Thưa quý thính giả, tròn 46 năm ngày mà người anh em phương Bắc xua quân xâm chiến lãnh thổ, xác hại dân lành, nhưng đảng csVN vẫn không dám công khai tưởng niệm những người đã ngã xuống để bảo vệ biên cương. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thình giả theo dõi bài viết của tác giả Minh Hải với tựa đề “Chiến cuộc biên giới Việt-Trung, và những người bị đối xử tệ bạc”, đăng trên trang web Saigon Nhỏ, sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.
Tròn 46 năm ngày bắt đầu nổ ra chiến cuộc biên giới Việt –Trung (17/02/1979- 17/02/2025), người Việt Nam quen gọi là cuộc chiến biên giới phía Bắc, tôi lại nhớ đến những người anh từng tham gia cuộc chiến này, hiện đang bị cầm tù.
Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) đưa ra những lý do CSVN đưa quân đội vào đất Campuchia, đánh bại đồng minh của CSTQ là Khmer Đỏ; CSVN đàn áp người Hoa Kiều sinh sống tại Việt Nam, và liên minh với Liên Bang Xô Viết tạo thành thế vòng kìm gây bất lợi cho mình. Với tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học,” ngày 17 tháng Hai năm 1979, nhà cầm quyền CSTQ đứng đầu là Đặng Tiểu Bình xua 600,000 quân nổ súng, tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, lúc bấy giờ là 6 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Tuyên (sau này tách thành Hà Giang và Tuyên Quang) và Quảng Ninh.
Mặc dù đúng một tháng sau, tức là vào 16 tháng Ba năm 1979, CSTQ rút toàn bộ quân đội về nước sau khi cho rằng đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tiếng súng của hai bên vẫn nổ qua lại biên giới Việt- Trung kéo dài đến tận 10 năm sau mới kết thúc.
Hậu quả là có khoảng từ 60,000 cho đến 100,000 binh sĩ hai bên Việt Nam – Trung Quốc thương vong.
Về kinh tế, hầu hết các tỉnh biên giới Việt Nam bị thiệt hại nặng nề. Theo con số công bố của Việt Nam vào lúc bấy giờ: Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng và thị trấn Cam Đường bị hủy duyệt hoàn toàn, cùng với đó 100% xã, bệnh viện-bệnh xá, nông trường, lâm trường bị xóa sổ, 2/3 trường học bị phá hủy, 400,000 gia súc bị giết và bị cướp, hơn 1.5 triệu người bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Hôm ngày 5 tháng Hai năm 2025 vừa qua, Tổng Bí Thư Tô Lâm cùng đoàn tháp tùng có chuyến đi lên Hà Giang, đến dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ quân đội CSVN hy sinh trong cuộc chiến tại nghĩa trang Vị Xuyên, nơi an nghỉ của hơn 1,700 liệt sĩ quân đội CSVN.
Dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm đến những chuyến đi như thế này của các vị đứng đầu Đảng, và Chính phủ CSVN, vì kể từ sau Hội Nghị Thành Đô (năm 1990), Việt Nam và Trung Quốc bình hóa các mối quan hệ. Với cái gọi là “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” để tránh căng thẳng với Trung Quốc, CSVN ngoại giao lấy lòng giới cầm quyền CSTQ, coi trọng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn bằng cách gần nữa thế kỷ trôi qua, nhà cầm quyền CSVN hạn chế đưa thông tin về cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979 vào sách giáo khoa, kiểm soát chặt chẽ truyền thông đưa thông tin hòng hạn chế người dân tìm hiểu và nhắc lại.
Đối với cuộc chiến biên giới Việt –Trung 1979, CSVN hiện vẫn còn nhiều hành xử bất công với chính đồng đội của họ. Còn nhiều cựu binh tham gia cuộc chiến hiện chưa được CSVN công nhận hay xét duyệt đầy đủ chế độ chăm lo và trợ cấp xã hội.
Trước đây, qua tiếp xúc một vài thương binh tham gia cuộc chiến, tôi được biết mỗi tháng CSVN hỗ trợ cho họ một phần tiền rất ít ỏi không đủ sống qua ngày, và chữa trị bệnh tật. Và còn biết bao người nằm xuống trong cuộc hiến này ở các vùng núi biên giới Việt-Trung chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều gia đình phải tự bỏ tiền, công sức và thời gian ra, đi tìm kiếm hài cốt của thân nhân mình.
Từ năm 2011 đến nay, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động dân sự độc lập Việt Nam bằng cách này hay cách khác, tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm và kết hợp với những lần tổ chức hội thảo nên cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 được nhiều người dân biết hơn. Nhưng vì lo ngại vấn đề ngoại giao với Trung Quốc, lo ngại các hoạt động chính trị sẽ gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của chế độ cầm quyền, nên nhà cầm quyền CSVN thường tung lực lượng chức năng ngăn chặn, trấn áp thẳng tay các nhà hoạt động dân sự tổ chức những hoạt động tưởng niệm vào các ngày: Hoàng Sa 19 tháng Giêng, Biên giới Việt-Trung 17 tháng Hai và Trường Sa 14 tháng Ba hoặc tập trung biểu tình hễ khi CSTQ xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam.
Cứ tới ngày này, tôi lại nhớ về hai người anh mà tôi hân hạnh được quen biết ngoài xã hội và cũng là hai cựu quân nhân CSVN từng tham gia chiến cuộc biên giới Việt –Trung giai đoạn 1979- 1989.
Anh Trần Văn Bang, năm nay 64 tuổi, cư trú tại Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, kỹ sư chuyên ngành thủy lợi. Năm 1982, khi biên giới Việt-Trung vẫn còn nổ súng ác liệt, anh Bang rời trường đại học, lên đường làm nhiệm vụ Tổ Quốc. Năm 1985, anh Bang rời cuộc chiến, chuyển qua công tác tại công trình thủy điện Trị An. Với một tinh thần yêu nước nồng nàn, anh Bang thường lên án gay gắt nhà cầm quyền CSVN “hèn với giặc, ác với dân.” Nhiều lần anh tham gia biểu tình phản đối CSTQ xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Năm 2018, khi cùng hàng ngàn người dân Sài Gòn xuống đường phản đối dự thảo luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, anh Bang bị CSVN tại Sài Gòn đánh một cách nhẫn tâm. Năm 2023, anh bị bắt và bị tuyên án 8 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.
Một trí thức Việt chia sẻ bài thơ mà anh Bang sáng tác vào năm 22 tuổi, gửi tặng người yêu:
“Bọn bành trướng làm anh không về được
Biết tìm gì làm kỷ vật tặng em
Anh chỉ biết chúc em yêu trẻ mãi
Qua dòng thư em hiểu lính mà em!”
Người anh thứ hai tôi muốn nhắc đến là anh Lê Đình Lượng, 59 tuổi, ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cũng như anh Trần Văn Bang, anh Lượng từng là quân nhân CSVN, tham gia chiến cuộc biên giới Việt-Trung giai đoạn 1979-1989. Sau khi trở về từ chiến trường, ngoài việc lao động chăm lo gia đình, anh Lượng còn quan tâm đến hiện tình đất nước, quan tâm đến vấn đề dân chủ-nhân quyền Việt Nam. Vào những năm 2000, nhìn thấy những mối hiểm họa từ các dự án Boxit Tây Nguyên đối với Việt Nam trong tương lai, anh Lượng cùng nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước tham gia ký thư phản đối gửi đến Chính Phủ CSVN.
Năm 2016, trước thảm họa môi trường biển do Công ty Formosa –Hà Tĩnh gây ra, anh Lượng tích cực cùng giáo dân giáo phận Vinh xuống đường biểu tình, bày tỏ chính kiến. Tháng Bảy năm 2017, nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An bắt khẩn cấp anh Lượng với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Tháng Bảy 2018, Tòa Án Nghệ An tuyên bản án 20 năm tù giam dành cho anh Lượng.
Tháng Hai năm nào biên cương Việt-Trung cũng thắm đỏ màu hoa đào, màu hồng nhạt của hoa ban, gợi nhớ về những người ngã xuống vì dân tộc, vì quê hương “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử.” Không cần phải khóc tiếc thương nhưng đừng chối bỏ lịch sử, đừng là kẻ vô ơn, bội bạc.
No comments:
Post a Comment