Thứ Tư, ngày 14.01.2015
Dân chủ là một khái niệm luôn bị
người cộng sản lợi dụng và bóp méo hầu lừa gạt người dân lẫn quốc tế.
Tuy nhiên, chế độ dân chủ chân chính đòi hỏi một số điều kiện căn bản mà
CSVN không hề đáp ứng. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận
của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Lại bàn chuyện dân chủ" sẽ được Song
Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tôi đã viết khá nhiều bài về dân chủ nhưng vẫn thấy chưa đủ. Có ba lý
do chính: Thứ nhất, đây là một đề tài phức tạp với những cách nhìn và
cách hiểu khác nhau tùy từng văn hóa, thậm chí, từng học giả. Thứ hai,
vì tính chất phức tạp ấy, rất nhiều người hiểu nhầm, hơn nữa, dưới ảnh
hưởng của hệ thống tuyên truyền của nhà nước, lẫn lộn giữa độc tài và
dân chủ, tưởng độc tài là dân chủ. Thứ ba, đó cũng là một trong những
khái niệm bị lợi dụng và lạm dụng nhiều nhất trong sinh hoạt chính trị
thế giới: hầu như tất cả các quốc gia độc tài đều tự nhận là dân chủ,
thậm chí, nói theo lời bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước Việt Nam,
là "dân chủ gấp vạn lần hơn" các nền dân chủ lâu đời ở Tây phương.
Trước tình hình ấy, việc khẳng định lại những nội dung căn bản của khái niệm dân chủ, theo tôi, rất cần thiết.
Nói một cách tóm tắt, một nền dân chủ bao gồm bốn đặc điểm chính:
Thứ nhất, một hệ thống chính trị được bầu một cách tự do, công bằng
và có tính chất nhiệm kỳ. Hiện nay, hầu hết các chính phủ trên thế giới
đều tổ chức bầu cử. Nhưng có rất nhiều chính phủ dân cử vẫn không phải
là dân chủ. Lý do chính là các cuộc bầu cử ấy được tiến hành một cách
thiếu tự do và không công bằng. Nó hạn chế quyền ứng cử và tranh cử của
nhân dân. Nó loại trừ khả năng cạnh tranh của các phe đối lập. Hơn nữa,
nó không có tính chất khả kiểm (accountability), nghĩa là không minh
bạch và không chịu sự kiểm soát của các cơ quan độc lập, kể cả các cơ
quan quốc tế. Chính vì vậy mới có khái niệm độc tài tuyển cử (electoral
dictatorship).
Đặc điểm thứ hai của dân chủ là sự tham gia tích cực của mọi người,
với tư cách công dân, trong các sinh hoạt chính trị và dân sự trong
nước. Democracy, trong tiếng Anh cũng như trong hầu hết các ngôn ngữ Âu
châu, có gốc gác từ tiếng Hy Lạp, trong đó "demo/demos" là dân chúng và
"cracy/kratos" là quyền lực hay sức mạnh. Từ nguyên của nó, như vậy,
cũng giống chữ "dân chủ" tại Việt Nam, đề cao vai trò của nhân dân.
Trong các chế độ dân chủ đại biểu (representative democracy), dân chúng
chỉ lãnh đạo thông qua trung gian của những người do mình bầu ra. Nhưng
vai trò của nhân dân không phải chỉ thể hiện ở các thùng phiếu, trong
các cuộc bầu cử, mà còn ở hai khía cạnh khác: một, họ có quyền kiểm tra
việc thực thi các lời hứa hẹn khi tranh cử; và hai, họ có quyền bày tỏ
thái độ trước các chính sách họ nghĩ là không đúng hoặc không thích hợp.
Khía cạnh thứ nhất đòi hỏi tính chất minh bạch và khả kiểm của chính
phủ. Khía cạnh thứ hai dẫn đến việc hình thành các quyền căn bản như
quyền biểu tình, quyền hội họp và quyền tự do ngôn luận.
Đặc điểm thứ ba của dân chủ là bảo vệ quyền làm người cho mọi công
dân. Quyền làm người được xem là quyền bất khả xâm phạm. Đó là những
quyền được quốc tế công nhận. Nó bao gồm những quyền chính như quyền tự
do tín ngưỡng, quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Cái gọi là quyền
tự do ngôn luận ấy bao gồm các quyền tìm kiếm thông tin, diễn dịch
thông tin và phát tán thông tin dưới các hình thức khác nhau, từ nói đến
viết, từ trên giấy in đến trên không gian ảo của Internet.
Bốn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law), trong đó,
luật pháp được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người. Hiện
nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, độc tài hay dân chủ, cũng đều
có hiến pháp và luật pháp, ở đó, tất cả các điều khoản đều rất hay ho. Ở
phương diện này, sự khác biệt nằm ở hai yếu tố chính: Một, việc diễn
dịch các điều luật ở mỗi nơi mỗi khác; và hai, về phạm vi, trên nguyên
tắc, ở các quốc gia dân chủ, luật pháp bao trùm hết mọi người, từ người
cai trị đến những người bị trị. Không có ngoại lệ. Ở các độc tài, ngược
lại, một mặt, người ta tự do diễn dịch các điều luật theo ý họ muốn; và
mặt khác, nhà cầm quyền tự đặt mình ở vị trí ở ngoài hoặc cao hơn luật.
Ở cả bốn tiêu chuẩn trên, Việt Nam có dân chủ hay không? Câu trả lời rất dễ và cũng rất rõ: Không.
Dựa trên tiêu chuẩn bầu cử, có thể gọi Việt Nam là một kiểu độc tài
tuyển cử. Ở Việt Nam, dân chúng chỉ được bầu cử Quốc Hội, nhưng ở đây
lại có bốn yếu tố cần được ghi nhận: Một, chỉ có những người được đảng
và chính quyền chọn lọc và giới thiệu mới được ứng cử; hai, không thực
sự có tranh cử, ở đó, các ứng cử viên công khai bày tỏ hoặc tranh luận
về đường lối và chính sách của họ; ba, công việc kiểm phiếu hoàn toàn
nằm trong tay nhà cầm quyền; và bốn, Quốc Hội ở Việt Nam chỉ có chức
năng làm cảnh, trên thực tế, họ không có quyền hạn gì cả. Với bốn yếu tố
ấy, những cái gọi là bầu cử tại Việt Nam cũng như dưới mọi chế độ độc
tài khác, chỉ là sự vờ vĩnh, nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ. Những
người có thực quyền thì lại được quyết định trong nội bộ Đảng Cộng sản,
cụ thể hơn, giữa các thành viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương với nhau.
Về phương diện tham gia vào các sinh hoạt chính trị và dân sự, Việt
Nam cũng không hề có dân chủ. Dân chúng hoàn toàn bị cấm đoán tham gia
vào bất cứ sinh hoạt chính trị nằm ngoài sự kiểm soát của nhà cầm quyền.
Ngay cả cái quyền đơn giản và căn bản nhất như quyền biểu tình, họ cũng
không có. Các hình thức xã hội dân sự cũng bị cấm đoán tại Việt Nam trừ
các tổ chức do chính quyền quản lý.
Về phương diện nhân quyền và pháp quyền, có lẽ chúng ta không cần
bình luận nhiều bởi vấn đề đã quá rõ: Đây là hai lãnh vực Việt Nam
thường xuyên bị các tổ chức quốc tế lên án. Liên quan đến tòa án, ở Việt
Nam, có mấy hiện tượng nổi bật: Một, người ta chỉ bắt bớ các tội phạm
thường dân hơn là đảng viên hay cán bộ; hai, trong thành phần cán bộ,
người ta chỉ tập trung bắt bớ các sai phạm của những đảng viên cấp thấp,
chủ yếu là phường xã hơn là cấp cao; và ba, đối với dân chúng hay cán
bộ cấp thấp, người ta mang ra xét xử công khai, còn các sai phạm của
thành phần cán bộ cấp cao thì được xử lý trong nội bộ với những mức án
thường chỉ có tính chất tượng trưng. Tất cả đều cho thấy một điều: Đảng
có hệ thống khen thưởng riêng, hoàn toàn nằm ngoài hệ thống luật pháp
của quốc gia. Đảng đứng trên luật pháp.
Ở bất cứ chế độ nào, khi có kẻ đứng trên luật pháp, chế độ ấy nhất định không phải là dân chủ./.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment