Tuesday, October 11, 2022

Tin Tức, Thứ Ba 11.10.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.

1) TNLT LÊ ĐÌNH LƯỢNG BỊ KỶ LUẬT TRONG TÙ

Thân nhân TNLT Lê Đình Lượng cho biết họ đi thăm ông ở nhà tù Nam Hà hôm 10/10/2022 nhưng đã phải quay về mà không được gặp mặt. Khi được hỏi tại sao không được gặp, cán bộ trại giam trả lời vì ông Lượng không chịu mặc áo tù để ra gặp gia đình. Lời giải thích trên hoàn toàn vô lý vì chính cán bộ trại giam kia đã xác nhận, hàng ngày ông Lượng vẫn mặc áo tù và chỉ “không chịu mặc” trong lần gặp thân nhân này.

Cán bộ trại giam cũng từ chối, không cho gia đình gửi đồ tiếp tế với lý do ông Lượng “đang bị kỷ luật”.  Sau khi vợ con ông Lượng yêu cầu phải có xác nhận của ông về việc từ chối gặp thân nhân, cán bộ trại giam chìa ra một tờ giấy được nói là có chữ ký của ông, nhưng không cho họ đọc nội dung.

Trong cuộc thăm gặp hồi tháng 8/2022, ông Lượng đã dặn vợ con rằng nếu lần gặp sau mà không thấy ông ra, nghĩa là ông đang gặp nguy hiểm. Hiện không rõ tình trạng ông Lê Đình Lượng ra sao ngoài thông báo từ phía nhà tù rằng ông đang bị kỷ luật.

Ông Lê Đình Lượng,56 tuổi, bị bắt năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông bị kết án 20 năm tù giam, mức án cao nhất mà một nhà hoạt động nhân quyền đang đối mặt.

2/  MƯA LỚN GÂY LŨ LỤT VÀ SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG TẠI MIỀN TRUNG

Tính đến chiều tối hôm qua, thứ Hai 10/10, các trận mưa lớn đã gây ngập lụt nặng cho các tỉnh miền trung, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Mưa lớn cũng khiến các con sông dâng cao, gây ngập lụt và chia cắt nhiều vùng ở miền núi. Tại xã Quế Long, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, một vụ sạt lở khiến hàng trăm thước khối đất đá đổ xuồng đường ở khu vực đèo Le.

Quốc lộ 14B qua xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Mực nước sông Vu Gia đã lên đến mức báo động 3, trong khi sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ cũng lên đến báo động 2. Ngoài ra các trận sạt lở và lũ lụt cũng diễn ra tại khu vực vùng núi và các vùng ven sông. Theo ghi nhận, có 2 người mất tích do lũ cuốn ở tỉnh này.

Tại Quảng Ngãi có một người bị thương, với 19 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy trong khi mưa lũ gây ngập nhiều cầu dân sinh và đường giao thông ở các khu vực miền núi ở các huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng, Sơn Hà và Ba Tơ.

Trong khi đó ở miền nam, mực nước thủy triều ở sông Hậu tại Cần Thơ đạt mức hơn 2 thước khiến các tuyến đường nội thành ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và Ô Môn ngập sâu. Nước cũng tràn vào bệnh viện Tim mạch khiến nhân viên phải đắp các bao cát để bảo vệ máy móc, đồng thời bố trí 3 máy bơm để hút nước ra ngoài.

https://thanhnien.vn/mua-lon-gay-ngap-lut-nghiem-trong-tai-mien-trung-post1508837.html

3/ MỘT NGƯỜI TRONG VỤ BẮT GIỮ BÀ TRƯƠNG MỸ LAN VỪA QUA ĐỜI

Bà Nguyễn Phương Hồng, người bị bắt giam cùng với bà Trương Mỹ Lan vào ngày 7/10, vừa qua đời một cách bí ẩn vào hôm Chủ nhật 9/10.

Tờ báo Pháp Luật vào chiều hôm qua loan tin là bà Nguyễn Phương Hồng 39 tuổi, cố vấn tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã được gia đình phát tang vào chiều hôm qua tại tư gia ở Thủ Đức. Theo cáo phó thì bà Hồng qua đời lúc 3 giờ rưởi chiều Chủ nhật, hưởng dương 39 tuổi. Nhưng vài giờ sau đó thì bài báo hoàn toàn bị biến mất.

Cần biết là bà Phương Hồng cũng là một trong 4 nhân vật hàng đầu của Vạn Thịnh Phát và không biết là thi hài của bà có được trao trả về nhà hay không. Cùng bị bắt là bà Trương Mỹ Lan 66 tuổi, Trương Huệ Vân 34 tuổi và ông Hồ Bửu Phương 50 tuổi. Cả 4 người đều bị cáo buộc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vào ngày 7/10, các từ khóa truy tìm liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát đột ngột lên cao nhất tại Việt Nam. Cụ thể là liên quan đến ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch chứng khoán Tân Việt, qua đời ở độ tuổi 50.  Ông này là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị tại ngân hàng thương mại SCB.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq548wee170o

4/ QUÂN NGA BẮN PHI ĐẠN VÀO UKRAINE ĐỂ TRẢ ĐŨA VỤ CẦU KERCH

Từ 8 giờ sáng thứ Hai 10/10, đất nước Ukraine trở thành mục tiêu bắn phá dồn dập của quân Nga nhằm trả đũa vụ tấn công cầu Kerch ở bán đảo Crimea, theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các vụ tấn công bằng phi đạn đã gây ra các đám cháy lớn không chỉ ở thủ đô Kiev mà là trên đất Ukraine, từ Lviv ở phía tây cho đến Kharkiv ở phía đông và Odessa ở phía nam.

Đô trưởng Kiev cho biết đã có một số vụ nổ ở quận Shevchenkivskyi, trung tâm thủ đô Ukraine và cho biết thông tin chi tiết sẽ được loan báo sau. Đây là lần đầu tiên Kiev bị tấn công kể từ nhiều tháng qua và đa số thuộc quận trung tâm.

Các vụ bắn phá xảy ra sau khi cây cầu ở Crimea bị tấn công vào sáng 8/10. Tổng thống Nga Putin cáo buộc vụ nổ cầu Crimea là hành động khủng bố do Ukraine lên kế hoạch nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga.

Một cuốn video trên cầu Klitschko ở Kiev cho thấy một người thoát hiểm trong gang tấc khi phi đạn của Nga đánh trúng lối dành cho người đi bộ trên cầu. Cây cầu nằm ở trung tâm Kiev tạo ra một lối đi trên đường du lịch dọc theo hữu ngạn sông Dnipr trong thành phố.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 83 phi đạn, với hơn 43 quả đã bị hệ thống phòng không bắn hạ. Ông nói thêm là các phi đạn này được phóng từ biển Caspi và biển Hắc Hải. 

Cảnh sát cho biết 10 người đã thiệt mạng và 60 người khác bị thương trong các vụ tấn công trên khắp đất nước. Một người dân cho biết các cuộc pháo kích vào thủ đô Kiev, đa số nhắm vào các công viên và các tuyến đường mà người dân thường xuyên lui tới.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4n72l3qwdro

 

No comments:

Post a Comment