Trong phiên họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN Khóa 13 ngày 22 tháng 1 vừa qua, Thượng tướng Công An Nguyễn Duy Ngọc, được bầu làm Ủy Viên Bộ Chính Trị, nâng con số Ủy viên xuất thân từ ngành Công An lên thành 5 so với số Ủy viên gốc Quân đội chỉ có 3.
Sự kiện này sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc diện chính trị Việt Nam?
Để trả lời câu hỏi này, qua chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, mời quý thính giả cùng theo dõi bài viết “Công An thắng thế, Quân Đội lép vế – Nhưng vẫn là cá mè một lứa” của tác giả ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, qua giọng đọc của Vân Khanh
Những năm gần đây, sự chuyển dịch quyền lực trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nghiêng về phe Công An, trong khi vai trò của Quân Đội dần suy yếu. Nếu trước đây, Quân Đội từng là lực lượng then chốt bảo vệ và duy trì quyền lực cho Đảng, thì nay, Bộ Công An đang vươn lên như một thế lực kiểm soát toàn bộ hệ thống chính trị. Tuy nhiên, dù ai thắng thế, cả hai lực lượng này vẫn chỉ là công cụ duy trì sự cai trị độc tôn của Đảng.
Trong quá khứ, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có vị trí vững chắc trong chính trường nhờ vai trò trong các cuộc chiến tranh và sự trung thành tuyệt đối với Đảng. Tuy nhiên, từ sau Đổi Mới, tầm ảnh hưởng của Quân Đội dần thu hẹp. Có ba lý do chính dẫn đến sự suy yếu này:
Một là Quân đội chỉ tập trung vào nhiệm vụ quốc phòng. Từ năm 2017, Đảng chủ trương “Quân Đội không làm kinh tế,” khiến các doanh nghiệp quân đội mất đi quyền lực kinh tế, kéo theo sự giảm sút về nguồn lực tài chính và ảnh hưởng chính trị.
Hai là vai trò chính trị của Quân đội bị hạn chế. Số lượng tướng lĩnh quân đội trong Bộ Chính Trị ngày càng giảm. Việc quân đội bị tách dần khỏi lĩnh vực kinh tế và chính trị khiến họ không còn giữ được các vị trí chủ chốt như trước đây.
Và ba là Quân đội thiếu quyền kiểm soát nội bộ. Không giống Công An, Quân Đội không có chức năng điều tra, truy tố hay kiểm soát cán bộ trong hệ thống chính trị. Điều này khiến họ lép vế trong các cuộc đấu đá nội bộ.
Trái ngược với sự suy yếu của Quân Đội, Công An ngày càng củng cố vị thế trong chính quyền, đặc biệt từ khi chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đẩy mạnh. Một số yếu tố giúp Công An ngày càng nắm ưu thế gồm:
- Về kiểm soát nội bộ, Công An có quyền lực tuyệt đối trong điều tra, truy tố và kiểm soát cán bộ, kể cả quan chức cấp cao. Điều này giúp các tay đầu sỏ Công An có lợi thế trong các cuộc thanh trừng chính trị.
- Ngoài ra, Bộ Công An là công cụ chống tham nhũng, đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch “đốt lò,” với hàng loạt quan chức cấp cao bị điều tra và bắt giữ, giúp họ gia tăng ảnh hưởng.
- Lực lượng Công an cũng nắm giữ thông tin và an ninh, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề an ninh, giám sát xã hội, và đặc biệt là các tổ chức chính trị ngoài Đảng. Điều này cho phép tập đoàn này can thiệp vào mọi lĩnh vực đời sống chính trị, từ đấu đá nội bộ đến trấn áp bất đồng chính kiến.
- Số lượng Ủy viên Bộ Chính Trị xuất thân từ Công An đã vượt qua Quân Đội. Với Nguyễn Duy Ngọc vừa được bầu vào Bộ Chính Trị trong Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương ngày 22 tháng 1 vừa qua, phe Công An có 5 Ủy Viên so phe Quân Đội chi có 3.
Sự thắng thế của Công An không chỉ thay đổi cục diện chính trị nội bộ mà còn tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tóm lược sau đây.
Trước hết là gia tăng kiểm soát chính trị - Công An có đầy đủ công cụ để siết chặt quyền tự do dân sự, đàn áp các tiếng nói đối lập và kiểm soát thông tin. Điều này có thể khiến môi trường chính trị ngày càng khép kín, hạn chế cải cách và làm giảm tính minh bạch trong bộ máy nhà nước.
Kế tiếp, tình trạng đấu đá nội bộ sẽ căng thẳng hơn - Khi Công An nắm trong tay quyền điều tra và kiểm soát cán bộ, các cuộc thanh trừng nội bộ có thể gia tăng. Điều này giúp họ duy trì quyền lực nhưng cũng có thể làm Đảng trở nên rối ren, mất ổn định.
Đồng thời sự mâu thuẫn giữa Công An và Quân Đội ngày càng thêm nghiêm trọng. Khi Công An ngày càng mạnh, Quân Đội có thể không hài lòng với vị trí bị thu hẹp của mình. Nếu khoảng cách quyền lực giữa hai lực lượng này tiếp tục gia tăng, nguy cơ xung đột nội bộ khó tránh khỏi.
Việc Công An thắng thế cũng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Trước đây, Quân Đội đóng vai trò quan trọng trong các quyết sách đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Nếu Công An chiếm ưu thế, chính sách đối ngoại có thể thiên về ổn định nội bộ hơn là bảo vệ lợi ích quốc gia, khiến Việt Nam gặp khó khăn trong các vấn đề an ninh khu vực.
Cuối cùng, về lãnh vực kinh tế, khi Công An nắm quyền kiểm soát, thành phần chóp bu của Đảng sẽ lo tranh chấp quyền lực, không chú trọng đến lãnh vực phát triển kinh tế. Điều này có thể dẫn đến môi trường kinh doanh kém minh bạch, giảm thu hút đầu tư nước ngoài và làm chậm lại các cải cách cần thiết.
Tuy nhiên, dù Công An đang chiếm ưu thế trong Bộ Chính Trị, điều này không có nghĩa là sẽ có thay đổi căn bản trong chính sách cai trị của Đảng. Cả Công An lẫn Quân Đội đều là công cụ bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN. Sự thay đổi quyền lực giữa hai phe không phản ánh một bước tiến dân chủ hay cải cách, mà chỉ là sự tái cấu trúc nội bộ để đảm bảo Đảng tiếp tục duy trì sự kiểm soát tuyệt đối./.
No comments:
Post a Comment