Monday, July 21, 2025

“LỐI THÔNG” HAY “NGÕ CỤT”?

Bình Luận

Tung hô “Khẩu hiệu” là phương thức mà các tay đầu sỏ đảng CSVN vận dụng để tô vẽ chế độ, trong khi thực chất thì hoàn toàn rỗng tuếch.

Qua chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời quý thính giả theo dõi bài “’Lối Thông’ Hay ‘Ngõ Cụt’” của ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, do Nguyên Khải trình bày sau đây ...

Ngày 18 tháng 7 năm 2025, trong diễn văn khai mạc Hội Nghị Trung Ương lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung Ương đảng Khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phô trương một khẩu hiệu mới -- thay vì “vừa chạy vừa xếp hàng”, ông muốn “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến vươn tới tương lai”. Nghe qua thì thật đẹp đẽ, tưởng như một hình ảnh chỉnh tề, quy củ, rập khuôn của một đội quân tiến bước. Nhưng nhìn sâu vào thực tế đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, câu nói này chỉ là một lớp sơn phết lên che phủ những vấn nạn gốc rễ vẫn chưa có lối thoát. Bởi muốn “hàng thẳng” mà nền tảng xã hội đầy rẫy bất công, tham nhũng và đặc quyền đặc lợi, thì khẩu hiệu dù bóng bẩy đến mấy cũng chỉ là trò hô hào. Một quốc gia không thể “lối thông” khi các cánh cửa tư tưởng bị khóa chặt, người dân không có quyền tự do chọn con đường phát triển cho mình, và mọi sáng kiến ngoài khuôn khổ đều bị chụp mũ hay dập tắt từ trong trứng nước.

Thật ra, “vừa chạy vừa xếp hàng” vốn là lối nói quen thuộc để chỉ tình trạng làm việc lúng túng, thiếu chuẩn bị, chỉ biết theo lệnh trên mà không có kế hoạch dài hạn. Nay, ông Tô Lâm đổi thành “hàng thẳng, lối thông” như muốn chứng tỏ rằng chế độ đã tìm được cách tổ chức và điều hành trật tự hơn, tiến bộ hơn. Nhưng trong gần nửa thế kỷ qua, bao lần người ta nghe những khẩu hiệu tương tự -- nào “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, nào “đổi mới để phát triển”, nào “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để rồi sau mỗi lần tung ra một câu chữ hoa mỹ, đời sống dân chúng vẫn quanh quẩn với những chuyện cơm áo, thực phẩm độc hại, môi trường xuống cấp, công nhân kiệt sức vì lương bổng không đủ sống. “Hàng thẳng” chỉ có thể là hàng ngũ của bộ máy quan chức, những kẻ biết nhìn nhau để giữ vị trí, để không bị lạc nhịp trong hệ thống đầy toan tính và phe cánh.

Muốn “lối thông”, trước hết phải gỡ bỏ những rào chắn vô hình nhưng vô cùng rắn chắc. Đó là sự độc quyền của đảng trên mọi lãnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa. Lối nào “thông” được khi tiếng nói phản biện bị xem như chống phá? Lối nào “thông” khi báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền và không dám đụng tới những vụ án tham nhũng của giới quyền lực? Lối nào “thông khi” hệ thống tòa án chỉ biết xét xử theo chỉ đạo, và luật pháp bị biến thành tấm lưới để bẫy dân chứ không phải để bảo vệ dân? Những thứ ấy không ai dám đụng tới, mà chỉ hô hào “đồng lòng cùng tiến”. Tiến tới đâu? Tiến vào một tương lai mờ mịt, nơi quyền dân bị tước đoạt và tài nguyên đất nước bị khai thác đến kiệt quệ?

Chính ông Tô Lâm là nhân vật từng bị dư luận quốc tế lẫn trong nước phê phán vì lối sống xa hoa, với hình ảnh ăn miếng bò dát vàng tại London từng gây xôn xao. Khi người dân thắt lưng buộc bụng, khi hàng triệu công nhân không có nổi bữa ăn đủ dinh dưỡng, thì hình ảnh ấy là vết dao cắt vào niềm tin. Một người từng gây ra những ấn tượng như thế, nay lại kêu gọi “đồng lòng cùng tiến” thì khác nào bảo người dân hãy đi hàng một để nhìn theo bóng lưng của giới cầm quyền? Để thật sự đồng lòng, người lãnh đạo phải làm gương, phải dám đứng ra nhận lỗi khi chính sách thất bại, phải dám từ bỏ đặc quyền và sống như dân. Nhưng thực tế thì họ chỉ biết ra khẩu hiệu, chỉ biết đòi hỏi sự phục tùng từ dân, mà quên rằng lòng dân không thể mua bằng những câu chữ sáo rỗng.

“Vươn tới tương lai” là điều mọi quốc gia đều mong. Nhưng tương lai nào nếu giáo dục vẫn trì trệ, con em nông dân phải bỏ học vì không đủ học phí, trí thức bị xem như công cụ phục vụ hệ thống? Tương lai nào khi kinh tế phụ thuộc vào các tập đoàn ngoại quốc, còn doanh nghiệp trong nước bị bóp nghẹt bởi chính sách thuế má và thủ tục nhiêu khê? Người dân chỉ thấy một tương lai vất vả, không phải vì họ lười, mà vì cả một bộ máy chồng chéo đang cản đường họ. Không ai muốn “chạy” trong tình trạng chen lấn, nhưng càng không muốn đứng thẳng trong một hàng dài mà ở đầu hàng chỉ có một nhóm nhỏ hưởng lợi.

Nếu thật sự muốn thay đổi từ “vừa chạy vừa xếp hàng” thành “hàng thẳng, lối thông”, nhà cầm quyền phải mở lòng với dân, phải để cho người dân tự quyết định vận mệnh qua bầu cử tự do. Phải có một Quốc hội đúng nghĩa, nơi mọi ý kiến đối lập được lắng nghe, nơi luật pháp không phục vụ một đảng mà phục vụ toàn dân. Phải có báo chí độc lập để soi sáng những ngõ ngách tối tăm của quyền lực. Phải trả lại quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do tư tưởng. Không có những điều ấy, khẩu hiệu của ông Tô Lâm chỉ là câu nói trong không khí, chẳng để lại gì ngoài tiếng vang giả tạo.

Câu chuyện đổi khẩu hiệu không làm cho đất nước mạnh hơn, chỉ làm cho người dân thêm mệt mỏi khi phải nghe mãi những lời lẽ sáo mòn. Cái dân cần không phải là “hàng thẳng”, mà là cơ hội để mỗi người tự do chọn hàng, tự do chọn lối đi cho mình. Một quốc gia muốn vươn lên phải để cho dân mở đường, chứ không phải bắt họ đứng nghiêm dưới những khẩu hiệu sáo rỗng. Và chỉ khi nào đảng cộng sản chịu từ bỏ độc quyền lãnh đạo, chịu nhìn nhận dân là chủ nhân thật sự, thì lúc ấy mới có thể nói đến một “tương lai” đúng nghĩa./.

 

No comments:

Post a Comment