Tuesday, February 20, 2018

Về một gia đình không có Tết


Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, Đàn áp, chà đạp, giam cầm các gia đình theo các tôn giáo phi quốc doanh là cách đối phó tàn bạo duy nhất của nhà cầm quyền CSVN, hòng bóp nghẹt quyền tự do tín ngưỡng muôn đời của dân tộc. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Về một gia đình không có Tết” của Phạm Lê Vương Các sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Những ngày giáp Tết đọc một bản tin ở tỉnh An Giang thật đau lòng. Cả một gia đình, gồm vợ chồng, con cái và người thân thích phải ngồi tù trong nhiều năm tới chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ.
Đó là gia đình ông Bùi Văn Trung, là những tín đồ theo Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, một tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Vào một dịp lễ giỗ gia đình vào năm ngoái, chính quyền đã bao vây đạo tràng của ông Trung, dùng Cảnh sát Giao thông để thi hành việc khám xét, ngăn không cho các đồng đạo của ông được vào dự đám giỗ.
Hành vi ngăn cản đám giỗ – là ngăn cản một tín ngưỡng không thể thiếu trong tất cả các gia đình VN, cho thấy An Giang đang thi hành một chính sách hà khắc đối với những người thuộc các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận, dù sinh hoạt tụ tập này là chính đáng và không thể bị ngăn cản.
Việc ngăn cản có chủ ý của chính quyền An Giang đã vấp phải sự phản ứng của gia đình ông Trung, xung đột đã xảy ra và vài tháng sau cả gia đình ông bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
Tổng cộng 24 năm tù được chia ra cho những thành viên gia đình và người thân của họ trong phiên toà vào ngày 9/2/2018.
Trước đây vào năm 2012, ông Bùi Văn Trung cùng con trai là Bùi Văn Thâm cũng đã đi tù tổng cộng 6 năm cũng vì các tội danh như trên.
Trong câu chuyện này, rõ ràng ta thấy kẻ khơi mào dẫn đến sự xô xát và gây mất trật tự công cộng chính là nhân viên công lực tỉnh An Giang. Nhưng pháp luật đang nằm trong tay kẻ nắm quyền nên nạn nhân lại trở thành thủ phạm.
Theo luật nhân quyền quốc tế về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, việc sinh hoạt, thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng là không phụ thuộc vào bất kỳ sự phê duyệt hay cấp phép nào của kẻ cầm quyền. Nhà cầm quyền không được phép dùng đến mệnh lệnh hành chính để ngăn cấm việc thực hành, sinh hoạt tôn giáo hay tín ngưỡng vì lý do nó có được công nhận hay không.
Việc ghi danh của các sinh hoạt tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ nên là sự gợi ý, khuyến khích từ nhà cầm quyền chứ không phải là một yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên luật Việt Nam lại có quan điểm trái ngược, đặc biệt là tôn giáo. Muốn sinh hoạt tôn giáo thì tổ chức tôn giáo đó bắt buộc phải ghi tên với chính quyền, chỉ khi được nhà nước công nhận và cho phép hoạt động thì mới được phép sinh hoạt, bằng không các tổ chức tôn giáo này sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Trong vài năm trở lại đây, dưới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền VN hạn chế bắt giam các chức sắc, tín đồ vì các cáo buộc liên quan đến hoạt động tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, mà chỉ bắt vì các tội danh “gây rối” hay “chống người thi hành công vụ” như là cách đối phó lại các chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Việc tuyên án tù cho các thành viên gia đình ông Trung vì bất kỳ lý do gì nhằm mục đích dập tắt niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, như là hành động gieo rắc nỗi bi ai trước ngày Tết cổ truyền dân tộc – ngày mà nhiều gia đình VN sẽ sum vầy thực hành nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng của họ bất chấp việc chính quyền cho phép hay không.
Thương cho 6 mùa Tết nữa gia đình họ mới được sum vầy. Nhưng ngày nào VN còn duy trì chính sách hà khắc với tôn giáo, thiếu đi tinh thần đối thoại và lòng kính trọng tôn giáo thì ngày đó còn nhiều gia đình sẽ đón những cái Tết trong sự oán thù.
Phạm Lê Vương Các

No comments:

Post a Comment