Friday, July 11, 2025

Cuộc tranh chấp biên giới Campuchia- Thái Lan và thế đứng của Việt Nam

Quan Điểm

Cuộc xung đột biên giới giữa Campuchia và Thái Lan từ tháng 5 năm 2025 ngày càng gia tăng cường độ. Cả hai đều cáo buộc lẫn nhau về nguyên nhân kích động chiến tranh, mặc dù có cuộc gặp gỡ của 2 Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 6/6, nhưng cả 2 phía đều đưa quân đến vùng tranh chấp, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền.

Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề Cuộc tranh chấp biên giới Campuchia- Thái Lan và thế đứng của Việt Namqua giọng đọc của Hải Nguyên để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả

Trong khi vùng Đông Nam Á chưa thoát khỏi căng thẳng từ tranh chấp biển Đông, thì cuộc xung đột biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đã bùng nổ từ ngày 28/5/2025, tại khu vực Chong Box (vùng biên giới chưa được phân định rõ ràng giữa tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) và tỉnh Preah Vihear (Campuchia). Sự kiện này đã khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.

Tuy sự việc không lớn, nhưng đã khơi dậy làn sóng phản đối dữ dội từ phía Nam Vang, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen xác nhận Campuchia đã đưa quân với vũ khí hạng nặng đến vùng tranh chấp.

Đây là sự gia tăng cường độ quân sự mới nhất sau một thế kỷ dài tranh chấp liên quan đến ngôi đền Preah Vihear xây vào thế kỷ 11 (có kiến trúc như Đế Thiên Đế Thích) ở vùng Đông Bắc Campuchia, nằm giữa tỉnh Preah Vihear (miền Bắc Campuchia) và tỉnh Sisaket (Đông Bắc Thái Lan).

Vụ tranh chấp đất đai (4,6 cây số vuông) xung quanh ngôi đền trở nên trầm trọng hơn khi Liên Hiệp Quốc chấp thuận đơn xin của Campuchia, đưa ngôi đền này vào Di sản Thế giới. Người dân và chính phủ 2 nước đều xem khu vực này là lãnh thổ của mình, dẫn đến căng thẳng ngày càng gia tăng. Thái Lan tuyên bố việc cắm mốc chưa được hoàn thành ở lãnh thổ bên ngoài khu vực do Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) phán quyết năm 1962.

Tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan quanh đền Preah Vihear đã kéo dài từ 2008, nhiều lần nổ súng, đặc biệt dữ dội vào năm 2011. Dù Tòa án Quốc tế năm 2013 xác nhận đền thuộc Campuchia, nhưng xung đột tái bùng phát tháng 5 năm 2025 tại Chong Box.

Sau Hội nghị ASEAN, thay vì hòa dịu, hai bên lại đóng cửa biên giới. Ngày 23/6, Thái ra lệnh đóng 7 cửa khẩu. Ngày 29/6, Campuchia cấm vận hàng Thái. Ngày 1/7, Thủ tướng Thái bị đình chỉ sau khi ông Hun Sen tung đoạn điện đàm làm dậy sóng quân đội Thái. Đến 3/7, Thủ tướng Hun Manet kêu gọi nối lại thương thuyết nếu muốn mở biên giới.

Campuchia yếu thế rõ rệt trước Thái Lan với ngân sách quốc phòng chỉ 700 triệu so với 6 tỷ USD của Thái, quân số thường trực 170 ngàn so với 850 ngàn, không quân chỉ có vài chiến đấu cơ cũ, trong khi Thái có hơn 180 phi cơ, hải quân Campuchia không có chiến hạm, chỉ 200 tàu tuần tra nhỏ, còn Thái có cả hàng không mẫu hạm. Pháo binh và chiến xa Thái cũng vượt Campuchia gấp ba lần. Vì vậy, nếu trận chiến xảy ra thì Campuchia không thể thắng.

Thật ra, cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia quanh khu vực đền Preah Vihear không chỉ là tranh chấp lãnh thổ mà còn là hệ quả của những xáo trộn nội tình chính trị từ hai phía. Tướng lãnh Thái dùng chiêu bài dân tộc để che lấp khủng hoảng hậu bầu cử, trong khi giới cầm quyền Campuchia cố chuyển hướng bất mãn của dân chúng để giữ ghế. Nhưng khi hai chính phủ tính toán thế lực, dân chúng mới chính là kẻ chịu tai ương, buộc phải bỏ làng mạc, sống trong lửa đạn giữa thời bình mỏng manh.

Việt Nam tuy không trực tiếp liên can, nhưng không thể đứng ngoài vòng xoáy. Với đường biên giới hơn 1,100 cây số giáp Campuchia, bất cứ động thái quân sự nào cũng đe dọa đổ vỡ an ninh khu vực Tây Nam, kéo theo làn sóng tị nạn, gây áp lực lớn cho các tỉnh như An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp (nơi cơ sở y tế và hậu cần vốn đã yếu kém). Về kinh tế, cuộc chiến sẽ phá vỡ các hành lang thương mại liên quốc gia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất nhập khẩu, cũng như vận tải và các chuỗi cung ứng nguyên liệu của Việt Nam.

Những công ty Việt đầu tư vào Campuchia trong các lãnh vực nông nghiệp, chế biến gỗ và thương mại xuyên biên giới có thể lâm vào cảnh đình trệ, thậm chí phá sản. Cảng Sihanoukville, vốn là cửa ngõ ra biển của miền Tây, nếu bị gián đoạn, sẽ làm tiêu tan nhiều kế hoạch chiến lược thương mại.

Về ngoại giao, Việt Nam rơi vào thế kẹt giữa hai nước. Nghiêng về Campuchia thì mất lòng Thái, còn giữ trung lập thì bị xem là bạc nhược, thiếu vai trò dẫn dắt trong ASEAN. Nguy hiểm hơn, cuộc chiến này có thể mở đường cho Trung Cộng chen chân sâu hơn vào vùng đất Miên. Nếu Bắc Kinh biến Phnom Penh thành một vệ tinh bằng viện trợ quân sự, Việt Nam sẽ bị kẹp giữa hai gọng kềm, Trung Cộng phía Bắc và Campuchia ở phía Tây Nam.

Thêm vào đó, kinh tế VN lại đang gặp khó khăn vì Nghị định 70/2025, đã khiến hàng trăm ngàn tiểu thương đóng cửa. Mặt khác, Hà Nội lại đang lúng túng với việc tinh gọn bộ máy hành chánh, loại bỏ cấp huyện và sáp nhập lại còn 34 tỉnh thành.

Trong tình thế ấy, Việt Nam chỉ có thể đứng vững nếu có một chính phủ thực sự vì dân, do dân, và của dân, được tín nhiệm của toàn dân mới huy động được sức mạnh dân tộc. Chỉ có một quốc gia vững mạnh từ bên trong, mới đủ sức đối đầu với cơn sóng gió địa chính trị đang chực chờ phía trước.

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment