn toàn để đi đến một khái niệm
tổng quát nhất định nào. Dẫu những câu trả lời khác nhau đi chăng nữa,
cuối cùng công lý cũng quy về ba điều có liên quan đến pháp luật, đến xã
hội, đến Thiên Chúa theo quan niệm phương Tây hay Ông Trời theo quan
niệm phương Đông. Và như mọi người biết rằng, một khi đấng tối thượng đã
tạo ra nó như một người sáng thế toàn năng thì hẳn công lý của Ngài
phải thật hoàn hảo, bởi vậy chúng ta đã trao niềm tin nơi Ngài vô điều
kiện. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Công lý xuất phát từ con người.
Suy cho cùng điểm xuất phát của công lý dù ở khía cạnh xã hội hay
pháp luật đều nằm tại sự phán xét của con người. Nhưng tất nhiên nó
không phải chỉ phụ thuộc vào một cá nhân mà là mỗi cá nhân gộp thành. Vì
con người là nhân tố tạo nên xã hội và chính người dân thông qua đại
diện của mình để hình thành nên hiến pháp và luật pháp, nhưng do con
người luôn bị điều khiển bởi cảm xúc và tác động cá nhân nên công lý
của con người không thể hoàn hảo.
Công lý mà tôi đang sắp nói đến đó không thể hình dung như nghĩa bình
thường mà các bạn đang cười nhạo về một chàng diễn viên hài in trên bìa
sách "Bộ luật dân sự". Điều tôi nói là công lý trong nghĩa sâu hơn,
theo tôi là ở khía cạnh đạo đức. Trong mỗi chúng ta mặc nhiên đều nhận
thức được nó và chúng ta luôn nỗ lực hành động theo nó như một sự hướng
thượng. Nó là một vấn đề về cảm thức. Như Aleksandr Solzhenitsyn, một
nhà văn Nga từng đoạt giải Nobel văn học, ông nói: " Công lý là lương
tri, không phải lương tri cá nhân mà là lương tri của toàn thể nhân
loại. Những ai nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tri chính mình
thường cũng nhận ra giọng nói của công lý ".
Thực vậy, hầu hết mọi người đều có ý thức bẩm sinh về sự công bằng,
khi nhìn thấy một cái gì đó bất công, bạn muốn giúp đỡ người đang gặp
rắc rối với nó và bạn cũng muốn loại trừ bất công đó. Và trong mỗi chúng
ta luôn có một tiếng nói của lương tâm, nó luôn không ngừng thôi thúc
chúng ta phải hành động theo lẽ phải. Mặc dù trong cuộc sống luôn tồn
tại hai mặt, nhưng tôi tin ưu thế sẽ thuộc về công lý hay những gì thuộc
về cáiThiện và Sự Thật.
Tôi không cho phép tôi góp phần làm diễn viên trong nền công lý biểu
tượng bằng sự hài hước, bởi vì bây giờ tôi ngồi đây để viết những điều
này. Tôi hy vọng mọi người hãy cùng tôi xét lại lương tâm của chúng ta,
cái từng tạo nên công lý xã hội và ngay cả công lý trong pháp luật, nó
đã như thế nào để giờ đây chúng ta đang cười nhạo nó vì sự ảnh hưởng của
một phe nhóm chính trị, thậm chí chỉ là sự ảnh hưởng của một cá nhân
độc tài.
Công lý trong luật pháp phương Tây.
Ở phương Tây, cũng có một loại công lý được gọi là Due Process (thủ
tục tố tụng bảo vệ nhân quyền và tự do cá nhân), đó là cách sử dụng duy
nhất các thủ tục trong hệ thống tư pháp. Công lý ấy có tác dụng như sau:
Giả dụ rằng, nếu có một kẻ bị ghép tội giết người mà các bằng chứng
kết tội anh ta và lời thú tội của anh ta có được do tra tấn, nhục hình
hay nói cách khác là vi phạm các điều luật bảo vệ dân quyền, nhân quyền
thì những bằng chứng này phải được xem là vô giá trị. Và khi đem xét xử
thì chuyện được tha bổng là rất lớn nếu phía đại diện viện kiểm sát
không có bằng chứng nào khác để chống lại. Khi đó, chánh án sẽ tuyên
bố đã đạt được công lý vì luật lệ thủ tục đã định sẵn được áp dụng minh
bạch và không thay đổi.
Điều này hàm nghĩa rằng công lý theo thủ tục đã kiềm hãm sự
chuyên quyền của chính phủ khi nó có thể đe dọa đến tự do cá nhân và
làm nảy sinh bất công. Đặt trường hợp cho các tù nhân vì lương tâm, tù
nhân tôn giáo, chính trị kể cả tù hình sự như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy
Hải nếu được xét xử ở một phiên tòa như thế thì việc họ được trả tự do
là rất lớn.
Cuối cùng, để nói rằng "công lý là một chàng diễn viên hài"thì chỉ
trừ khi tất cả công lý của chúng ta cũng là những chàng hề như thế, và
do đó, tiếng nói lương tâm của tất cả chúng ta vì lý do ràng buộc cá
nhân đã thờ ơ, lãnh đạm, dửng dưng, xa lạ thản nhiên trước bất công
của kẻ khác. Từ đó, vô hình trung chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự hài
hước tồn tại trong công lý.
Có khi nào chúng ta đã tự hỏi lương tâm chúng ta muốn chấp nhận một nền công lý như thế hay sao?
Nguyễn Phương Uyên
No comments:
Post a Comment