Sunday, April 25, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 25.04.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải

1) NAM HÀN XEM XÉT LẠI CÁC DỰ ÁN ĐIỆN THAN Ở VIỆT NAM

Chính phủ Nam Hàn sẽ xem xét việc cung cấp tài chính cho các dự án điện than ở Việt Nam sau khi Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố chấm dứt đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Hoa Kỳ tổ chức trong tuần qua.

Nam Hàn là một trong những nguồn cung cấp tài chính lớn cho nhiều dự án điện than ở Việt Nam. Gần đây nhất, một số công ty của Nam Hàn trong đó có Điện lực Nam Hàn (KEPCO) đã đầu tư 189 triệu Mỹ kim vào 40% cổ phần của dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 ở tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, Nam Hàn còn đầu tư vào các dự án nhiệt điện than khác như Mông Dương 2, Long Phú 1, Vĩnh Tân 4, Sông Hậu và Nghi Sơn 2. Trước sức ép chỉ trích của các nhà đầu tư và giới hoạt động vì khí hậu, năm ngoái, KEPCO đã chính thức tuyên bố sẽ dừng đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài sau dự án Vũng Áng 2 tại Việt Nam.

 

Trong khi đó, với lý do để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, cộng sản Việt Nam hiện có kế hoạch phát triển mạnh nhiệt điện than, trong đó dự kiến tăng thêm gần 17 GW điện than từ năm 2021 đến 2030, tăng gần 83% so với công suất  hiện tại.

2) NHẬT TẶNG TÀU NGHIÊN CỨU ĐẠI DƯƠNG TRỊ GIÁ 13 TRIỆU MỸ KIM CHO CỘNG SẢN VIỆT NAM

Chính phủ Nhật Bản đã tặng Việt Nam một con tàu nghiên cứu khoa học đại dương, bao gồm tài chính để cải tạo con tàu và nhiều thiết bị khác với tổng giá trị 1,4 tỷ Yen tức gần 13 triệu Mỹ kim.

Theo Toà Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, chiếc tàu này nằm trong dự án hợp tác viện trợ không hoàn lại có tên “Chương trình phát triển kinh tế xã hội” của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhằm giúp cho Việt Nam thúc đẩy việc phát triển năng lực của các cơ quan chức năng khảo sát nghiên cứu khoa học biển, tiến hành kế hoạch tăng cường năng lực khai thác tài nguyên biển.

Khoản viện trợ này còn nhằm mục đích đóng góp việc hiện thực hóa “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” thông qua việc đẩy mạnh quản trị biển của cộng sản Việt Nam. Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững với các kế hoạch khảo sát môi trường biển, tài nguyên biển nhưng chưa có tàu khảo sát phù hợp.

Ngoà ra, Nhật Bản còn tặng Việt Nam thiết bị khảo sát phân tích rác thải nhựa đại dương trị giá 500 triệu Yen với mục tiêu giúp nâng cao năng lực cho Hà Nội trong việc khảo sát, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm của rác thải nhựa trên biển.

3) PHI LUẬT TÂN PHẢN ĐỐI SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÀU CÁ TRUNG CỘNG

Theo Reuters, Phi Luật Tân vừa gửi hai công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Cộng tiếp tục duy trì sự có mặt của nhiều tàu cá mà thực chất là tàu dân quân biển ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough.

Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng các giới chức hàng hải của họ đã phát hiện sự có mặt và hoạt động trái phép và liên tục của 160 tàu cá và dân quân biển của Trung Cộng  gần khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough vào ngày 20/4. Năm tàu hải cảnh của Trung Cộng cũng đã xuất hiện tại khu vực này và di chuyển giữa đá Ba Đầu và các đảo khác trong nhóm đảo Sinh Tồn, nơi Trung Cộng có hai tiền đồn và Việt Nam chiếm giữ 4 tiền đồn khác.

Giới chức Phi Luật Tân cho biết thêm phía Việt Nam cũng có gửi một số tàu đánh cá và lực lượng tuần duyên đến khu vực đá Ba Đầu.

Trong công hàm, Phi Luật Tân tuyên bố sự hiện diện tràn ngập của các tàu Trung Cộng đang tạo ra một bầu không khí mất ổn định và là sự phớt lờ trắng trợn những cam kết của Bắc Kinh về thúc đẩy hoà bình, ổn định trong khu vực.

4) HOA KỲ SẼ YÊU CẦU NHÓM G7 GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN TRUNG CỘNG VỀ VẤN ĐỀ TÂN CƯƠNG

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, ông Daleep Singh nói với Reuters rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ yêu cầu các nước đồng minh trong nhóm G7 gia tăng áp lực lên Trung Cộng về nạn cưỡng bức lao động ở vùng Tân Cương, nơi sinh sống của sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Vào tháng 6 tới đây, Tổng thống Biden sẽ đến Anh Quốc và Bỉ trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Ông Biden sẽ dự thượng đỉnh nhóm G7 ở Cornwall, Anh Quốc, vào giữa tháng 6. Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới lần này sẽ tập trung bàn về các biện pháp đối phó với khủng hoảng dịch cúm Vũ Hán, các biện pháp chống biến đổi khí hậu và nâng cao các giá trị dân chủ chung trong khối G7.

Ông Singh tuyên bố Hoa Thịnh Đốn đã thi hành nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Kinh về những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và sẽ tiếp tục nỗ lực này với các đồng minh trong nhóm G7.

Các nhà hoạt động và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khẳng định có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Bắc Kinh còn bị tố cáo đã tra tấn, cưỡng bức lao động và cưỡng bức triệt sản người Duy Ngô Nhĩ.

No comments:

Post a Comment