Sunday, July 10, 2011

Ngày hè đi lột vỏ tôm để kiếm tiền đi học

Chuyện Nước Non mình
Mùa nghỉ hè đối với một số học sinh nghèo tại VN là những ngày mưu sinh, phụ giúp gia đình nếu muốn có tiền đóng học phí cho năm tới. Chúng tôi xin gửi đến quý vị bài phóng sự nói về nỗi nhọc nhằn của trẻ em ở những vùng quê nghèo tại VN hiện nay
***
Đối với nhiều đứa trẻ nhà nghèo thì nghỉ hè là thời gian phải mưu sinh. Khác với nhiều trẻ em có gia đình giàu có, xem mùa nghỉ hè là thời gian được vui chơi đi đây đi đó, những đứa trẻ ở các miền quê nghèo xem mùa hè là mùa có trách nhiệm phải giúp mẹ cha kiếm sống.
Lý do rất đơn giản là nếu không chịu khó góp nhặt trong mấy tháng hè, rất có thể là chúng sẽ không còn được tiếp tục tới trường trong năm học tới.
Điển hình là những đứa trẻ lam lũ ở vùng biển Hậu Lộc thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Mặt trời đã dần xuống, nhưng cái nắng gay gắt vẫn còn rải khắp bờ biển dài. Cái nóng hắt lên từ những lớp bê tông của bờ kè và những cơn gió thổi táp vào mặt khiến làn da trở nên rát bỏng. Đi dọc theo bờ biển hai xã Minh Lộc và Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc của tỉnh Thanh Hóa, người ta nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ có khuôn mặt sạm đen vì nắng.
Nhưng những đứa bé đó không phải ra đó tắm biển hay dạo chơi. Chúng đang đi nhặt nhạnh những cái gì có thể bán ra tiền, đi cào ngao bắt ốc và thậm chí đi bóc vỏ tôm thuê để phụ giúp cha mẹ.
Dưới tấm bạt nóng nực, hàng chục đứa trẻ đang lúi húi ngồi bóc vỏ tôm thuê. Chiều nào cũng vậy, khi các tàu thuyền đánh cá cập bến là bãi biển Ngư Lộc trở nên nhộn nhịp, đông đúc người lớn và trẻ em làm những công việc quen thuộc là bóc vỏ tôm. Mỗi buổi như thế, các em cũng kiếm được trung bình từ 10 đến 15 ngàn đồng tiền công, bằng với giá 1 ký gạo ở Sài Gòn.
Cậu bé Nguyễn Văn Dũng, ngụ tại thôn Tân Hưng của xã Hưng Lộc và chỉ mới học xong lớp 3, đã lợi dụng những ngày nghỉ hè để theo mẹ ra bờ biển bóc vỏ tôm. Cậu bé cho biết: “Cháu không có chỗ nào khác để đi chơi. Cháu cũng không có tiền đi học thêm, nên chiều nào cháu cũng ra đây với mẹ. Mới đầu cháu không biết bóc nên thường bị vỏ tôm đâm vào ngón tay đau lắm. Nhưng rồi mẹ dạy cho, nên bây giờ cháu có thể bóc được nhiều rồi, nếu có nhiều nữa cháu cũng bóc được”.
Ngồi bên cạnh con trai, người mẹ tên Hoa chia xẻ: “Các chú đừng viết báo nói chúng tôi bóc lột sức lao động các cháu nhé. Ở đây các cháu có chỗ nào vui chơi ngoài bãi biển này đâu. Chiều nào cũng vậy, chúng tôi ra đây nhận bóc vỏ tôm mong kiếm thêm ít thu nhập thôi. Công việc này cũng nhàn hạ đối với các cháu. Bóc mỗi ký cũng được 5 ngàn đồng. Nếu không đi để các cháu ở nhà cứ chạy ra biển không ai trông coi thì cũng rất nguy hiểm”.
Riêng cô bé Tô Thị Duyên, ở thôn Bắc Thọ của xã Ngư Lộc, thì thủ thỉ kể: "Hết hè này cháu lên lớn 5. Làm công việc này cũng thích lắm. Hôm nào cũng đông vui, nếu mình không bóc nhanh tay là người khác bóc hết. Nếu có nhiều tôm cháu cũng bóc được. Cháu chỉ phụ giúp mẹ bóc thêm thôi. Mới đầu ngồi không quen đau lưng lắm nhưng bây giờ thì cháu quen rồi và bóc cả buổi cháu cũng làm được. Cháu nói với mẹ để dành tiền để đầu năm học mua quần áo mới đi học".
Tại bãi biển hai xã Ngư Lộc và Minh Lộc còn có những đứa trẻ theo chân người lớn đi kéo lưới hay thuyền thúng vào bờ. Ngoài ra các em còn lợi dụng lúc thủy triều xuống để mò cua, bắt ốc và cào ngao. Người ta rất dễ nhận ra những đứa trẻ miền biển, vì đứa nào cũng đen sạm, nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn. Có đứa trẻ chỉ mới 6 tuổi nhưng đã phải lăn lộn dưới nắng gió để mưu sinh.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, chủ tịch xã Ngư Lộc, cho biết cả xã có khoảng 4 ngàn em học sinh, phần lớn là các trẻ em. Vì đất chật mà người đông, chỗ ở còn kiếm không ra, nói gì đến việc có chỗ vui chơi giải trí cho các em. Chính vì thế bãi biển thường là nơi tập trung không chỉ trẻ em mà cả người lớn ra hóng mát, tìm việc làm thêm. Nhiều gia đình nghèo khó nên các em phải theo bố mẹ đi làm thêm kiếm sống trong những ngày hè.
Thế nhưng nguy hiểm cũng rình rập những đứa trẻ ở quê nghèo.
Vào hôm 5/7 vừa qua, trong lúc đi cào ngao ở cửa biển Lạch Quèn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hai trẻ em 13 và 14 tuổi đã chết đuối khi thủy triều dâng lên một cách đột ngột vào rạng sáng. Thủy triều lên nhanh cộng thêm sóng lớn đã cuốn hai em ra xa. Cả hai em, Lê Thị Mến và Bùi Thị Trang, đều là học sinh trường trung học Quỳnh Long của huyện Quỳnh Lưu.
Biết đến bao giờ thì những đứa trẻ đó được tung tăng vui đùa như những đứa trẻ khác? Câu trả lời xin dành cho đảng và nhà nước VN...

No comments:

Post a Comment