Saturday, February 10, 2018

Hải Thượng Lãn Ông

Danh Nhân Nước Việt

“Cổ nhân dụng dược như dụng binh,
Sinh sát quan đầu hệ mị khinh.
Quốc thủ do đa khuy phạp xứ,
Tàm dư cô lậu lý nan minh.”
Đó là 4 câu thơ khiêm nhường của Hải Thượng Lãn Ông với hàm ý cho rằng, người thầy dùng thuốc như vị tướng dùng binh. Chớ xem thường sống chết của bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi nhất vẫn còn nhiều thiếu sót. Bản thân ông còn hạn hẹp, khó hiểu tường tận về y lý.

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh ngày 11/12/1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương).
Từ năm 26 tuổi đến lúc mất, ông sống tại quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng. Dòng họ ông có truyền thống khoa bảng, nội, chú bác, anh em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan. Thân phụ ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều vua Lê Dụ Tông, được gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng chức Thượng thư.
Ông thừa kế học thuật của danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh, sưu tầm và phát hiện 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo), đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc phổ biến cho dân gian áp dụng (Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng).
Ông có nhiều sáng tạo trong việc vận dụng lý luận y học cổ truyền vào thực tiễn. Điều đáng trân quý là ông rất chú trọng về y đức của thầy thuốc. Ông cho rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Ông bỏ nhiều công sức và tâm huyết cả đời để biên soạn bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển, tổng kết tinh hoa của y học Trung Hoa và Việt Nam. Bộ sách này gồm đủ các môn: lý, pháp, phương, dược, nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, nhãn khoa, cấp cứu, tạp bệnh, dưỡng sinh… cho đến cách nấu ăn để bảo vệ sức khoẻ, sự vận hành của thời tiết và sự biến đổi của khí hậu…
Năm 1783, ông viết xong tập Thượng kinh ký sự ghi lại tỉ mỉ chuyến đi kinh, tập ký này là một tác phẩm văn học quý giá. Mặc dầu tuổi đã già, phải lo chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục viết thêm tập Vân khi bí điển và hoàn chỉnh bộ Tâm lĩnh vào năm 1786.
Hải Thượng Lãn Ông qua đời vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), hưởng thọ 71 tuổi. Mộ ông hiện ở khe nước cạn dưới chân núi Minh Từ, thuộc huyện Hương Sơn.
*****
Nhắc đến Hải Thượng Lãn Ông, giới y học công nhận ông đã để lại một công trình y dược to lớn, có ý nghĩa sâu xa về nội dung lẫn hình thức. Ông không những cống hiến cho nền y học, mà còn là một nhà văn, nhà thơ, cống hiến nhiều ý tưởng mới cho thời đại.
Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông đã làm rung cảm tấm lòng của người nữ sĩ Yveline Féray ở phương Tây. Nữ sĩ người Pháp này đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm nhiều tài liệu để chuyển tải cuộc đời đầy phong ba, nhân hậu, tài hoa và đa cảm của ông vào trong tác phẩm Lãn Ông (Monsieur le Paresseux, xuất bản tại Paris vào năm 2000).
Lòng nhân ái của Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng với câu Lương y như từ mẫu. Thế nhưng, con đường tiến đến “thiên đường xã hội chủ nghĩa” của chủ nghĩa Mác – Lê đã làm băng hoại đạo đức xã hội, nên hiện nay câu Lương y như từ mẫu ít được người đời nhắc đến.
Không những vì bệnh viện và các giới chức ngành y tế đã “tắc trách” hoặc “có sai sót trong chuyên môn” khi chẩn đoán, điều trị mà vì nhiều bác sĩ thiếu y đức, ngoài viện phí phải có phong bì mới chịu chữa trị. Nhiều cấp lãnh đạo bệnh viện công cho rằng, tình trạng luôn quá tải ở bệnh viện là vì một số bác sĩ khá giỏi thờ ơ bỏ việc ra đi, một số xin nghỉ dài hạn không lương… Và một thực tế nữa là việc khám và chữa bệnh cho bệnh nhân ở các bệnh viện công còn tùy thuộc về y đức, nên việc làm thờ ơ, tắc trách của một số bác sĩ khiến nhiều người tử vong là chuyện không thể tránh khỏi.
Báo chí trong nước cáo buộc, ngành y tế có những hành vi “phân biệt đối xử với bệnh nhân” có thu nhập thấp. Người nghèo bị mất cơ hội được cứu chữa, chẩn đoán, chăm sóc, cấp cứu, điều trị kịp thời. Điều này là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hoặc làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân. Nhiều cơ quan truyền thông trong nước cho biết đã có rất nhiều vụ khiếu nại về các ca tử vong mà ngành y tế ở trung ương và địa phương có liên can trách nhiệm.
Tóm lại, với tấm lòng vị tha bác ái và công lao cứu nhân độ thế, Hải Thượng Lãn Ông rất xứng đáng được người đời sau ca tụng và được lưu danh trong sử sách.
Đất nước VN hiện đang cần có sự xuất hiện của những thầy thuốc có lòng nhân ái như Hải Thượng Lãn Ông để giúp đời, ngõ hầu giảm thiễu nổi đau khổ của tầng lớp dân nghèo đã và đang bị chế độ cộng sản tuyên truyền lừa bịp./.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment