Sunday, October 16, 2022

Tin Tức, Chủ Nhật 16.10.2022

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

1) TOÀ ĐẠI SỨ HOA KỲ THÚC GIỤC HÀ NỘI TRẢ TỰ DO CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM 

Phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ở Việt Nam lên tiếng chúc mừng việc nước chủ nhà được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. 

Một bài đăng hôm thứ Sáu ngày 14/10 trên trang Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội viết: “Chúng tôi gửi lời chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và hi vọng cùng làm việc để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu và tại Việt Nam.” 

Toà đại sứ cũng viết “hy vọng Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để thực hiện bước tiến thúc đẩy nhân quyền và trả tự do cho những người bị bắt giữ tùy tiện vì thực hiện các quyền cơ bản của con người về tự do biểu đạt và quyền lập hội.” 

Trong một cuộc họp báo ở Hà Nội hai ngày trước, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cũng nhấn mạnh rằng “vấn đề nhân quyền tiếp tục đóng vai trò là một trụ cột trung tâm” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm vẫn ra báo cáo nhân quyền về các nước trên thế giới, trong đó, phần đánh giá về Việt Nam thường chứa đựng các bằng chứng cho thấy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn ở mức đáng quan ngại, đáng bị lên án, bao gồm một số vấn đề nổi bật là chính quyền vi phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí và bắt bớ tùy tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền. 

Phía Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo này, cho rằng nhận định của phía Mỹ là “không khách quan” và “không phản ánh tình hình thực tế tại Việt Nam.” 

https://www.voatiengviet.com/a/6789735.html 

2) VIỆT NAM VẪN THẮT CHẶT QUAN HỆ VỚI NGA 

Hôm 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bên lề một hội nghị ở Kazakhstan, nói rằng Moscow luôn coi Hà Nội là một đối tác “quan trọng hàng đầu” trong chính sách đối ngoại. 

Cuộc gặp diễn ra khi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine kéo dài gần 8 tháng và Nga bị phần lớn cộng đồng quốc tế lên án, cô lập, trong khi Việt Nam tỏ ý không ủng hộ chiến tranh song cũng không trực tiếp phản đối Nga. 

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời bà Ánh Xuân nói rằng Việt Nam rất “coi trọng” quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Bà bày tỏ mong muốn hai nước duy trì và tăng cường hợp tác hiệu quả, tiếp tục phối hợp tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư song phương trên tinh thần tin cậy và thực chất. 

Cuộc gặp giữa ông Putin và bà Ánh Xuân diễn ra một ngày sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng hôm 12/10 cho Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ về việc phản đối “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” của Nga đối với các vùng lãnh thổ ở Ukraine. 

https://www.voatiengviet.com/a/tt-putin-tiep-pho-ct-xuan-vn-la-mot-doi-tac-quan-trong-hang-dau-cua-nga/6789713.html 

3) TRUNG CỘNG TUYÊN BỐ CÓ QUYỀN DÙNG VŨ LỰC ĐỐI VỚI ĐÀI LOAN 

Vào thứ Bảy ngày 15/10, một phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực đối với Đài Loan như một giải pháp cuối cùng trong những trường hợp bắt buộc, mặc dù thống nhất hòa bình là lựa chọn hàng đầu của họ. 

Phát ngôn viên Tôn Nghiệp Lễ (Sun Yeli) nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng sự thống nhất của Trung Cộng và Đài Loan đáp ứng lợi ích của tất cả mọi người, bao gồm cả người Đài Loan. 

Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình được dự kiến sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba dài 5 năm với tư cách là tổng bí thư của đảng cộng sản, chức vụ quyền lực nhất của đất nước, tại đại hội đảng kéo dài một tuần sẽ được tổ chức ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh với phiên khai mạc diễn ra vào ngày 16/10. 

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-ho-co-quyen-dung-vu-luc-doi-voi-dai-loan/6791130.html 

4) GIỚI TRANH ĐẤU IRAN KÊU GỌI TIẾP TỤC BIỂU TÌNH CHỐNG CHẾ ĐỘ 

Một tháng sau ngày một nữ sinh người Iran qua đời sau khi bị lực lượng ‘‘cảnh sát đạo đức’’ bắt giam, phong trào phản kháng chống chính quyền Iran tiếp tục, bất chấp các đàn áp khốc liệt. Nhiều lời kêu gọi biểu tình tại Iran lan truyền trên các mạng xã hội trong ngày thứ Bảy. 

Bất chấp việc nhà cầm quyền Iran ngăn chặn các ứng dụng Instagram và WhatsApp, giới tranh đấu đã đưa lên mạng lời kêu gọi biểu tình với các khẩu hiệu chính như ‘‘Khởi đầu cho sự chấm dứt’’ của chế độ hay ‘‘Đả đảo lãnh đạo độc tài’’ ám chỉ giáo chủ tối cao Ali Khamenei. Các nhà tranh đấu khuyến khích giới trẻ và đông đảo dân chúng Iran tổ chức biểu tình tại các địa điểm không có lực lượng an ninh. 

Phong trào biểu tình gây chấn động Iran từ một tháng nay đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Hôm 14/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định ‘‘sát cánh cùng các công dân, những người phụ nữ dũng cảm của Iran’’ và kêu gọi chính quyền Iran chấm dứt đàn áp người dân nước mình. 

Ít nhất 108 người bị giết hại trong các vụ đàn áp, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Iran Human Rights (IHR) có trụ sở ở Oslo. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221015-iran-gi%E1%BB%9Bi-tranh-%C4%91%E1%BA%A5u-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99 

5) HOA KỲ TỐ CÁO TRUNG CỘNG NGĂN CẢN NỖ LỰC QUỐC TẾ GIẢM NỢ CHO CÁC NƯỚC NGHÈO 

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ đã chỉ đích danh Trung Quốc một trở lực chính đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giảm nợ cho những nước nghèo, đặc biệt là tại châu Phi. 

Theo AFP, trong một cuộc họp báo tại trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Hoa Thịnh Đốn, Bộ trưởng Tài chính bà Janet Yellen nhấn mạnh ‘‘đã có rất nhiều cuộc thảo luận về những gì có thể làm để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán và giúp tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề này,’’ tuy nhiên các nỗ lực đó đã không đạt kết quả.  

Trước đó, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm khu vực đồng euro, bà Janet Yelgiải thích đã có ‘‘rất ít quốc gia’’ yêu cầu nợ của họ được xử lý trong khuôn khổ chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một trong những nguyên nhân căn bản là Trung Cộng- quốc gia chủ nợ số một thế giới, đã không có các đóng góp mang tính xây dựng.”  

IMF và Ngân hàng Thế giới thường xuyên kêu gọi Trung Cộng tham gia vào việc tái cơ cấu nợ của các nước nghèo và các nước đang phát triển, thông qua khuôn khổ đàm phán chung do G20 thiết lập.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221015-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-ng%C4%83n-c%E1%BA%A3n-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-gi%E1%BA%A3m-n%E1%BB%A3-cho-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%C3%A8o

No comments:

Post a Comment