Saturday, July 26, 2025

Họa sĩ Vũ Hối

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một nhà nhiếp ảnh, vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ nổi tiếng về hội họa Việt Nam và Quốc Tế. Ông sinh ra ở vùng đất Ngũ Hành Sơn, nơi được xem là “Địa linh nhân kiệt”. Ông là người tích cực chống cộng, nên sau ngày 30/4/1975 bị cộng sản bắt giam và bị tra tấn tàn bạo, đến nổi mắt bên phải bị mù và chân phải bị liệt vì bị cùm lâu ngày.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Họa sĩ Vũ Hối” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Xin lắng nghe tiếng vàng reo, ngọc chạm,

Bút hồn quê, réo rắt máu tim anh.

Mực dù phai, Tâm bút với Tâm thành,

Luôn vĩnh cửu theo Hồn Thiêng Đất Mẹ.

Đó là 4 câu chót trong bài thơ “Một Trời Lộng Bút” của thi sĩ Hoàng Phong Linh viết tặng họa sĩ Vũ Hối.

Họa sĩ Vũ Hối có bút hiệu là Hồng Khôi, sinh ngày 22/11/1932 tại làng Dương Đàn, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng, thân phụ là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, nên 11 người trong gia đình ông bị cộng sản tàn sát. Bào huynh của ông là giáo sư Vũ Ký, người nổi tiếng với cuốn sách biên khảo có tựa đề “Cương Lĩnh Văn Hóa”.

-Họa sĩ Vũ Hối tốt nghiệp Kỹ sư ngành Hội họa và Trang trí ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, và là giáo sư Hội họa của trường Trung Học Thủ Đô (Hậu Giang).

-Năm 1960, ông du học ở Hoa Kỳ tại 2 tiểu bang South Carolina và Georgia.

-Ông được ghi danh trong Bách Khoa Tự Điển Larousse của Pháp.

-Ông được mời vẽ chân dung Tổng thống Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kennedy, và chân dung Đại tướng Creighton Williams Abrams, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

-Năm 1963, ông đoạt giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ.

-Năm 1993, ông được ghi danh trong Tuyển Tập L’ art de l’ ecriture, Paris.

-Năm 1994, ông là người Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho Thế Giới, tại Atlanta (Hoa Kỳ).

-Ngày 5/9/1995, ông được Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tiếp kiến và tặng bức tranh “The Dream of Peace”.

-Năm 1998, ông được ghi danh trong “Vẻ Vang Dân Việt II” trong Tự  Điển Danh Nhân Thế Giới, ấn hành tại Anh Quốc.

-Năm 2000, tên ông được ghi trong “5000 Persionalities of The World”, do American  Biographical Institute ấn hành.

-Năm 2003, ông được ghi danh trong “Tự Điển Một Phần Tư Thế Kỷ Việt Nam Hải Ngoại” do Hội Văn Hóa Pháp - Việt ấn hành tại Paris.

-Năm 2006, ông là nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong “Tuyển Tập Thư Họa Bậc Thầy  Đông Phương”, ấn hành tại Tokyo (Nhật Bản).

-Ông được Nghị viện Hoa Kỳ vinh danh là Chiến sĩ Văn Hóa và Nhân Quyền, do ông tích cực đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại VN.

-Ngày 19/8/2022, ông từ trần vào lúc 5 giờ 15 chiều, tại thành phố Laurel, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 91 tuổi.

*****

 

Thư Họa là nghệ thuật dùng bút lông viết chữ như vẽ tranh, thường để viết những câu thơ, câu đối, câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, danh ngôn hay những câu nói có tính lịch sử. Khi viết Thư Họa phải dựa theo nội dung của câu thơ, hay câu văn mà dùng tự thể.

Và khi nhắc đến họa sĩ Vũ Hối, phải nói đến Thư Họa Việt Ngữ (viết chữ Việt như vẽ tranh).

Ông có công sáng tạo, đưa nét đẹp của chữ Quốc Ngữ lên đỉnh cao của nghệ thuật với một thư pháp độc đáo, gói trọn hồn nước và tình tự dân tộc vào nét vẽ của mình. Với tài hoa đặc biệt này, báo chí đã tặng ông danh hiệu “Vua Thư Họa”.

Cần nhắc lại, trước ông, cũng có vài nhà thơ đưa thư pháp vào chữ Quốc Ngữ như Đông Hồ, Trụ Vũ .v.v. nhưng phải đợi đến khi ông sáng lập trường phái Thư Họa, mới lột hết cái tinh hoa của Thư Họa Việt Ngữ. Ông sáng tạo ra trường phái này với bản sắc dân tộc, không lai nét bút của Tàu, không vay mượn nét chữ của Nhật, hay bất cứ của một quốc gia nào. Lối viết của ông đơn giản, dễ đọc, không cầu kỳ  nhưng đường nét lả lướt, bay bướm như “rồng bay phượng múa”, đậm lợt huyền ảo để truyền đạt ý tưởng, tâm tư qua sự rung động, xúc cảm của con tim. Ông luôn tâm đắc và nằm lòng 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du:

“Thiện căn ở tại lòng ta.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Ngoài ra, ông còn là người đầu tiên vẽ Thư Họa trên đồ sứ và tranh sơn mài, mà nghệ thuật hội họa thế giới chưa có họa sĩ nào thực hiện, nên ông được xem là một nhân tài của nền Văn học Nghệ thuật. Ông “ra đi” để lại nhiều tác phẩm như: Mùa Giao Cảm (1958), Vần Thơ Màu Trắng (1959), Những Dấu Chân Đi (1960), Chiêm bao trở giấc (1997), Nghìn thương đất mẹ (1999).v.v. Giới văn nghệ sĩ đều cho rằng, ông có đức tính khiêm nhường, điềm đạm, từ tốn, nên được mọi người thương mến.

Họa sĩ Vũ Hối đã góp công vun trồng cho vườn hoa Văn học Nghệ thuật nước nhà thêm rực rỡ và tươi thắm, nên xứng đáng được vinh danh để nhận món quà tinh thần quý giá sau hơn nửa thế kỷ cầm cọ và cầm bút.

Kính chào vĩnh biệt một họa sĩ tài hoa của vùng đất Ngũ Hành Sơn. Cầu chúc hương linh ông sớm về cõi vĩnh hằng.

 

No comments:

Post a Comment