Friday, February 21, 2025

’GIĂNG BẪY’ ĐỂ MÓC TÚI DÂN

Chuyện Nước Non Mình

Dưới sự thống trị của Đảng CSVN, luật pháp chẳng những đã được sử dụng như một phương tiện để bảo vệ sự lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn của đảng, mà còn là phương tiện để móc túi dân làm giầu cho đám cán bộ, đảng viên. Đáng phỉ nhổ hơn nữa là phương thức “móc túi” này lại mang tính chất lừa lọc, bần tiện và đê hèn.

Trong chuyên mục CHUYỆN NƯỚC NON MÌNH hôm nay, mời quý thính giả cùng theo dõi bài “’’GIĂNG BẪY’ ĐỂ MÓC TÚI DÂN” của tác giả DÂN TRẦN đăng trong Tranh nhà VIỆT NAM THỜI BÁO, sẽ do Ngọc Sương trình bày sau đây.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố kết quả phát hiện, xử lý phạt nguội qua hệ thống camera giám sát giao thông. Theo đó, chỉ trong 1/2025, tại Vĩnh Phúc có tới 440 phương tiện bị xử phạt vì lỗi chạy quá tốc độ quy định trên cùng một đoạn đường. Theo quy định, tốc độ tối đa cho phép tại khu vực này là 60 km một giờ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ trong vòng một tháng, hàng trăm phương tiện lại đồng loạt mắc cùng một lỗi, tại cùng một vị trí? Phản ánh về vấn đề này, nhiều tài xế vi phạm cho rằng họ bị dính lỗi vì biển báo giới hạn tốc độ bị che khuất, khiến họ không thể nhận biết chính xác tốc độ được quy định.

Chỉ mới một đoạn đường thôi mà số người bị “bẫy” trong vòng một tháng như thế này, thì không biết trên phạm vi cả nước, có bao nhiêu trường hợp tương tự đang diễn ra mỗi ngày? Rõ ràng là cách thiết lập, bố trí biển báo chính là cái bẫy để móc túi người dân.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp là “rõ ràng, dễ hiểu và dễ tuân thủ”. Khi một biển báo giao thông bị che khuất hoặc đặt ở vị trí khó quan sát, trách nhiệm không chỉ thuộc về người thi công lắp đặt mà còn là của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo hệ thống biển báo đầy đủ, dễ nhận biết.

Nếu người thi công sai, thì nhà chức trách phải nhanh chóng sửa lại cho phù hợp để bảo vệ người dân. Còn nếu cứ để biển báo không rõ ràng rồi tiến hành xử phạt không gọi là đặt bẫy thì gọi là gì? Cả một hệ thống chính trị tại khu vực đó chẳng lẽ đui mù câm điếc mà không biết? Cần phải làm rõ trách nhiệm của những cán bộ tại đây!

Từ khi có nghị định 168, tăng mức phạt vi phạm, hàng loạt lỗi, bẫy bị người dân phát hiện. Ngoài các biển báo bị che khuất, thì còn đèn tín hiệu giao thông chập chờn hư hỏng, máy thổi nồng độ cồn bị sai kết quả, các thiết bị bắn tốc độ của CSGT thì không lỗi này cũng lỗi nọ,… Dù lỗi là từ nhà chức trách, nhưng dân vẫn phải nộp phạt. Có lẽ cán bộ cộng sản đã thấm nhuần tư tưởng “tiền trong dân còn nhiều”, nên cứ tìm mọi cách moi móc cho đến khi không còn gì mới thôi.

Chức năng của lực lượng cảnh sát giao thông là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nhưng khi những bất cập tồn tại kéo dài mà không được giải quyết, dư luận sẽ có cơ sở để nghi ngờ tính minh bạch và động cơ của các hoạt động kiểm soát này. Một nhà nước hoạt động vì dân phải chủ động tháo gỡ khó khăn, chứ không phải tạo thêm rào cản rồi ngồi chờ dân mắc lỗi để xử phạt.

Tại quốc gia dân chủ phát triển, họ áp dụng công nghệ vào quản lý giao thông nhưng vẫn đặt yếu tố minh bạch lên hàng đầu. Các hệ thống giám sát tự động đều được thông báo rõ ràng, biển báo giao thông được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế với kích thước dễ nhìn, vị trí thuận lợi. Người dân khi tham gia giao thông luôn được tạo điều kiện hiểu rõ quy định để tuân thủ. Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng biển báo “núp lùm”, tín hiệu giao thông lỗi, và quy trình xử phạt không minh bạch lại ngày càng phổ biến.

Sự bất cập trong quản lý giao thông ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc phạt nguội mà còn ở nhiều vấn đề khác như chi phí xử lý vi phạm, mức phạt, thời gian giải quyết khiếu nại kéo dài,… khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một hệ thống chính trị minh bạch cần phải biết lắng nghe ý kiến phản hồi và cải thiện hệ thống để phục vụ người dân tốt hơn, thay vì biến các quy định pháp luật thành công cụ bóc lột người dân. Chỉ có như vậy mới giữ được thể chế. Còn khi đã đi ngược lòng dân thì thể chế cũng sẽ lụi tàn như sự cạn kiệt niềm tin của dân vào hệ thống chính trị./.

 

No comments:

Post a Comment