Saturday, June 19, 2021

Danh tướng Trần Bình Trọng

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, khi bị quân Nguyên – Mông bắt và dụ hàng, hứa ban tước vương, một tướng lãnh nhà Trần đã khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt và câu này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước về sau. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Danh Tướng Trần Bình Trọng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê ở xã Bảo Thái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thuộc giòng dõi vua Lê Đại Hành, nhưng vì ông nội có công với triều vua Trần Thái Tông, nên được phong quốc tích, mang họ vua.

Trần Bình Trọng có thân hình tuấn tú, mắt sáng, lại có sức mạnh siêu quần, từ nhỏ đã theo võ nghiệp, giỏi cả kinh sử lẫn binh thư nhờ cha ông mấy đời làm đại tướng.

Trần Bình Trọng sinh ra trong cảnh nước nhà đang bị giặc Mông Cổ xua quân xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất. Lúc này, vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng rút khỏi Thăng Long và chỉ 10 ngày sau, lại dẫn quân trở lại phản công, đánh quân giặc tại Đông Bộ Đầu làm cho quân Mông bị thiệt hại nặng nề, phải rút lui về nước.

Năm 1285, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đưa hàng chục vạn quân sang đánh Đại Việt lần thứ hai. Vì cô thế quân Đại Việt phải rút về Thanh Hóa thực hiện chiến dịch “tiêu thổ kháng chiến” chờ quân Nguyên thiếu lương thực liền phản công, thắng trận Hàm Tử, Chương Dương, chiếm lại Thăng Long.

Cánh quân Nguyên phía Bắc rút lui bị thiệt hại nặng khi bị chận đánh tại sông Cầu, Vạn Kiếp. Cánh quân Nguyên phía Nam rút về Vân Nam bị phục kích tại Phù Ninh và bị tiêu diệt hoàn toàn tại Tây Kết.

Tháng 12 năm 1287, rút kinh nghiệm sau 2 lần bại trận, quân Nguyên đóng tàu chở lương thực và tăng cường quân số, chia quân thành 3 đạo, tiến đánh Đại Việt lần thứ ba. Một cánh quân xuất phát từ Vân Nam, một cánh từ Quảng Tây và một cánh từ Quảng Đông theo đường biển tiến sâu vào đất Việt.

Lần này, thủy quân Nguyên bị thiệt hại nặng do giông bão, số còn lại bị tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt tại Vân Đồn. Vì sợ bị chia cắt, quân Nguyên bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp. Dân quân Đại Việt dùng “du kích chiến” đánh vào doanh trại Vạn Kiếp và các căn cứ thủy binh của quân Nguyên. Cuối cùng, cánh thủy binh này bị tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng khi chuẩn bị rút lui về nước. Trận đánh hào hùng của dân quân Đại Việt lần thứ 3 đã kết thúc ý đồ xâm lược của quân Nguyên.

*****

Sau khi quân Nguyên sang đánh Đại Việt lần thứ hai, đức Trần Hưng Đạo thất bại trong vài trận đánh mở đầu, quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp và sau đó lui về Thăng Long, nhưng cũng không thể giữ thành trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên, nên quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường. Lúc này tướng Trần Bình Trọng được giao nhiệm vụ giữ vùng Đà Mạc – Thiên Mạc, ngăn chận và cầm chân quân Nguyên để cho Bộ Chỉ Huy rút lui an toàn.

Thoát Hoan xua quân truy đuổi bằng 2 đạo quân gồm cả thủy binh lẫn kỵ binh và đều giao cho các tướng giỏi chỉ huy. Khoan Triệt làm hữu tướng, Ô Mã Nhi làm tả tướng, tất cả đều dùng kỵ binh và thuyền nhẹ để truy bắt vua Trần.

Tướng Trần Bình Trọng chỉ huy quân sĩ đánh chận quân Nguyên tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số nên Ngài bị bắt. Nhưng trận đánh này là một thắng lợi quan trọng về mặt chiến lược của cuộc kháng chiến, vì kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu Bộ Chỉ Huy của quân Đại Việt.

Sau khi bắt được Ngài, các tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác tin tức, dọa nạt và dụ dỗ Ngài quy hàng, nhưng Ngài kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn được phong tước vương đất Bắc hay không, Ngài khẳng khái trả lời:

“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt và câu nói này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước sau này.

Biết không thể khuất phục, quân Nguyên giết Ngài vào ngày 21 tháng Giêng, năm Ất Dậu. Năm đó, Ngài 26 tuổi, được truy phong là Bảo Nghĩa Vương.

Ngài được các sử gia đời sau vinh danh là Anh hùng của dân tộc Việt vì tấm lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm. Câu nói của Ngài trở thành một gương sáng điển hình, giúp cho các cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc thành công sau này.

Hiện nay trong nước có nhiều con đường mang tên Ngài. Tên tuổi đức Trần Bình Trọng sống mãi trong lòng dân tộc vì Ngài đã hiên ngang và khẳng khái trước bè lũ ngoại xâm. Tinh thần này đã được con dân nước Việt noi theo trước những cơn nguy biến của đất nước như anh hùng Nguyễn Trung Trực, Phạm Hồng Thái.v.v. và nhất là nhiều người yêu nước, đã và đang chống lại chế độ cộng sản phản dân hại nước hiện nay./.

No comments:

Post a Comment