Wednesday, July 9, 2025

Bình thường mời’ là một hiện tượng không bình thường

Bình Luận

Ở xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều hiện tượng lạ trong các mối quan hệ giữa nhà nước và người dân. Những hiện tượng này chỉ lạ với người dân lúc ban đầu, còn khi nhà cầm quyền cố áp đặt nó vào đời sống xã hội như là một chuyện tất yếu phải xẩy ra, thì nhân dân đặt cho nó một cái tên đầy mỉa mai là: “Bình thường mới”. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Lý Trần Công, thành viên BBT đài DLSN, với tựa đề “‘Bình thường mời’ là một hiện tượng không bình thường” sẽ do Vân Khanh trình bày sau đây.

“Bình thường mới” là một câu nói châm biếm của người dân trước những chính sách và hoạt động của đảng và nhà nước hoàn toàn xa rời thực tế, không có tính thuyết phục, chứa đựng sự giả dối, cố tình tẩy não và thổi phồng.

Đơn cử một vài ví dụ để minh chứng cho điều này. Trong lãnh vực y tế, mọi người ai cũng biết câu khẩu hiệu: “Lương y như từ mẫu”, được hiểu nôm na là đội ngũ y, bác sỹ thương người bệnh như con hàm chứa đầy tính nhân văn của chế độ. Nhưng thực tế hiện nay thì người bệnh nếu thuộc diện nhà nghèo mà đến các cơ sở y tế hay bệnh viện, họ chắc chắn sẽ được đội ngũ y, bác sỹ xem là con nhưng… là con “ghẻ”, con “Trời đánh”. Vì thành phần này gián tiếp làm tổn hại đến sức khỏe của đội ngũ y tế và bác sỹ, họ còn là gánh nặng cho ngân sách ngành y tế. Chính vì thế mà bệnh nhân nghèo không may mà bị bệnh nặng, thì sẽ bị hệ thống y tế đối xử bạc bẽo, bỏ mặc ngay cả khi cần cấp cứu, cho dù họ có sổ bảo hiểm y tế đàng hoàng. Tại sao lại như vậy? Đó là vì họ không có đủ các loại phong bì lót tay cho bác sỹ và y tá. Còn bệnh nhân khá giả, giầu có thì các bệnh viện xem họ là con “gà đẻ trứng vàng”. Họ được nâng niu chiều chuộng, chữa trị tận tình, với đủ các nghiệp vụ y tế từ thấp đến cao. Chung quy cũng chỉ vì cái phong bì, tuy nhỏ nhưng chứa đầy sức mạnh.

Hiện tượng này cứ tiếp diễn lâu dần, bệnh nhân nghèo thì  nằm chờ chết ở nhà, còn nếu lỡ chết ở bệnh viện thì thân nhân bọc xác người xấu số bằng chiếu, cột chặt đằng sau xe gắn máy để chở về quê mai táng. Vì người nhà bệnh nhân không còn tiền để thuê xe cấp cứu. Nhà nước biết rõ và người dân biết rõ, nhưng nhà nước chẳng có biện pháp gì để khắc phục, nên dần dần nó được cho là chuyện “Bình thường mới” của xã hội.

Câu chuyện sách giáo khoa là một vấn đề liên quan đến Bộ Giáo Dục của csVN. Chỉ tính từ năm 1945 đến 2025, csVN đã có khoảng tám lần sửa đổi và biên soạn sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên gây tốn kém không cần thiết cho cả phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên sinh viên hiện nay ra trường thì kiến thức không đủ đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, nên hiện nay đã dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao dành cho các sinh viên ra trường. Những hình ảnh cử nhân ra trường chọn chạy xe ôm, giao hàng, chạy taxi thay cho ngành nghề mình đã học đã trở nên là hiện tượng “Bình thường mới” trong xã hội. 

Mới đây trong phiên tòa sơ thẩm vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đang được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử, "lãnh đạo cấp trên" là một nhân vật bí ẩn được nhiều người đề cập, nhưng chủ tọa không chú tâm tra xét, làm rõ ai là nhân vật “lãnh đạo cấp trên”. Báo chí chính thống ở Việt Nam cũng không hề đặt vấn đề về danh tính của "lãnh đạo cấp trên" là ai. Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn được coi là một vụ "đại án" ở Việt Nam và được dư luận chú ý, một phần là vì mối quan hệ được cho là tồn tại giữa vụ án này và ông Võ Văn Thưởng, người đã mất chức chủ tịch nước vào tháng 3/2024. Ông Thưởng sau đó đã rút lui và không nhận bất cứ hình thức kỷ luật chính thức nào. Đây được xem là cách mà Đảng cho các lãnh đạo cấp cao - gồm cả các ủy viên Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt - "hạ cánh an toàn", rút lui trong danh dự.Nhiều thông tin cho thấynhờ sự đỡ đầu của Võ Văn Thưởng, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn đã trúng thầu và thực hiện nhiều dự án lớn, tiêu biểu như: dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào năm 2012, khu đô thị Bàu Giang là 3.318 tỷ đồng, khu đô thị công nghiệp Dung Quất 2.000 tỷ đồng và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi vốn đầu tư là 540 tỷ đồng. Ngoài ra Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt - một thành viên của Tập đoàn Phúc Sơn - đã chi 145 tỷ đồng để thâu tóm Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi.

Nhắc đến quan chức xộ khám vì tội tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ, khi đem chúng ra xét xử thì nghịch lý xẩy ra. Tội trạng của quan thì nặng như núi Thái Sơn nhưng quan tòa xử phạt thì nhẹ như lông con lừa, cốt lõi để lừa nhân dân là chính. Từ thời csVN mở cửa kinh tế đến nay, chưa có một quan tham nào phải chịu án tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản bất chính. Riết rồi nó cũng là chuyện bình thường mới trong một chế độ mà khả năng diễn xuất chống tham nhũng của tổng bí thư hay thủ tướng đã trở nên huyền thoại trong xã hội cộng sản. Sáng 25/6/2025, Quốc hội của csVN đã thông qua luật bãi bỏ án tử hình với 8 tội danh và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Tám tội danh này gồm: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội gián điệp; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Quan tham đã bị lộ và chưa bị lộ vui mừng hơn cả trúng số. Còn nhân dân lại phải ngậm ngùi chấp nhận một “Bình thường mới” của chế độ. Guồng máy của chế độ csVN mục ruỗng và thối tha không có điểm dừng. Chế độ này đang rơi vào thùng rác lịch sử.

 Lý Trần Công

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment