Kính thưa quý thính giả, để có thể giữ vững quyền bính thì những nhân vật chóp bu của đảng cs VN phải dùng người của phe khác để hạ nhau khi không đủ người cùng phe để xử dụng.
Minh Nguyệt mời quý thính giả nghe phần bình luận của tác giả Trần Chương được đăng trên Thời Báo tại Đức với tựa đề: “Lực lượng mỏng, dùng Nghệ An trị Nghệ An, kế sách cao tay của Tô Lâm!”, và bài Bình Luận này cũng sẽ kết thúc chương trình phát thanh của đài ĐLSN tối nay.
Trần Chương – Thoibao.de
Một tỉnh có đến 4 uỷ viên Trung ương Đảng và 2 uỷ viên Bộ Chính trị, như Hưng Yên, được xem là hùng hậu. Có nhiều tỉnh, chỉ có 1 Ủy viên Trung ương Đảng. Tuy nhiên, nếu so sánh Hưng Yên với Nghệ An và Hà Tĩnh, thì Hưng Yên còn thua rất xa 2 tỉnh này về số lượng uỷ viên Trung ương Đảng.
Hưng Yên mạnh nhất là ở Bộ Công an, nơi mà Tô Lâm nhờ dựa hơi ông Nguyễn Phú Trọng trong một thời gian dài, đã gầy dựng được một lực lượng hùng hậu. Dự kiến, đến Đại hội 14, ít nhất, Hưng Yên sẽ có thêm 1 Ủy viên Bộ Chính trị nữa, là Nguyễn Duy Ngọc. Ngoài ra, nếu may mắn, ông Hoàng Xuân Chiến cũng có thể vào được Bộ Chính trị. Số lượng ủy viên Trung ương Đảng cũng có thể tăng thêm, trong đó có ông Vũ Hồng Văn.
Tuy nhiên, dù có nhiều uỷ viên Trung ương, thế nhưng, chắc chắn, Hưng Yên vẫn không đủ người để lấp hết các vị trí trong Ban Bí thư và Bộ Công an. Vì vậy, ông Tô Lâm cần phải mở rộng lực lượng ra ngoài Hưng Yên. Đó chính là cơ hội lớn cho những người ngoại tỉnh.
Trong Bộ Công an, nếu không thuần phục Lương Tam Quang, không lập công dâng chủ soái, thì sẽ không bao giờ có chỗ đứng. Ngay cả Trần Quốc Tỏ – em trai ông Trần Đại Quang, với quân hàm Thượng tướng, nắm chức Thứ trưởng Thường trực, mà còn bị Tô Lâm và Lương Tam Quang chèn ép. Vậy nên, những sỹ quan cấp dưới, nếu không nhiệt tình phục vụ nhóm Hưng Yên, thì sẽ không có cơ hội.
Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, được ông Lương Tam Quang chọn để cơ cấu vào Trung ương Đảng nhiệm kỳ sau. Đáng nói là, ông Ngọc Lâm là người Nghệ An, trong khi, ông Tô Lâm xem phe Nghệ An là cản lực lớn nhất đối với nhóm Hưng Yên.
Để có được sự cất nhắc, ông Nguyễn Ngọc Lâm đã phải dẫn quân, tấn công vào sân sau của ông Vương Đình Huệ. Ngọc Lâm cho bắt Phạm Thái Hà – Thư ký của ông Huệ, từ đó điều ra sự dính dáng của ông Huệ với Tập đoàn Thuận An. Nhờ đó mà Tô Lâm hạ được Vương Đình Huệ, để nhảy vào chiếm ghế Tổng Bí thư. Có thể nói, chiếc ghế Tổng Bí thư mà Tô Lâm đang ngồi, có phần góp sức không nhỏ của Nguyễn Ngọc Lâm. Thế là, Ngọc Lâm được chiếu cố giới thiệu vào Trung ương Đảng.
Dùng người Nghệ An để đánh hạ người Nghệ An, hay rộng hơn, dùng người ngoài tỉnh Hưng Yên để đánh bại những thế lực khác, là một giải pháp rất thích hợp đối với Tô Lâm lúc này. Dù sao, lực lượng Hưng Yên cũng rất mỏng, không đủ để thâu tóm mọi việc. Muốn thiết lập được hệ sinh thái quyền lực bao trùm, Tô Lâm không thể chỉ trông cậy vào người Hưng Yên, mà cần dùng cả người tỉnh khác.
Ảnh hưởng của Tô Lâm hiện nay chưa thể sánh bằng Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời. Với Tô Lâm, thế lực khác vừa sợ vừa căm, nhưng với ông Trọng, hầu hết là vừa sợ vừa nể. Cho nên, trong Đảng vẫn có sự kính trọng đối với ông Trọng hơn ông Tô Lâm. Ông Trọng cũng không dùng người có tính cục bộ như Tô Lâm. Ông dùng người của bất cứ địa phương nào, miễn có lợi cho mô hình sinh thái quyền lực của ông. Và đó là lý do khiến ông có thể ngồi ghế Tổng Bí thư suốt đời.
Ông Tô Lâm cần phải làm tương tự ông Trọng, tức là, mở rộng vòng tay hơn nữa, dùng người ngoài tỉnh Hưng Yên. Nếu không, ông lại gặp rất nhiều kẻ thù, trong khi nhân lực của Hưng Yên có hạn, không thể lấp hết các khoảng trống trong hệ sinh thái quyền lực.
Với việc dùng Nguyễn Ngọc Lâm, ông Tô Lâm thể hiện cho thấy ý định dùng người ngoài tỉnh, tuy nhiên, ông vẫn đang rất dè chừng. Hiện Nguyễn Ngọc Lâm đang hữu ích, nên được trọng dụng, nếu một ngày nào đó, Ngọc Lâm không còn hữu ích nữa, thì liệu, ông Tô Lâm vẫn tin dùng hay lại “vắt chanh bỏ vỏ”.
Nếu Tô Lâm vắt chanh bỏ vỏ, thì sẽ khiến các thế lực khác e ngại hơn. Khi đó, họ thà chống Tô Lâm đến cùng, còn hơn làm “xác chanh” cho Tô Lâm dùng rồi vứt.
No comments:
Post a Comment