Tuesday, June 21, 2011

Bình Luận
EM BÉ BÁN KEM QUẬN TÂN HIỆP:
TIẾNG KÊU CỨU CỦA DÂN OAN VIỆT NAM
Cách mạng thường phát khởi từ những bất công xã hội, khi quyền sống con người bị tước đoạt, nhân quyền bị chà đạp và nhân phẩm bị tổn thương. Bouazizi tại Tunisia trước đây, vợ chồng bán rau tại Tứ Xuyên hôm nay, và đặc biệt, em bé bán kem từ huyện Tân Hiệp Việt Nam hôm qua, là những trường hợp tiêu biểu của những bất công xã hội trong các chế độ độc tài và cộng sản chuyên chế.
Thiết tưởng, trong bầu khí sôi sục xuống đường chống Trung cộng của người Việt trong nước cũng như ngoài nước hôm nay, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những tiếng kêu thảm thiết của dân oan Việt Nam, đang thoi thóp đợi mong một chút khí thở từ cuộc cách mạng dân chủ đang nhen nhúm..
Khi tiếng kêu thảm thiết này được chuyển tải lên làn sóng Đáp Lời Sông Núi, thì em bé bán kem huyện Tân Hiệp đã bị công an xua đuổi, chỉ còn hai bàn tay trắng, không biết em đang vất vưởng nơi đâu?
Số là chỉ cách đây mấy hôm, em ngồi đó, bên vệ đường, với chiếc xe đạp cọc cạch, với thùng kem trầy trụa và chiếc máy hát cũ mèm. Đó là gia tài của em, tiêu biểu cho những người dân oan thấp cổ bé miệng tại Việt Nam. Điểm đáng nói là đời em chỉ dựa vào 150 cây kem bán được mỗi ngày, chỉ đủ để mua lấy vài nắm cơm với một chút rau trái…
Thế nhưng, chút gia tài nhỏ bé đó cũng “được” chế độ chiếu cố và bị công an cuớp đi! Nguyên nhân là vì em may mắn bán hết 150 cây kem mỗi ngày, chính nhờ âm thanh phát ra từ chiếc máy cũ mèm, từ cuốn băng nhạc Dạ Lan 7, chuyên chở mấy bản nhạc miền Nam trước năm 75 như: “Anh ở lại Charlie” hay "Anh Không Chết Đâu Anh” v.v… Em cũng chẳng hiểu gì nhiều về những bản nhạc đó. Em đã mua được cuốn băng Dạ Lan 7 tại một tiệm bán đồ cũ, nghe hay hay, liền cho phát để mua vui cho khách hàng. Điều thật lạ, là mỗi ngày khi em phát băng nhạc đó, mọi người đã xúm lại, đứng nghe một cách thích thú và trong chốc lát thì thùng kem của em trống rỗng, chẳng còn lại cây kem nào!
Em vui mừng! Em chẳng hiểu tại sao. Nhưng rồi/ có một hôm, mấy tên công an ập tới, đá văng thùng kem của em, dẫm nát băng nhạc và đập bể chiếc máy hát rẻ tiền của em, tịch thu luôn chiếc xe đạp và đuổi em đi chỗ khác, cấm không được bén mảng tới đây nữa!
Và rồi… Em mất chiếc xe đạp để di chuyển. Em mất thùng kem để kiếm sống. Em mất luôn băng nhạc và máy hát để lôi kéo sự chú ý của khách hàng. Giờ đây em hoàn toàn tay trắng. Em thù chế độ! Em thất vọng ở cuộc sống! Em hoài nghi cả tình người… Em chỉ xin bà con, ai kiếm đươc băng nhạc Dạ Lan 7, xin gởi về cho em để em làm lại cuộc đời!
Nói đến đây, chúng tôi không cầm nổi nước mắt, cũng như mỗi lần nghe bản nhạc “Thằng Bé Tát Dầu” cạnh xưởng Baxoong của Phan Văn Hưng thì hai giòng lệ nóng lại chảy dài trên má: "mơ chưa dứt trên cầu chúng thấy rồi! Tay lạnh lùng nạp khẩu AK. Tràng đạn bắn chết em  quá vội vàng. Máu em trào  nhuộm đỏ trên khoang..” Thật tội nghiệp cho thằng bé tát dầu, đã chết trong uất ức đến nỗi không thể nhắm mắt. "Thằng nhỏ chết với đôi mắt mở trừng, trên giòng sông sóng gợn rưng rưng...”
Em bé bụi đời bán kem huyện Tân Hiệp, Thằng Bé Tát Dầu cạnh xưởng Baxoong, cũng tương tự như chàng sinh viên xấu số tại Tunisia, hay vợ chồng bán rau nghèo nàn ở Tứ Xuyên/ vừa bị công an Trung cộng đánh chết mấy ngày qua, tất cả đều là con người. Tất cả đều là nạn nhân của con người. Nói đúng hơn, tất cả đều là nạn nhân của những kẻ đãđánh mất bản chất người! Đó là độc tài, là cộng sản, là chuyên chế…
Tiếng kêu cứu của dân oan Việt Nam đang làm rướm máu con tim nhân loại. Nhưng hình như không mảy may tạo được chút rung động nào nơi những con tim cộng sản Việt Nam đã hóa đá, nói theo Nhân Văn Giai Phẩm: “Đó là những bộ máy chém giết, những con người khổng lồ, không óc, không tim".
Thế thì dân Việt phải làm sao bây giờ?
Hẳn nhiên, toàn dân Việt trong nước cũng như ngoài nước, phải đoàn kết một lòng chặn đứng ngoại xâm, không thể để cho Tổ quốc Việt Nam rơi vào vòng Bắc Thuộc thêm một lần nữa. Nhưng đồng thời, dân Việt cũng cần mở tai để lắng nghe tiếng kêu cứu của dân oan nơi những vùng thôn quê hẻo lánh, cần mở mắt để nhìn thấy những thủ đoạn trấn áp thô bạo của cộng sản Việt Nam, để nhận thức rằng, sức mạnh quần chúng từ thôn quê Việt Nam chính là sức mạnh Diên Hồng đang nhen nhúm cho cuộc cách mạng dân chủ. Nhất là dân Việt phải ý thức rằng, chỉ có thể chặn đứng được ngoại xâm khi loại bỏ được chế độ cộng sản tay sai với chủ trương buôn dân bán nước hôm nay.
Hãy đòi lại thùng kem cho em bé Tân Hiệp.
Hãy trả lại băng nhạc Dạ Lan 7 cho em bé Kiên Giang.
Hãy trị tội những kẻ đã đang tâm cướp đi hơi thở thoi thóp của dân oan Việt Nam...
Ngô Quốc Sĩ

Lá thư năm châu

 Nguyễn Bùi An – Cựu sinh viên ĐHTH TP. HCM

Xin phép các bạn sinh viên cho tôi được gọi các bạn là em và xưng anh trong lời tâm sự này. Năm nay anh vừa bước qua tuổi bốn mươi và hơn hai mươi năm trước cũng là sinh viên như các em hiện giờ. Anh luôn chia sẻ với bạn bè và những người mà anh tiếp xúc nỗi thất vọng về các bạn trẻ hôm nay, nhất là giới sinh viên. Định kiến cứ đeo đuổi anh về lối sống thờ ơ, không chủ kiến, không chính kiến của các em, tất cả, tất cả… Cho đến ngày 5/6/2011 và ngày 12/6/2011 anh mới thấy vỡ oà ra trong anh một gã tội đồ. Chính anh mới là người chỉ biết nói chớ không dám làm. Chính anh là người tuy đau đáu về sự dấn thân, nhưng cuộc dấn thân thật sự đã bị nỗi sợ hãi đánh cho tan tác.
Ngày 12/6/2011 anh âm thầm đi với các em một đoạn từ ngã tư Pasteur-Nguyễn Du một vòng qua công viên 30-4 đến đầu đường Đồng Khởi. Tiếng vọng hô của các em làm cho anh nghèn nghẹn. Anh thấy đoàn biểu tình bị ngăn chặn, bị chia cắt. Anh thấy một em gái bị một thanh niên giật phắt khẩu hiệu trên tay, rồi thấy xa xa hình như có em bị bắt… Anh thấy các anh an ninh và các anh mặt sắc phục mặt hầm hầm sẵn sàng ăn thua đủ với các em, còn các em như những đứa bé ngơ ngác trước một người lớn tự nhiên hùng hổ với mình. Anh muốn nhào ra cùng thét vang với các em, cùng bị bắt với các em, hay lấy mạng anh thế cho các em để các anh an ninh nguội bớt một phần. Tình người, nghĩa đồng bào như ở đâu xa lắc… Nhưng anh đã không làm; khi lòng muốn xông ra thì câu nói của má anh “Con có gì ai lo cho má” cứ ám mãi trong đầu. Lúc đó anh lặng lẽ quay đi mà nước mắt cứ rưng rưng.
Anh luôn có quan niệm rằng có một chính phủ tồi còn hơn là không có chính phủ và anh luôn tin vào lương tri của lãnh đạo dù là vài người ít ỏi. Nhưng giây phút đó quan niệm và niềm tin đó mới cay đắng làm sao. Một đất nước tràn ngập nỗi sợ hãi, dân thì sợ công an, công an thì sợ Đảng, Đảng và chính quyền lại sợ dân “tụ tập” và hình như còn sợ cả ngoại bang. Kẻ thù mới sung sướng làm sao! Nhưng còn…
Còn chính các em đã cho thấy trí tuệ, nhiệt huyết, sức mạnh và cả sự trong sáng của tuổi trẻ. Chính phủ là vô thường, dân tộc mới mãi mãi. Hồn thiêng sông núi của đất nước này đã biết sản sinh đúng lúc những con người cần có. Trí tuệ của các em sẽ giúp các em biết đâu là đúng sai. Nhiệt huyết của các em sẽ cho các em vượt qua trở ngại tạm thời hôm nay. Sự trong sáng của các em sẽ dẫn dắt lương tri của các em. Và sức mạnh của em sẽ làm cho kẻ thù xâm lược phải khiếp sợ.
Các em hãy trách mắng hoặc xỉ vả anh đi. Các em có đủ tư cách và có quyền làm như vậy. Anh không cầu mong các em tha thứ. Anh chỉ mong một ngày nào đó sẽ được làm người lính già của các em.
N. B. A.

No comments:

Post a Comment