Cuối cùng thì đội tuyển U23 VN đã chia tay Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á với kết quả Á quân. Và nhận được giải Fair-play.
Đám quan chức lãnh đạo thì vớ ngay lấy cơ hội, vơ vào, đẩy lên hơn
nữa. Ông Thủ tướng thì “nổ: “Với tinh thần quả cảm, ý chí và bản lĩnh
của con người Việt Nam… đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán
kết U23 châu Á”! Ông HLV Lê Thụy Hải thì bảo “U23 VN là những anh hùng
của dân tộc”…
Những lời nói đó đều là quá lố, và có hại, trước hết là cho chính các cầu thủ, nếu họ không tỉnh táo.
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Đừng nâng bóng đá lên thành quá
mức, hay tâng bốc các cầu thủ quá mức. Điều quan trọng nhất ở đây là đội
tuyển U23 VN đã vượt qua được những giới hạn trước đó, tức là chỉ lẹt
đẹt trong những giải đấu khu vực Đông Nam Á.
Nhưng ở một tầm nhìn lớn hơn, bóng đá hay thể thao nói chung, cũng
không khác gì văn học nghệ thuật, muốn phát triển ngoạn mục thì phải có
những yếu tố sau:
Thứ nhất, một môi trường tự do, tôn trọng thể thao/nghệ thuật, không bị định hướng, kiểm soát, gò ép bởi một chế độ độc tài;
Thứ hai, những người lãnh đạo nhà nước có tinh thần tự hào, tự tôn
dân tộc, yêu thể thao/nghệ thuật, có tầm nhìn xa, có chiến lược đầu tư
lâu dài hoặc chí ít là để cho tư nhân, những cá nhân, cơ quan có lòng
với thể thao/nghệ thuật nhảy vào đầu tư cho tài năng, chứ không phải
“xây nhà từ nóc” như bóng đá VN lâu nay;
Thứ ba, môi trường làm thể thao/nghệ thuật phải được bảo vệ bởi luật
pháp và tinh thần thượng tôn pháp luật để tạo nên một môi trường cạnh
tranh sòng phẳng, ở đó tài năng thực sự có thể vươn lên và tỏa sáng và
hoàn toàn không có đất cho bọn tham nhũng, bọn đạo văn, bọn ăn cắp hay
bọn mua độ, bán độ, bọn cơ hội, háo danh, con ông cháu cha, v.v…
Hình như chúng ta đang có thói quen cái gì cũng nâng lên thành tầm
quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào, dùng nhân dân làm
cái bình phong?
Dễ tổn thương vì chuyện nhỏ nhưng lại ơ hờ những chuyện lớn.
Thêm một ví dụ nữa. Chuyện ông thầy dạy Anh Văn Daniel Hauer nói đùa
sao đó đụng chạm tới ông tướng Võ Nguyên Giáp bị bao nhiêu người chửi,
rồi báo chí VN cũng có những bài chỉ trich, giảng đạo đức, ví dụ như báo
Giáo dục VN còn giật tít “Việt Nam không có thầy cô nào thiếu văn hóa,
nhân cách méo mó như Daniel Hauer”, rằng “Trước chiến thắng của U23 Việt
Nam, Daniel Hauer đã có bình luận vô cùng tục tĩu, xúc phạm nghiêm
trọng đến vị Anh hùng dân tộc mà dân tộc Việt Nam tôn kính.”
Tôi cũng không bênh vực gì Daniel Hauer, rõ ràng Daniel Hauer đã sai
khi sống và làm việc ở VN 5 năm trời, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt, phần
nào hiểu được văn hóa Việt mà không biết rằng nước này là một nước không
có tự do ngôn luận, và có những điều cấm kỵ không được đụng đến ví dụ
như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp hay đề cập đến đa nguyên đa đảng
hay sao. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là lối suy nghĩ, tư duy cái gì
cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân
vào là rất sai.
Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp là lãnh tụ, là tướng của đảng cộng
sản, đảng cộng sản phong họ là “cha già dân tộc”, là “anh hùng dân tộc”,
thậm chí là…thánh. Nhưng xét theo góc độ lịch sử, họ cũng chỉ là những
nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, có đúng có sai, có công có tội.
Sau này khi lịch sử được viết lại một cách trung thực, công bằng, khách
quan, chứ không phải thứ lịch sử tô vẽ, bị bóp méo do đảng và nhà nước
cộng sản viết nên và bắt người dân phải học theo, tin theo bao nhiêu năm
qua, những góc khuất, công tội của họ sẽ được bạch hóa và đánh giá một
cách đầy đủ. Và họ cũng chỉ là những con người, tại sao phải tôn thờ như
là thánh? Đó là chưa kể có phải tất cả mọi người VN đều yêu quý ông Hồ
ông Giáp hay không.
Cái lối suy nghĩ đó là hệ quả của một nền giáo dục tuyên truyền nhiều
năm dài. Và chúng ta đã bị ảnh hưởng mà không biết. Chưa kể, lối suy
nghĩ, phản ứng đó thể hiện sự chưa trưởng thành của một dân tộc.
Người Việt nói chung dễ vui (đến phát rồ) và dễ buồn (đến mất cả tinh
thần) chỉ vì những chuyện như đội nhà thắng thua một trận bóng đá; dễ
nổi khùng, bị xúc phạm vì một câu nói đùa hay câu chê bai của một người
nước ngoài. Nhưng lại hầu như không có phản ứng gì đáng kể trước những
điều lẽ ra phải buồn phải đau như vị thế của VN trên thế giới, cái nhìn
của thế giới nói chung đối với VN, sự lạc hậu của đất nước, nỗi cơ cực
của nhân dân, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề hay nguy cơ lệ thuộc
(kể cả mất nước vào tay Trung Cộng)…Đối với những vấn đề chính trị, xã
hội, quyền tự do, quyền con người thì người Việt nói chung lại có sức
chịu đựng vô cùng giỏi! Điều đó hoàn toàn trái ngược với người dân nhiều
nước khác.
Chúng ta cũng chẳng thấy nhục khi hai chữ VN thường xuyên bị gắn với
những tin tức, câu chuyện tiêu cực, không hay trên thế giới, hoặc đáng
xấu hổ, ví dụ như nhiều người Việt kể cả du học sinh, quan chức bị bắt
quả tang ăn cắp ở Nhật, các cô gái Việt đua nhau lấy chồng Đài chồng
Hàn, một số cô bị bắt khi đang làm gái mại dâm ờ Singapore, người Việt
xếp hàng xin đi làm thuê ở nước ngoài theo chủ trương “xuất khẩu lao
động” của nhà nước VN, v.v…
Chỉ khi nào không dễ bị tổn thương vì những chuyện nhỏ và thực sự
thấy đau thấy nhục, hoặc phẫn nộ vì những chuyện lớn lao hơn, lúc đó
chúng ta mới hy vọng rằng VN sẽ thay đổi được số phận của đất nước, dân
tộc, để không còn là một quốc gia lạc hậu, đi sai đường, một dân tộc hèn
kém nữa, và lúc đó VN sẽ thắng, không chỉ trong một giải bóng đá, báo
chí nước ngoài sẽ nhắc đến và khen ngợi VN không chỉ vì một trận bóng
đá, người Việt sẽ điềm tĩnh hơn nhiều khi thắng thua một trận bóng bởi
vì chúng ta còn có nhiều cái khác để tự hào. Chúng ta cũng không dễ nổi
khùng khi bị người nước ngoài đùa cợt hay chê bai, chỉ trích, vì chúng
ta biết VN có những điểm mạnh khác./.
Song Chi
No comments:
Post a Comment