Hàng trăm ngư dân Việt đã tán gia bại sản vì hành động xâm lấn lãnh hải của Trung Cộng. Một trong những nạn nhân đó là "sói biển" Mai Phụng Lưu. Chúng tôi xin gửi đến quý vị bài báo về hoàn cảnh thương tâm của một ngư dân đã gắn chặt đời mình với Hoàng Sa suốt 30 năm qua
***
Hơn 8 tháng sau chuyến cuối cùng bị Trung Cộng bắt giam, "sói biển" Mai Phụng Lưu đã tán gia bại sản, thất nghiệp ở nhà trong nỗi nhớ Hoàng Sa quay quắt. Gốc phong ba mà anh đào được ở Hoàng Sa được đặt trang trọng trong nhà như là kỷ vật cuối cùng về vùng đất mà anh yêu mến như hơi thở của mình.
Bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn dã man, người ngư phủ đảo Lý Sơn, được đồng nghiệp phong tặng danh hiệu "sói biển", mang nặng nhiều vết thương trong lòng. Khi một nhà báo Nhật hỏi: “Anh có nhắn gửi điều gì không?”, Mai Phụng Lưu trả lời:”Hoàng Sa là của ông bà chúng tôi, nhưng bị Trung Quốc chiếm. Nếu không trả lại thì cũng phải để chúng tôi được làm ăn tự do ở đó chứ!”.
Nhưng khao khát đó không dễ gì thực hiện được. Trung Cộng hiện áp dụng một thủ đoạn mới. Bây giờ họ không giam giữ người đòi tiền chuộc, không tịch thu tàu thuyền như trước mà là tịch thu ngư cụ. Lính Trung Cộng không trực tiếp ra tay mà để cho ngư dân họ ra tay. Tàu cá Lý Sơn bị tàu hải giám hoặc tàu quân sự áp tải đến gần tàu cá Trung Quốc để ngư dân họ ra tay cướp phá. Sau những lần như vậy, ngư dân Lý Sơn trở về với hai bàn tay trắng và các khoản nợ ngày càng chồng chất.
Chuyến bắt giữ vào cuối năm 2010 đã tước sạch tài sản của ngư dân Mai Phụng Lưu. Sau một tháng bị giam cầm trên đảo Phú Lâm, niềm vui được thả về đã qua mau ở nơi bến tàu. Ánh mắt kiên cường của "sói biển" trở nên u tối trong căn nhà phải đem cầm cố để trả tiền chuộc mạng. Trước mặt anh là người vợ đã khô nước mắt, bầy con không có nghề nghiệp, và giấy báo nợ của ngân hàng.
Anh cho biết: “Tui nói thiệt, bị lính Trung Quốc đánh đau lắm nhưng tui không sợ. Tui chỉ sợ mình không còn được làm nghề, vợ con đói!”. Hơn 8 tháng nay, "sói biển" đi làm thuê cho người khác, và phụ vợ trồng tỏi mang ra chợ bán. Đêm đêm con "sói biển" nằm gác tay lên trán thở dài.
Chị Phạm Thị Lan, vợ anh, cũng thở dài: “Không biết ổng mê cái chi ở ngoài Hoàng Sa. Chắc có vợ bé ngoài đó quá. Chuyến nào đi biển ổng cũng nói là đi Trường Sa, nhưng rốt cuộc thì bị bắt ở Hoàng Sa. Lần bị giam ở Phú Lâm, tui nghe bạn nghề kể có cô gái Trung Quốc lén đem cơm cho ổng ăn!”.
Sói biển cười e thẹn: ”Má mi đừng nghĩ bậy. Họ chỉ là người dân Trung Quốc được đưa ra đảo đó để sống. Thấy tui bị đánh dữ quá nên thương. Chắc họ biết mấy cái đảo đó là của mình mà giờ mình ra là bị bắt bớ đánh đập tàn nhẫn nên họ động lòng. Cái cô đó cũng lớn tuổi rồi. Mấy lần lén chờ lính canh Trung Quốc sơ hở là cổ mang cho tôi chén cơm, có lần cho mấy điếu thuốc…”.
Hoàng Sa trong 30 năm bám biển của sói biển Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ của người Việt trên Lao Ông Già, những tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió…
Lao Ông Già là một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé của Lý Sơn. Trên đảo chỉ có một ông già người Trung Quốc được đưa ra đó sinh sống. Ông già rất hiền, những lúc không có lính đi tuần, ngư dân Lý Sơn cập vào đảo được ông dẫn đi xem những tấm bia của người Việt và chỉ dẫn cách lượm trứng chim để ăn…
Tết nguyên đán năm 2009, cái Tết cuối cùng của "sói biển" Mai Phụng Lưu ở Hoàng Sa, anh cũng ghé thuyền vào Lao Ông Già. Anh khui can rượu 2 lít đãi các thuyền viên. Tàn cuộc rượu, anh bỗng nhìn thấy một gốc cây phong ba đã chết khô nhưng có hình thù đẹp mắt. Anh đã đào gốc phong ba đó mang xuống thuyền, và bây giờ nó được sơn phết lại sạch sẽ, gắn thêm mấy bông hoa giả.
Anh giải thích: “Tui đào gốc cây này về nhà để nhắc bọn trẻ chúng nhớ là tui từng tới Hoàng Sa, nơi cha ông chúng ở Lý Sơn ngày xưa đã từng sinh sống”.
Một buổi chiều muộn trên đảo Lý Sơn, "sói biển" Mai Phụng Lưu hối vợ nướng cá khô, lấy hũ rượu hải sâm ngâm với rễ nhàu đào trên Lao Ông Già ra đãi khách. Khi được hỏi: “Nếu bây giờ có thuyền, thì anh có ra lại Hoàng Sa không?” Sói biển nói ngay: “Tui đi liền”!
No comments:
Post a Comment