Friday, June 24, 2011

Phá sản về giáo dục
Quan Điểm
Trong tuần qua, một lần nữa nhà nước CSVN lại đưa ra dự án cải tổ giáo dục. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm của LLDTCNTQ có tựa đề "Phá sản về giáo dục", nhận định về lý do tại sao dẫn đến tình trạng đó

****
Vào tuần qua, bộ giáo dục VN đưa ra một dự án mang tên là " Đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015", với mức phí tổn lên đến 70 ngàn tỷ đồng, tức vào khoảng 3.5 tỷ Mỹ kim theo thời giá hiện nay.  Nếu làm một phép tính nhẩm, với 5 cấp ở bậc tiểu học và 7 cấp ở bậc trung học, thì số tiền chi ra để soạn bộ sách giáo khoa là vào khoảng 300 triệu Mỹ kim cho mỗi cấp. Số tiền này đủ để gây thèm thuồng cho giới chuyên gia giáo dục ở Úc, Mỹ hay Pháp.
Nhưng điều đáng nói là một dự án cải cách lớn như thế lại chỉ được trình bày vỏn vẹn trong 30 trang giấy, không nói lên được những vấn nạn trầm kha về nền giáo dục hiện nay để tìm ra phương thuốc cứu chữa một cách tận gốc. Trong khi đó, bất cứ ai cũng nhìn thấy rõ nguyên nhân sự băng hoại giáo dục ở VN là nằm ở đâu.
Lý do chính yếu là vì học đường không còn mang ý nghĩa đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội, chứ đừng nói đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Từ khi nắm được chính quyền, đảng cộng sản chỉ xem học đường là công cụ nhồi sọ và tuyên truyền cho chế độ. Những học sinh giỏi là những học sinh biết viết những bài ca tụng chế độ, yêu mến Bác và Đảng. Con cái những quan chức cao cấp dù học dốt đến đâu vẫn được cho điẻm cao, được lên lớp và thậm chí là được đi du học ở nước ngoài.
Nhưng điều bi thảm hơn nữa là những thầy cô giáo được tuyển chọn cũng dựa trên tiêu chuẩn "hồng hơn chuyên" như thế. Những giáo viên có lương tâm chức nghiệp thì bị đào thải, hoặc phải cắn răng nhịn nhục để kiếm sống qua ngày.

Nền giáo dục ấy đã đào tạo ra những con người ra sao, thì chỉ cần nhìn hai thành phần trụ cột của chế độ là sẽ nhận thấy ngay.
Thành phần thứ nhất là lực lượng công an cảnh sát. Những sĩ quan công an đều khoe khoang là họ tốt nghiệp từ cái gọi là "đại học công an", nhưng đa số đều ăn nói rất mất văn hóa và cung cách hành xử bất lịch sự đến độ ngay cả người Việt cũng cảm thấy khó chịu, huống hồ gì là người ngoại quốc. Cách xưng hô "mày, tao" với người dân là một ví dụ cụ thể nhất.
Thành phần thứ hai là các quan chức cầm quyền. Hầu hết đều tỏ thái độ hách dịch với dân, nhưng lại khúm núm xu nịnh cấp trên và có lối sống rất phi đạo đức. Chính họ là những kẻ ép buộc các trường nổi tiếng phải thu nhận con mình vào học, hay ép buộc giáo viên phải chấm cho con mình đậu trong các kỳ thi cử. Cũng chính họ là những người đã đẻ ra tệ nạn bằng giả và các học vị láo lếu hiện nay.
Khi học đường bị chính trị hóa và xã hội hóa đến độ như thế mà không phá sản mới là chuyện lạ. Nó là mầm mống gây ra sự đố kỵ và tị hiềm trong tâm hồn học sinh, vì bị phân biệt giai cấp ngay trong trường lớp. Nó hủy diệt hoàn toàn truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc vì các giáo viên không thể hiện được sự khả kính và lương tâm chức nghiệp của họ. Câu chuyện đứa bé mồ côi ở Nhật sau trận động đất và sóng thần không phải là một hiện tượng hiếm hoi ở Nhật. Chính học đường và những thầy cô giáo khả kính của Nhật mới đào tạo ra được nhiều thế hệ học sinh có tấm lòng bác ái, luôn biết nghĩ đến người khác. Trong khi đó thì tình trạng nữ sinh đánh đập, lột quần áo bạn bè và quay phim tung lên mạng diễn ra liên tục trong mấy tháng qua.
Đây là điều bi thảm cho dân tộc VN. Một quốc gia bị phá sản về kinh tế, có thể chỉ mất vài năm là phục hồi nếu toàn dân đồng lòng thắt lưng buộc bụng để vượt qua khốn khó. Nhưng một đất nước bị phá sản về giáo dục và đạo đức thì phải mất nhiều thế hệ, cộng với những khoản đầu tư rất lớn, mới có thể hồi phục được.
Thật sự thì đất nước VN không phải là không có một nền giáo dục tốt đẹp. Nền giáo dục ở miền Nam trước năm 1975 tuy chưa hoàn hảo nhưng được sự trọng nể của thế giới. Rất nhiều chuyên gia xuất sắc người Việt trên khắp thế giới có được những thành tựu ngày hôm nay là nhờ hấp thụ từ nền giáo dục nhân bản đó.
Chính vì thế, chỉ khi nào khai tử được chế độ cộng sản thì may ra mới có được nền giáo dục tốt đẹp. Khi học đường được trả lại nhiệm vụ cao quý là phải đào tạo ra những công dân tốt và nhân tài cho đất nước, các giáo viên có mức lương đủ sống và không bị bắt buộc phải rao giảng những luận điệu tuyên truyền của đảng cầm quyền, thì khi ấy nền giáo dục VN mới nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm!
Nếu không thì dù có chi thêm vài chục tỷ Mỹ kim, "mèo sẽ vẫn hoàn mèo", các tệ nạn giáo dục không những không giảm bớt mà còn tràn lan khắp nơi, tương tự như quốc nạn tham nhũng hiện nay!

No comments:

Post a Comment