Saturday, August 26, 2023

Chuẩn tướng Lê Đức Đạt

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Tư lệnh Sư đoàn 22, một cấp chỉ huy có tấm lòng yêu nước, thanh liêm, can đãm, tận tâm bảo vệ miền Nam tự do, ông đã cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và tự sát tại chiến trường Tân Cảnh vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chuẩn tướng Lê Đức Đạt” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Lê Đức Đạt sinh năm 1928 tại Hà Đông, miền Bắc VN, đậu bằng Tú tài 1, được bổ dụng làm công chức. Thi hành lệnh động viên, tháng 6 năm 1951, ông nhập ngủ và thụ huấn khóa 5 (Hoàng Diệu) tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Mãn khóa mang cấp bậc Thiếu úy, được chọn về đơn vị Thiết giáp. Sau khi mãn khóa căn bản tại Trung tâm Huấn luyện Thiết giáp Viễn Đông, ông thuyên chuyển về làm Trung đội trưởng trong Đại đội 5 Thám thính, đồn trú tại Thái Bình.

-Đến cuối năm 1953, thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội này.

-Đầu năm 1954, nhận chức vụ Trưởng ban Hành quân của Trung đoàn 3 Thám thính (tân lập) tại Hà Đông.

-Cuối năm 1954, thăng cấp Đại úy, được cử đi học khóa cao cấp Thiết giáp tại trường Thiết Kỵ Saumur, Pháp.

-Năm 1956, thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Thám thính, đồn trú tại Ban Mê Thuộc.

-Năm 1957, ông nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cơ giới Bảo an ở Vũng Tàu.

-Năm 1963, thăng cấp Trung tá và chuyển sang bộ binh, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phước Tuy.

-Năm 1967, ông giữ chức vụ Tham mưu trưởng Sư đoàn 25 Bộ Binh (BB), sau đó làm Tư lệnh phó Sư đoàn này.

-Năm 1969, thăng cấp Đại tá, nhận chức Tư lệnh phó Sư đoàn 22 BB.

-Đầu tháng 3 năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 22 BB, Sư đoàn có danh hiệu Trấn Sơn Bình Hải.

-Tháng 2 năm 1972, cộng sản Bắc Việt chuyển quân ồ ạt vào vùng Cao Nguyên, điều động quân số cấp sư đoàn, cùng với chiến xa hạng nặng và trọng pháo, nhằm tấn công nhằm dứt điểm chiến lược, nơi Bộ tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 22 BB đang trấn đóng tại Tân Cảnh, Đắc Tô, để tiến quân vào Nam.

Bộ tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 22 BB trở thành Bộ chỉ huy Hành quân của Sư đoàn, Đại tá Lê Đức Đạt đích thân chỉ huy các đơn vị phòng ngự và đồn trú chống trả mãnh liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của cộng quân.

-Ngày 23/4/1972, với chiến thuật “tiền pháo hậu xung” và “biển người”, Sư đoàn 2 CSBV phối hợp với chiến xa, trọng pháo và đặc công đồng loạt tấn công căn cứ Tân Cảnh. Trung tâm Hành quân Sư đoàn 22 BB bị trúng đạn pháo trực xạ, hệ thống truyền tin bị phá hủy, một số sĩ quan bị thương vong, nhưng cũng đẩy lui nhiều đợt tấn công của cộng quân.

-Ngày 24/4/1972, do thời tiết quá xấu nên các phi vụ không yểm, oanh kích và tiếp tế đạn dược không thể thực hiện. Quân phòng thủ thiếu đạn dược nên vòng đai phòng thủ bị địch quân tràn ngập. Để tránh lọt vào tay cộng quân, ông tự sát tại chiến hào vào lúc 5 giờ 45 chiều ngày 24/4/1972.

Đại tá Lê Đức Đạt được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và được truy tặng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.

*****

Trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam, thời nào cũng xuất hiện những con người yêu nước có nhân cách cao quý, có tài đức và khí tiết. Với lời thề son sắt "Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm", Đại tá Lê Đức Đạt đã từ chối lên trực thăng rời khỏi chiến trường, ông quyết tâm ở lại cùng các quân nhân thuộc cấp chiến đấu. Ông bắt tay vĩnh biệt và ra lệnh cho Đại tá Tôn Thất Hùng, Tư lệnh phó, dẫn một số Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ bị thương rút khỏi căn cứ, ông nói: “Là Tư lệnh, tôi phải ở lại Tân Cảnh”.

Khi phòng tuyến bị tràn ngập, ông đã thể hiện khí phách của cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bằng cách tự sát, trong tinh thần “sĩ khả sát bất khả nhục”. Ông đã “vị quốc vong thân”, vĩnh viễn ở lại căn cứ Tân Cảnh cùng với nhiều chiến hữu.

Từ khi Cộng sản Bắc Việt tiến hành cuộc xâm lăng miền Nam VN, biết bao chiến sĩ của Quân Lực VNCH đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi gục ngã. Họ là những người hùng trong thời loạn ly của đất nước. Vì lý tưởng Tự Do, họ đã chiến đấu để bảo vệ miền Nam VN, họ hy sinh để con cháu họ được sống còn. Mặc dù họ đã nằm xuống, nhưng toàn dân miền Nam không bao giờ quên, luôn tri ân và tưởng nhớ đến công lao của họ.

Đã hơn 48 năm sau ngày cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, đất nước vẫn còn chìm trong tăm tối, người dân sống khắc khoải, khổ sở trong gông xiềng của bạo quyền cộng sản. Nỗi đau thương bất hạnh khi sống dưới chế độ độc tài này không bút mực nào tả xiết.

Cầu xin Hồn Thiêng Sông Núi của Tổ Quốc Việt Nam phù trợ, ban cho con dân nước Việt niềm tin làm sức mạnh và quyết tâm, đđồng tâm hiệp lực vùng lên lật đổ chế độ độc tài phi nhân, viết nên trang sử mới vẻ vang dân Việt.

 

 

No comments:

Post a Comment