Thứ Bảy, ngày 31.01.2015
Kính thưa quý thính giả, Đường Lâm
được xem là vùng "Địa linh nhân kiệt", là nơi đã xuất hiện hai vị anh
hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Phùng Hưng là thủ lãnh cầm đầu
cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường thời Bắc thuộc lần
thứ ba (năm 602 - 905), đuổi giặc phương Bắc và lên cầm quyền một thời
gian. Sau đó là đức Ngô Quyền, người đã đánh bại cuộc xâm lược của quân
Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc (năm 938). Trong tiết mục "Danh
nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Phùng
Hưng và cuộc khởi nghĩa Đường Lâm" của Việt Thái qua sự trình bày của
Tam Thanh.
Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc lâu đời ở đất Đường Lâm, nay
là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Theo truyền thuyết Phùng Hưng sinh
ngày 5/1/761, là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái,quan lang Đường Lâm. Cha
của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.
Khoảng năm 722, đời Đường Huyền Tông bên Tàu, Phùng Hạp Khanh đã tham
gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở
về quê vui sống điền viên nuôi ba đứa con là Phùng Hưng, Phùng Hải và
Phùng Dĩnh. Phùng Hưng nối nghiệp cha, trở thành hào trưởng đất Đường
Lâm, cũng là người từng giết hổ dữ mang lại bình yên cho vùng đất này.
Lúc bấy giờ, nước Việt đang bị nhà Đường đô hộ với tên gọi là An Nam
đô hộ phủ. Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định, miền Việt Bắc
giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại cuộc xâm lăng của
giặc Nam Dương ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam.
Cao Chính Bình là một đại tham quan, chẳng những vơ vét của cải mà
còn bắt người Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng dân ngày càng
căm phẫn.
Lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình (Hà Nội bây giờ) nổi loạn, Phùng
Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lật đổ bọn đô hộ. Cuộc khởi nghĩa
do Phùng Hưng phát động nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của dân chúng từ
mọi miền đất Giao châu.
Thoạt đầu, lực lượng nghĩa quân của anh em Phùng Hưng đánh chiếm cả
một miền rộng lớn quanh Phong Châu, xây dựng căn cứ kháng chiến. Phùng
Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô
Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình nhiều lần
đưa quân đến tiêu diệt nhưng bất phân thắng bại.
Tháng 4 năm 791, được sự trợ giúp của Đỗ Anh Hàn, người có nhiều mưu
lược, Phùng Hưng cùng các tướng lãnh đem quân vây đánh thành Tống Bình.
Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh,
Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và Phùng Hưng chỉ huy tiến công bao vây thành.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, quân nhà Đường tử trận rất nhiều,
Cao Chính Bình phải lui binh vào thành cố thủ, nhưng vì quá sợ Phùng
Hưng nên lo rầu bị bệnh mà chết. Quân trong thành đầu hàng. Phùng Hưng
chiếm phủ Đô hộ và bắt đầu cầm quyền trị nước.
Phùng Hưng từ trần vào ngày 13-9-802, nhằm ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ, hưởng dương 41 tuổi.
Sau khi ngài mất, con trai là Phùng An lên nối ngôi, tôn danh hiệu
cho ngài là Bố Cái Đại Vương. Phùng An nối nghiệp được hai năm thì đất
nước lại rơi vào tay giặc Đường. Nền tự chủ của dân tộc Việt do Phùng
Hưng giành lại chỉ kéo dài khoảng 9 năm.
Sau khi tái lập nền đô hộ, quân nhà Đường liên tục truy sát những
người trong gia tộc họ Phùng. Gia tộc họ Phùng phải lui về các vùng núi,
trung du hay tản ra các vùng khác để lánh nạn.
Hiện lăng mộ của Phùng Hưng đang ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà
Nội. Đền thờ ngài được dựng lên ở nhiều nơi. Tại Đường Lâm có đình
Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Tại xã Gia
Thanh, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình có 3 ngôi đền, thờ Bố Cái Đại Vương.
Lễ hội Đào Nguyên ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, là một lễ hội lớn
được tổ chức hằng năm tại làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức,
ngoại thành Hà Nội. Đây là lễ hội truyền thống của dân làng để tưởng
nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Sau này đất Đường Lâm, quê quán của Phùng Hưng, lại xuất hiện thêm vị
anh hùng Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của quân Nam Hán, chấm
dứt 1000 năm Bắc thuộc. Vì vậy, Đường Lâm còn được nhiều người biết đến
với tên gọi là "Đất hai Vua".
* * *
Nhắc đến Phùng Hưng, sử Việt thường nhấn mạnh hai chữ "Bố Cái" trong
thụy hiệu được triều đình phong tặng cho ngài. Mặc dù sử sách không ghi
lại nhiều chi tiết về công trạng hiễn hách ngài, nhưng với hai chữ "Cha
Mẹ", đủ cho thấy người dân Việt vào thời đó đã bày tỏ tấm lòng tri ân
sâu xa đối với công đức của Ngài.
Ngài xứng đáng được tôn xưng là "Cha Mẹ" của dân vì đã giải cứu được
nòi giống Tiên Rồng ra khỏi vòng nô lệ của nhà Đường, một triều đại hùng
mạnh của đế chế Trung Hoa.
Rất tiếc là "anh hùng khí đoản", Bố Cái Đại Vương đã từ trần quá sớm
nên không thể duy trì được nền tự chủ lâu dài cho dân tộc. Nhưng dù sao,
thì cuộc kháng chiến của Ngài đã tô đậm thêm truyền thống quật cường
của dân tộc, giúp cho vùng đất Đường Lâm lại sản sinh thêm một Ngô
Quyền, người đã chấm dứt được giai đoạn Bắc thuộc kéo dài cả 1000 năm,
cho dân Việt thoát khỏi cảnh điêu linh và thống khổ.
Chừng nào thì đất nước VN có được vài vị anh hùng như các ngài để đưa đất nước thoát khỏi hiểm họa Bắc thuộc hiện nay?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment