Saturday, June 26, 2021

Tin Tức: Thứ Bảy ,ngày 26.06.2021

Tin Tức

Xu hướng kết án độc đoán với những bản án nặng nề cho nhiều nhà hoạt động gần đây, chuyện Blogger Phạm Thành bị kết tội với án tù dài hạn là rất lớn. Phụng Hoàng có thêm thông chi tiết để mở đầu phần Tin Tức hôm nay …

BLOGGER PHẠM THÀNH SẼ BỊ ĐƯA RA XÉT XỬ VỀ CÁO BUỘC “TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC” VÀO ĐẦU THÁNG 7

Nhà cầm quyền cộng sản thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà vào ngày 09/7 tới để xét xử nhà văn Phạm Chí Thành tức blogger Phạm Thành, chủ nhân của trang blog Bà Đầm Xoè, theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Theo văn bản gửi đến luật sư Hà Huy Sơn- người bào chữa cho ông Thành, phiên xét xử này là công khai và toà án cộng sản Hà Nội sẽ là cơ quan thực hiện phiên toà trên.

Ông Thành, 69 tuổi, bị bắt vào cuối tháng Năm năm ngoái sau khi ông có nhiều bài viết và cả tiểu thuyết phê phán nhiều lãnh đạo cao cấp của chế độ cộng sản trong đó có Hồ Chí Minh và đương kim tổng bí thư đảng cộng sản cầm quyền Nguyễn Phú Trọng. Ông là tác giả hai cuốn “Cò hồn xã nghĩa” và “Nguyễn Phú Trọng- thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo?” được in ở Hoa Kỳ nói về chế độ vô nhân đạo ở Việt Nam.

Ông bị biệt giam không được gặp gia đình và luật sư kể từ khi bị bắt đến nay. Sau khi công an Hà Nội kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát thì ông mới được gặp luật sư để bàn thảo về việc bào chữa trong phiên toà sắp tới.

Với xu hướng kết án độc đoán với những bản án nặng nề cho nhiều nhà hoạt động gần đây, khả năng ông Thành bị kết tội với án tù dài hạn là rất lớn.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cộng sản Việt Nam đã kết tội 14 nhà hoạt động về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” từ đầu năm đến nay với tổng mức án 122 năm tù giam và 36 năm quản chế. Người bị án nặng nhất 15 năm tù giam và 3 năm quản chế là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng còn người bị án nhẹ nhất là ông Lê Viết Hoà với mức án 5 năm tù giam.

Vụ án Hồ Duy Hải chưa kết thúc khi có thêm bằng chứng ngoại phạm. Đồng Tâm tóm lượt bản tin như sau …

LUẬT SƯ CUNG CẤP BẰNG CHỨNG NGOẠI PHẠM MỚI TRONG VỤ ÁN HỒ DUY HẢI

Luật sư Trần Hồng Phong cùng đồng nghiệp và gia đình Hồ Duy Hải đã cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới cho cơ quan chức năng về thời gian và địa điểm Hồ Duy Hải có mặt vào khi xảy ra vụ giết người tại Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.

Truyền thông lề đảng đưa tin có bảy nhân chứng viết đơn cam kết xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối ngày 13/1/2008, ngay tại thời điểm Cơ quan điều tra nói rằng Hải vào Bưu cục Cầu Voi và sát hại hai nữ nhân viên.

Vụ án này đã được xét xử sơ thẩm vào năm 2008 và phúc thẩm năm 2009. Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình dù có nhiều tình tiết vô lý và bỏ qua nhiều chứng cứ có lợi cho anh. Gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, sau khi đã bác đơn vào năm 2012.

Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau ba ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), Nguyễn Duy Linhcon trai của thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng có thể bị án nặng, thậm chí tử hình. Dù vậy, hên xui thôi, vì là cán bộ của đảng, Phụng Hoàng có thêm thông tin chi tiết như sau …

CỰU TƯỚNG TÌNH BÁO CÔNG AN CÓ THỂ BỊ TRỪNG PHẠT NẶNG VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ

Bộ Công an Việt Nam đề nghị trừng phạt trung tướng Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo của bộ này, vì đã nhận hối lộ nhưng không thành khẩn khai báo.

Theo truyền thông lề đảng, cơ quan cảnh sát điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan đến cựu sĩ quan an ninh Phan Văn Anh Vũ và ông Linh, con trai của thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, trùm mật vụ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phía công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố ông Vũ (tức Vũ “nhôm”) tội đưa hối lộ, Hồ Hữu Hoà tội môi giới hối lộ, và ông Linh- tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự 2015. Với mức tiền nhận hối lộ lên đến tỷ đồng thì ông Linh có thể đối mặt với án tù chung thân, thậm chí tử hình. Tuy nhiên, rất có thể Linh sẽ nhận mức án nhẹ vì ban lãnh đạo cộng sản thường nương tay với cán bộ của đảng.

Chính phủ Nhật hào hiệp tặng Vaccine cho 6 nước ĐNÁ, trong đó có Việt Nam. Đồng Tâm tóm lượt bản tin như sau …

NHẬT BẢN TẶNG VIỆT NAM THÊM 1 TRIỆU LIỀU VACCINE ASTRAZENECA

Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca trong lúc Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất với mức lây nhiễm kỷ lục trong cộng đồng lên đến hơn 600 trường hợp một ngày.

Trước đó, vào ngày 16/6, Việt Nam đã tiếp nhận gần 1 triệu liều vaccine ngừa cúm Vũ Hán của chính phủ Nhật. Lô vaccine này được sử dụng để tiêm cho người dân ở Sài Gòn, một trong những điểm nóng lây nhiễm lớn nhất của cả nước.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia châu Á khác gồm Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, mỗi nước cũng sẽ nhận 1 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chính phủ Nhật Bản.

Không cần Trung cộng đồng ý, Cao ủy Nhân quyền LHQ xem xét các cáo buộc về tình trạng giam giữ hàng loạt, tra tấn, và cưỡng bức lao động tại Tân Cương. Phụng Hoàng kết thúc phần Tin Tức hôm nay với nội dung như sau …

CAO UỶ NHÂN QUYỀN LHQ THÚC ĐẨY VỤ TÂN CƯƠNG MÀ KHÔNG CẦN TRUNG CỘNG ĐỒNG Ý

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet gần đây phát biểu bà hy vọng có thể đồng ý với các điều khoản cho chuyến thăm Trung Quốc được mong đợi từ lâu trong năm nay để xem xét các cáo buộc về tình trạng giam giữ hàng loạt, tra tấn, và cưỡng bức lao động.

Bà Bachelet tuyên bố trong khi chờ đợi Bắc Kinh đồng ý thì văn phòng của bà tiếp tục phân tích và đánh giá sâu hơn các mô hình vi phạm nhân quyền bị cáo buộc ở Tân Cương. Văn phòng có quyền thu thập từ xa lời khai của các vụ lạm dụng mà không cần sự ủy quyền của hội đồng hoặc lời mời từ quốc gia liên quan.

Nhiều người hoạt động và giới ngoại giao phương Tây cho rằng người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có thể lưu lại những phát hiện của riêng bà về hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ngay cả khi không được sự chào đón của Trung Quốc cho chuyến thăm.

Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác, mô tả các trại ở vùng viễn tây chỉ là cơ sở huấn nghiệp nhằm chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Cách đây vài ngày, một nhóm 45 quốc gia bao gồm Canada và Hoa Kỳ thúc giục Bắc Kinh cho phép bà Bachelet tiếp cận ngay với Tân Cương để có thể đánh giá trực tiếp. Tuy nhiên, Trung Cộng bác bỏ điều này và xem đây là một sự can thiệp với “động cơ chính trị.” Bắc Kinh tuyên bố hoan nghênh chuyến thăm của bà Bachelet, nhưng chuyến đi chỉ nên tập trung vào việc “thúc đẩy trao đổi và hợp tác hơn là một cuộc điều tra dựa trên cái gọi là giả định phạm tội.”

No comments:

Post a Comment