Thursday, June 17, 2021

Cẩm Nang Nuôi Tù

Cẩm Nang Nuôi Tù

Thưa quý thính giả,

Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn” Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ vẫn đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Sau đây mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo của Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ do Bảo Trân diễn đọc.

1.    Tìm kiếm các cá nhân, tổ chức có thể giúp đỡ

Các cá nhân và tổ chức có thể giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bạn là những cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền. Họ có thể giúp bạn lập hồ sơ pháp lý nhằm tố cáo sự vi phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật của chính quyền ra công luận quốc tế. Họ cũng có thể tổ chức các cuộc vận động cho người thân của bạn. Họ có thể có các quỹ hỗ trợ tài chính dành cho người thân của bạn.

Xem chi tiết ở Chương VI: “Vận động”.

 

2.    Đừng quên tìm hiểu luật pháp

Bạn đừng quên tìm hiểu, nghiên cứu luật pháp Việt Nam liên quan đến hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và thi hành án. Bên cạnh đó, tìm hiểu luật quốc tế về nhân quyền.

Dĩ nhiên là luật pháp vốn mênh mông như biển mà lại nhằng nhịt như rừng, nên đối với đại đa số người không phải dân luật, việc tìm hiểu sẽ rất mất thì giờ, khó khăn. Nhưng bạn đừng ngại, ai cũng gặp khó khăn và mất thì giờ như vậy cả. Bạn tìm đọc nhiều (trên mạng, trong sách), hỏi luật sư, là sẽ nhanh chóng quen thuộc, và ở hoàn cảnh như bạn, còn được thực hành liên tục nữa nên sẽ nhanh chóng thành “chuyên gia”.

Trong khu rừng luật, cũng có vài cây đại thụ nổi bật, là các luật quan trọng nhất mà bạn có thể tìm hiểu trước tiên:

  • Bộ luật Tố tụng Hình sự (2015);
  • Bộ luật Hình sự (2015);
  • Luật Thi hành Án Hình sự (2010);
  • Luật Thi hành Tạm giữ Tạm giam (2015)

Từ những cây đại thụ này, sẽ tỏa ra các cành, nhánh, là những văn bản luật, nghị định, thông tư… có liên quan, bạn có thể tìm hiểu thêm sau.

Chú ý những luật quan trọng, bởi vì:

  • Trong các luật này có những quy định rất rõ ràng những gì mà một người bị bắt (tạm giữ, tạm giam) hoặc người tù (đã có án) có thể được phép làm, và những gì không được phép làm. Điều này rất quan trọng vì nó là cơ sở để bạn đi đòi quyền lợi cho thân nhân mình.
  • Công an luôn bày ra nhiều chiêu trò để tước đoạt đi các quyền ít ỏi này của người tù và thân nhân. Một khi bạn nắm vững luật, bạn có thể tỉnh táo và cứng rắn để đáp trả lại.
  • Cần chỉ ra những sai phạm của cơ quan tố tụng một cách rõ ràng, minh bạch, và cũng cần tố cáo các sai phạm của họ ra công luận và cộng đồng quốc tế.

Cũng cần tìm hiểu các nguyên tắc chung của thế giới về nhân quyền, ở trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký. Xem Chương IV: “Đấu tranh pháp lý”.

Mua, in hoặc photocopy sẵn những luật quan trọng và đem theo khi gặp công an. Khi cơ quan công an gây khó khăn hoặc có thái độ uy hiếp, đe nẹt, bạn đã có sẵn quyển luật trong tay để đối chiếu.

TÓM TẮT CHƯƠNG NÀY

Tóm lại, trong tuần đầu tiên sau khi người thân của bạn bị bắt, bạn cần làm ngay những việc sau:

  • Đi tìm thông tin về thân nhân: nơi giam giữ, cơ quan giam giữ, có lệnh bắt hay không, bắt vì tội gì
    • Nếu người thân của bạn bị bắt không có lệnh tạm giữ, bạn hãy đi tìm và đòi được biết thông tin về họ tại cơ quan công an nơi địa phương bạn sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú.
    • Nếu người thân của bạn bị bắt và có lệnh tạm giam, tạm giữ, bạn cần đi đòi thông tin về họ tại chính cơ quan đã ký lệnh bắt họ.
    • Khi đã biết nơi đang giam giữ người thân của bạn thì bạn cần đòi quyền thăm gặp và tiếp tế đồ dùng, thực phẩm cho họ.
  • Đưa thông tin ra công luận
    • Thông tin đăng tải cần phải có đầy đủ các nội dung cơ bản như: tên tuổi, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp, bị bắt lúc nào và trong tình huống nào, lý do vì sao bị bắt …
    • Thông tin đăng tải cần chính xác, dẫn nguồn (nếu có).
  • Tìm kiếm luật sư
  • Tìm cách liên lạc với các cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền để nhờ giúp đỡ.
  • Nhớ học luật.

No comments:

Post a Comment