Friday, July 15, 2011

Thư gởi quý anh chị ký giả trong nước

Chuyện Nước Non mình

Kính thưa quý anh chị,

Tôi vừa đọc được các bài phóng sự trên tờ báo Đại Đoàn Kết, viết về trận hải chiến đẫm máu ở Hoàng Sa vào năm 1974 giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung Cộng. Tôi thật sự xúc động không phải vì không biết gì về trận chiến đó. Nhưng tôi xúc động là vì sự can đảm của các anh chị khi đặt bút viết xuống những dòng chữ đó.


Tôi cảm nhận được là các anh chị đang phẫn nộ trước sự ngang ngược và hiếu chiến của Trung Cộng. Các anh chị cũng không thể chấp nhận được bức công hàm của nguyên cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, mà nội dung công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông. Chính vì thế các anh chị muốn mượn cuộc hải chiến đó để gián tiếp phủ nhận bức công hàm, cũng như bày tỏ lòng yêu nước của mình.

Suốt 36 năm qua, đảng cộng sản và báo chí VN không hề đề cập gì đến trận chiến chống ngoại xâm đó, ngay cả vụ Trung Cộng hạ sát hàng chục bộ đội ở Trường Sa vào năm 1988 cũng không được nhắc đến thì đủ biết đó là đề tài "cấm kỵ", một trong những vùng cấm mà các anh chị chớ nên đụng vào nếu không muốn đi tù hay bị bay chức như chị Kim Hạnh của tờ Tuổi Trẻ hay anh Nguyễn Công Khế của tờ Thanh Niên.

Nhưng, chẳng những nhắc đến trận chiến Hoàng Sa, mà các anh chị lại còn đề cao tinh thần anh dũng của những chiến binh hải quân VNCH trong giờ phút "châu chấu đá xe" đó. Các anh chị viết rằng: “…trong khi hạm trưởng và một nửa quân số trên tàu Nhật Tảo (HQ10) thiệt mạng, những người bị thương vẫn cố thủ bên các họng súng để bắn che cho những đồng đội xuống xuồng di tản. Và họ đã chìm xuống đáy biển sâu cùng với thân tàu tan nát dưới hỏa lực ghê rợn của các chiến hạm Trung Cộng đang bao vây tứ phía…”

Tôi thật sự xúc động trước sự can đảm của các anh chị, những người đang thể hiện thiên chức của người cầm viết là trình bày sự thật, dù các sự thật đó có phũ phàng đến đâu chăng nữa. Tôi có thể may mắn hơn các anh chị là được sống ở các xứ tự do, việc viết lách là nghề tay trái nên không phải quan tâm nhiều đến việc mưu sinh. Nhưng các anh chị thì khác! Nhà cầm quyền có thể tước thẻ nhà báo, trấn áp và thậm chí là bỏ tù quý anh chị. Các anh chị sẽ "bể nồi cơm", gia đình sẽ xào xáo hay lâm vào cảnh khốn đốn như anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và một số người khác.

Nhưng tôi luôn tin rằng, trong những giờ phút sinh tử của dân tộc, sẽ có những con dân Việt gát bỏ sự nguy hiểm cho cá nhân và gia đình mình để hòa nhập vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc… như cụ Nguyễn Trãi đã viết cách đây mấy trăm năm: "Vận nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng hào kiệt thời nào cũng có".

Và bây giờ/ thì tôi càng có lý do để tin thêm vào điều đó. Vì các cuộc khởi nghĩa trong dòng lịch sử của dân tộc Việt, giới trí thức bao giờ cũng là thành phần đi tiên phong. Họ là lớp sĩ phu thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, có những người làm thơ tiếng Hán mà hay hơn người Hán, và đã viết những bài hịch nẩy lửa để khơi dậy lòng yêu nước trước hiểm họa ngoại xâm đến từ phưong Bắc.

Và đó là khí phách của giới sĩ phu VN. Thời bình họ có thể lập những văn đàn để ngâm vịnh thi ca. Nhưng thời chiến thì họ dùng ngòi bút để tham gia vào các khởi nghĩa hay kháng chiến. Truyền thống bất khuất của giòng giống Tiên Rồng còn lưu truyền được, cũng là nhờ một phần công sức của họ trong những thời kỳ đen tối nhất của dân tộc. Chính họ là những người nêu cao châm ngôn: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" thì không lẽ trong những giờ phút nguy nan của dân tộc lại bỏ chạy? Làm như thế thì còn mặt mũi nào nhìn thấy cha ông ở dưới suối vàng?

Tiền nhân chúng ta đã dùng ngòi bút để làm vũ khí chống xâm lược. Tôi và quý anh chị cũng chỉ có thứ vũ khí ấy. Tôi không tin rằng "sức mạnh một ngòi bút bằng cả sư đoàn", nhưng tôi tin ở sức mạnh của thông tin.

Lý do là tôi đã nhìn thấy sức mạnh của nền báo chí Tây phương. Chính họ đã đóng góp rất lớn vào sự phồn thịnh và phát triển của các quốc gia tiền tiến và dân chủ. Họ đã cho tôi thấy thế nào là thiên chức của một người cầm bút trước cường quyền và bạo lực. Đối với tôi, thiên chức đó quá lớn, chỉ cần giữ được liêm sỉ của một người cầm bút cũng là điều quá may mắn rồi.

Thư bất tận ngôn.

Chúc quý anh chị mạnh tiến trên con đường chông gai của nghề làm báo tại VN!



Trân trọng.

Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment