Trong tuần qua, giữa
lúc thế giới còn đang giao động vì các biến động chính trị và an ninh diễn ra tại
nhiều nơi, thì một sự kiện tưởng chừng chỉ thuộc phạm vi tôn giáo lại gây nên
chấn động trong dư luận quốc tế -- Đó là tuyên bố của Bắc Kinh phản đối quyết định
của đức Đạt Lai Lạt Ma về vấn đề truyền thừa ngôi vị của Ngài.
Kính mời quý thính giả
theo dõi bài Bình Luận của ĐOÀN KHÔI, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, tựa đề “Bóng
Ma Bắc Kinh Trên Đất Nước Tây Tạng” ... sẽ do Nguyên
Khải trình bày sau đây ...
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đưa ra tuyên bố khẳng định việc truyền thừa ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng phải được sự chuẩn thuận của Bắc Kinh. Sự kiện này một lần nữa cho thấy, đằng sau những lời lẽ gay gắt bác bỏ thẩm quyền của ĐứcĐạt Lai Lạt Ma trong việc chọn người kế vị, Bắc Kinh đã để lộ rõ dã tâm muốn khống chế toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc Tây Tạng, biến một tôn giáo hàng ngàn năm thành công cụ phục vụ cho quyền lực chính trị của đảng cộng sản.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, bậc lãnh đạo tinh thần cao nhất
của Phật giáo Tây Tạng, năm nay đã bước vào tuổi 90. Ngài là biểu tượng của sự
ôn hòa, từ bi, và đấu tranh bất bạo động cho tự do của Tây Tạng. Trong hơn sáu
thập niên qua, kể từ khi lưu vong sang Ấn Độ sau cuộc đàn áp của quân đội Trung
Cộng năm 1959, Đức Lạt Ma vẫn không ngừng kêu gọi sự đối thoại giữa Tây Tạng và
Trung Quốc, với mong muốn tìm một giải pháp hoà bình cho tương lai của dân tộc
mình. Mới đây, ngài tuyên bố cơ quan Gaden Phodrang, do chính ngài thành lập, sẽ
là tổ chức duy nhất có thẩm quyền chọn người kế vị – nghĩa là, việc truyền thừa
ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma phải do người Tây Tạng, theo nghi thức và truyền thống
Phật giáo của họ, quyết định. Đây là điều vốn dĩ hiển nhiên trong giáo lý cũng
như lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Thế nhưng Bắc Kinh liền lên tiếng phản đối mạnh
mẽ, cho rằng truyền thống “hồng đỉnh” – tức sự chuẩn nhận của triều đình Trung
Hoa – phải được tuân thủ, và người kế vị Đạt Lai Lạt Ma tương lai chỉ được coi
là hợp pháp nếu được chính phủ Trung Quốc phê chuẩn.
Lập luận này, tuy mang danh nghĩa “truyền thống”, nhưng
thực chất là một thứ chủ nghĩa bá quyền trá hình. Bằng cách viện dẫn lịch sử
nhà Thanh, Trung Cộng tìm cách gán cho mình quyền định đoạt vận mệnh tinh thần
của một dân tộc khác. Nhưng không ai tin rằng một chính thể vô thần, lấy chủ
nghĩa duy vật làm kim chỉ nam và từng phá huỷ hàng ngàn chùa chiền trong cuộc Cách
mạng Văn hoá vào những năm 60 của thế kỷ trước, lại có tư cách để can thiệp vào
việc truyền thừa của một tôn giáo mà họ vốn xem là “mê tín phản động”. Sự can
thiệp ấy, trên thực tế, không nhằm bảo vệ truyền thống mà chỉ là toan tính đưa
vào một “Đạt Lai Lạt Ma quốc doanh” – một người do chính họ đào tạo, huấn luyện,
và điều khiển – để kiểm soát Tây Tạng tận gốc rễ.
Người ta còn nhớ chuyện Ban Thiền Lạt Ma (Panchen
Lama) – vị cao tăng đứng hàng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng – đã bị Bắc Kinh
bắt cóc khi còn là một đứa trẻ, chỉ vì được chính Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận.
Từ đó, không ai còn biết tung tích của vị này, trong khi Bắc Kinh dựng nên một
“Ban Thiền Lạt Ma” khác, do chính họ lựa chọn, như một bức tượng rỗng để hợp thức
hoá sự cai trị.Nay, với Đạt Lai Lạt Ma, họ đang chuẩn bị lặp lại vở tuồng ấy –
nhưng lần này, dư luận quốc tế đã cảnh giác hơn, và bản thân ngài cũng đã khôn
khéo chuẩn bị những phương sách thích nghi.
Vấn đề truyền thừa không còn là chuyện nội bộ của
Tây Tạng, mà đã trở thành một mặt trận với sự đối đầu giữa tự do và độc tài áp
chế. Các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Ấn Độ, và nhiều nước Âu châu đều lên tiếng
bênh vực quyền tự do tín ngưỡng của dân Tây Tạng, và công nhận thẩm quyền của đức
Đạt Lai Lạc Ma trong việc chọn người kế vị. Nhà cầm quyền Bắc Kinh thì cáo buộc
các nước này can thiệp vào chuyện nội bộ, nhưng ai cũng hiểu rằng bản chất của
vấn đề nằm ở chỗ Trung Cộng không thể chấp nhận bất kỳ trung tâm quyền lực tinh
thần nào tồn tại ngoài vòng kiểm soát của đảng.
Đối với dân tộc Tây Tạng, việc truyền thừa Đạt Lai Lạt
Ma không chỉ là nghi lễ tôn giáo, mà là hành vi khẳng định bản sắc, gìn giữ cội
nguồn và bảo vệ tinh thần dân tộc. Đó là niềm tin vào vòng luân hồi và sự hiện
hữu liên tục của từ bi, trí tuệ, chứ không phải trò lựa chọn chính trị kiểu “Đảng
cử – dân bầu”! Nếu Bắc Kinh thành công trong việc dựng nên một vị Lạt Ma “quốc
doanh”, thì không những họ cướp đi hy vọng của một dân tộc đang bị trị, mà còn
tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho việc chính trị hoá tôn giáo ở khắp nơi.
Sự việc này cũng là một bài học cho các dân tộc nhỏ,
cho các cộng đồng bị áp bức. Đó là, trong cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh
sáng và bóng tối, chỉ có sự kiên định, đoàn kết và ý chí bất khuất mới giúp người
yếu thế giữ vững được bản thể của mình. Đức Lạt Ma, dẫu đã già yếu về thân xác,
vẫn là ngọn đuốc sáng trong bóng đêm, và sự chuẩn bị của ngài cho tương lai
truyền thừa là một lời kêu gọi cho thế giới hãy đứng về phía sự thật, đạo lý và
tự do.
Việc Bắc Kinh lên án quyết định của Đức Đạt Lai Lạt
Ma chẳng khác gì kẻ cướp la làng, vừa cướp vừa rao giảng đạo đức. Nhưng dẫu cho
họ có quyền lực, có vũ khí, có tuyên truyền rầm rộ đến đâu, thì vẫn không thể
nào cưỡng lại lòng dân. Tây Tạng, dù bị chiếm đóng, vẫn sống; Phật giáo Tây Tạng,
dù bị chèn ép, vẫn nở hoa; và tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, dẫu bị bôi nhọ, vẫn mãi
là biểu tượng của lòng từ và niềm tin./.
No comments:
Post a Comment