Wednesday, February 19, 2025

Danh sách tù nhân lương tâm bị bắt giữ năm 2024

Đất Nước Đứng Lên

Thưa quý thính giả, tuy nắm trong tay bộ máy công an và mật vụ khổng lồ, đảng csvn vẫn ngày đêm nơm nớp lo sợ những con người can đảm, bất chấp tù đày để gióng lên tiếng nói của lương tri. Trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài tổng kết Danh sách tù nhân lương tâm bị bắt giữ năm 2024, của tác giả Người Đà Lạt Xưa sẽ do Khánh Ngọc trình bày sau đây.

Danh sách tù nhân lương tâm trong năm 2024 sẽ được ghi chép theo dòng thời gian, tính theo ngày bị bắt giam. Chi tiết có thể bị thiếu sót, và cần được các bạn cập nhật.

Vụ bắt giữ đầu tiên trong năm 2024 là vụ bắt giữ ông Dương Mạnh Tiến (SN 1982) ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vào ngày 10 tháng 1 năm 2024 với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Tiến đã không chấp nhận và phản ứng chống lại các lực lượng chức năng khi họ tiến hành các biện pháp cưỡng chế tại khu quy hoạch dân cư thuộc thôn Tân Phú. Những lời lẽ của ông đã bị cơ quan chức năng cho là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, cũng như xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xúc phạm danh dự của một số cá nhân.

Ngày 30 tháng 1 năm 2024, ông Phạm Văn Chờ (SN 1964) trú xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên nhưng đăng ký thường trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội, đã bị bắt giữ và cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan điều tra cho rằng ông Chờ đã quản lý và sử dụng tài khoản Facebook "Chờ Phạm Văn" và "Nguyễn Minh Tân" phát livestream đăng tải, chia sẻ nhiều video clip bôi nhọ đảng và Nhà nước, và xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 4 tháng 2 năm 2024, ông Trần Văn Khanh (SN 1962) trú phường 5, thành phố Cà Mau, đã bị bắt giữ và cáo buộc tội “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Theo cáo trạng, ông đã sử dụng Facebook “Trần Khanh” kết bạn với nhiều tài khoản Facebook của người Việt Nam ở nước ngoài để bình luận, chia sẻ, phát tán các bài viết, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung "xuyên tạc, phỉ báng đảng và Nhà nước, và xúc phạm cá nhân lãnh đạo đảng".

Ngày 29 tháng 2 năm 2024, ông Nguyễn Chí Tuyến (SN 1974) trú tại quận Long Biên, Hà Nội, còn được biết đến với tên gọi thân mật là Anh Chí, đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Tuyến là một YouTuber nổi tiếng ở Việt Nam, thu hút gần 100.000 người theo dõi trên kênh YouTube “Anh Chí Râu Đen”. Ông là một nhà hoạt động dân chủ, thành viên Câu lạc bộ No-U phản đối "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông, và nhà bảo vệ môi trường trong các cuộc tuần hành kêu gọi bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Ngoài ra, ông còn tham gia cùng người dân trong các vụ phản đối nhà nước cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm.

Trong cùng ngày, nhà báo Nguyễn Vũ Bình (SN 1968), trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng đã bị bắt giữ với cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Bình là hội viên danh dự của bốn tổ chức Văn bút Quốc tế: Văn bút Hoa Kỳ, Văn bút Canada, Văn bút Thụy Sĩ Pháp thoại, Văn bút Sydney. Vào đầu tháng 9 năm 2000, ông đã làm đơn xin thành lập Đảng Tự do - Dân chủ, đồng thời cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Cộng sản. Ông cùng với 16 người khác đã viết một thư mở kêu gọi nhà nước cải cách chính trị và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ông ủng hộ việc thành lập "Hội nhân dân giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng" và trở thành thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Dân chủ cho Việt Nam. Ông đã hai lần được Tổ chức Quan sát Nhân quyền trao giải Hellman-Hammett năm 2002 và năm 2007, một giải thưởng hàng năm dành cho những ngòi bút dũng cảm đương đầu với các đàn áp chính trị.

Ngày 1 tháng 3 năm 2024, ông Hoàng Việt Khánh (SN 1983) trú thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, đã bị bắt giữ và cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Khánh là một người dùng Facebook có hơn 45.000 người theo dõi, đã đăng hơn 120 bài viết nhằm phê bình đảng và nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Lực lượng chức năng cho rằng ông Khánh đã viết bài nhằm "xuyên tạc lịch sử, nói xấu, xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng, và tung tin không đúng sự thật".

Ngày 12 tháng 3 năm 2024, ông Phan Đình Sang (SN 1967) trú thôn 7, xã Hương Long, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã bị bắt giữ và cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan điều tra cho rằng ông Sang đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân "Phan Dinh Sang" đăng tải 17 bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng lãnh đạo đảng và Nhà nước, bôi nhọ lãnh tụ cộng sản Việt Nam, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, xâm phạm đến sự vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Việt Nam.

Ngày 26 tháng 3 năm 2024, nhà sư Thạch Chanh Đa Ra (SN 1990) và phật tử Kim Khiêm (SN 1978), cả hai là người Khmer Krom cùng ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đã bị bắt giữ với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Sư Thạch Chanh Đa Ra là sư trụ trì của chùa Đại Thọ - tên tiếng Khmer là chùa "Tro Nom Sek". Ông đã bị nhà cầm quyền địa phương xem là “cái gai” vì đã không chịu gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - một giáo hội được xem là do đảng chỉ đạo.

Truyền thông nhà nước cho rằng Sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra "có hành vi khống chế Tổ công tác của Uỷ ban nhân dân huyện Tam Bình, đưa vào chánh điện khóa cửa không cho ra ngoài". Ngược lại, Liên Đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF), đại diện người Khmer Krom ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho biết nhà sư và Phật tử đã phản ứng lại cuộc trấn áp của các viên chức không mặc đồng phục. Các viên chức này đã kết hợp với băng nhóm “xã hội đen” tại địa phương nhằm phá hoại một lớp học tiếng Khmer tại ngôi chùa, và tình trạng sách nhiễu đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm.

Cùng ngày, ông Thạch Vệ Sanal (SN 1987) cũng bị bắt theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ vì việc hỗ trợ bảo vệ ngôi chùa khi các băng đảng địa phương tấn công Tro Nom Sek vào ngày 22 tháng 11 năm 2023.

Chiều tối 28 tháng 3, cơ quan cảnh sát tiếp tục mở rộng điều tra, đã bắt giam thêm 5 bị can khác, gồm có: Dương Khải (SN 1994) ngụ tỉnh Sóc Trăng; Thạch Quí Lầy (SN 1986) và Kim Sa Rương (SN 1987) cả hai cùng ngụ tỉnh Trà Vinh; Thạch Chóp (SN 2003) và Thạch Nha (SN 1997) cả hai cùng ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 28 tháng 3 năm 2024, hai ông Nguyễn Đức Dự (SN 1976) ngụ thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, và Hoàng Quốc Việt (SN 1978) ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đã bị bắt giữ với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan An ninh điều tra cho rằng hai ông Dự và Việt đã đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết "có nội dung xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan tư pháp của tỉnh Long An và Tòa án nhân dân tối cao" trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án Hồ Duy Hải.

Ngày 27 tháng 4 năm 2024, bà Bùi Thị Linh (SN 1989) đã bị công an tỉnh Điện Biên phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ với cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Theo cơ quan điều tra, bà Linh đã thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook "tài xế đòi" thực hiện việc "livestream", chia sẻ các thông tin và "lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm của một số cán bộ" lãnh đạo công an tỉnh Điện Biên, cán bộ lãnh đạo Viện Kiểm Sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên.

Ngày 7 tháng 6 năm 2024, nhà báo Trương Huy San (SN 1962) còn được biết đến với bút danh "Osin Huy Đức" đã bị bắt giữ với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Cùng vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng khởi tố bị can, ra lệnh bắt giam ông Trần Đình Triển (SN 1959), trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ông Triển cũng bị cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" theo Điều 331.

Một số nhà bình luận cho rằng việc bắt giữ nhà báo Huy Đức là do "thời thế đã thay đổi". Huy Đức đã từng khuấy động dư luận với bài viết “Ba khâu đột phá của Thủ tướng” nói về việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thâu tóm quyền lực cho nhiệm kỳ hai. Việc chỉ trích ông Dũng và di sản mà ông ấy để lại là hàng loạt các đại án, giờ đây mang tai họa đến cho Huy Đức.

Ngày 2 tháng 8 năm 2024, ông Nguyễn Đình Trung (SN 1958) trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Báo đảng cho rằng hành vi của ông Trung chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội "đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của cơ quan, tổ chức; quyền và lợi ích hợp pháp của một số cá nhân".

Ngoài ra, trong năm 2024, một vụ bắt giữ khác đã xảy ra ngoài nước nhưng có tầm quan trọng cần được nhắc đến. Ông Y Quynh Bdap, 32 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền đã được cấp quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, đã bị cảnh sát địa phương bắt giam vào ngày 11 tháng 7, và có thể sẽ bị dẫn độ về Việt Nam. Ông là người đồng sáng lập nhóm Bảo vệ Công lý cho người Thượng, đã trốn sang Thái Lan nhưng lại bị kết án vắng mặt tại Việt Nam với cáo buộc rằng ông có liên quan đến việc tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính quyền ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6 năm 2023.

Danh sách có thể bị thiếu sót, và cần được các bạn cập nhật.

Chế độ phải thay đổi. Tự do cho Việt Nam. Tự do cho tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Người Đà Lạt Xưa

January 1, 2025

 

No comments:

Post a Comment