Wednesday, April 28, 2021

Nên ứng xử với Trung cộng như thế nào?

Bình Luận

Việt Nam không phải là một nước nhược tiểu và trong tương quan với Trung cộng, chúng ta thừa sức bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có đảng cs VN là nhu nhược đối với đàn anh ý thức hệ CSTH mà thôi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Ngô Hồng Quân với tựa đề: “Nên ứng xử với Trung cộng như thế nào?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Ngô Hồng Quân

Đối với các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia và Philippines – hai nền dân chủ non trẻ đang trong vòng kìm kẹp của chủ nghĩa dân túy, mỗi quốc gia đều không hạnh phúc theo cách riêng của họ.

Nhìn bề ngoài, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo, hay còn gọi là Jokowi, không chỉ lãnh đạo 2 quốc gia rất giống nhau, mà gần giống như được cắt ra từ cùng một tấm vải. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã có cách tiếp cận theo những cách khác nhau trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc – và những kết quả do các cách tiếp cận đó mang lại cũng hoàn toàn khác nhau.

Trong khi việc quỵ lụy Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua chưa mang lại cho Duterte một khoản đầu tư có giá trị nào cho đến nay, thì chiến lược có phẩm giá và tinh vi hơn của Jokowi đã bảo đảm được sự đầu tư tối ưu, cũng như việc phân phối nhanh chóng hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Trong khi Duterte thể hiện mình là người của nhân dân, Jokowi đã chủ động phụng sự những công dân bình thường, coi đó là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình. Cả hai đều đã áp dụng các chính sách cứng rắn để trấn áp tội phạm, đặc biệt là trong cuộc chiến chống ma túy. Điều quan trọng là, cả hai tổng thống đều đặt cược chương trình nghị sự phát triển của họ vào “sự hào phóng” của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của các lực lượng bảo thủ, những người đã cáo buộc họ hành động như “tay sai” của Bắc Kinh. Chưa hết, Jokowi đã nỗ lực phát triển một mối quan hệ tương đối hiệu quả dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trong khi Duterte lại tỏ ra không dứt khoát.

Để làm hài lòng Bắc Kinh, Duterte thậm chí còn đe dọa sẽ hủy hợp tác quốc phòng với Mỹ và chia sẻ các nguồn năng lượng quý giá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với Trung Quốc. Tệ hơn nữa, Duterte đã nhanh chóng lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh khi một tàu dân quân Trung Quốc bị tình nghi suýt đánh đắm hàng chục ngư dân Philippines gần Bãi Cỏ Rong hồi năm 2019. Khi bị thúc ép chống lại việc Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Philippines,

Trong khi đó, Jokowi đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới cả Washington và Bắc Kinh, cũng như cố gắng thúc đẩy hợp tác an ninh mạnh mẽ với cả 2 siêu cường, qua đó củng cố đòn bẩy chiến lược của Indonesia. Khi Trung Quốc gia tăng xâm nhập vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia vào cuối năm 2019, Tổng thống Indonesia không chỉ triển khai máy bay chiến đấu và hải quân mà còn đích thân tới khu vực này thị sát để nhắc nhở Trung Quốc rằng Jakarta sẽ “không thỏa hiệp” trong các vấn đề hàng hải và lãnh thổ.

Và khi Trung Quốc chểnh mảng trong việc thực hiện những cam kết trị giá hàng tỷ USD, Jokowi đã nhanh chóng tận dụng Nhật Bản để thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Năm 2019, Nhật Bản và Trung Quốc trở thành các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Indonesia, với hàng chục dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, trong khi Jokowi để 2 “gã khổng lồ” kinh tế đối đầu với nhau.

Bài học cho các nước Đông Nam Á từ hai trường hợp trên cho thấy, về cách mà 2 quốc gia Đông Nam Á trên đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Indonesia đã cho thấy rằng ngay cả các quốc gia nghèo hơn cũng có khả năng định hình hành vi của Bắc Kinh, miễn là họ không ngây thơ đưa ra những nhượng bộ lớn như Duterte. Sự dũng cảm và sắc sảo trong chiến lược của Jokowi cho thấy không phải tất cả những người theo chủ nghĩa dân túy đều giống nhau, mặc dù họ lên nắm quyền trong những hoàn cảnh khó khăn như nhau.

Việt Nam cũng là một quốc gia Đông Nam Á có nhiều vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc. Sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ đã làm cho tâm lý nước nhỏ ăn sâu vào trong tư duy người Việt. Nhiều quan chức Việt Nam luôn thể hiện suy nghĩ “Trung Quốc mạnh thế, mình chống thế nào được Trung Quốc”, chính vì lẽ đó đã dẫn tới các ứng xử đối với Trung Quốc mang tính tự ti, nhược tiểu. …Hỡi ôi, chính vì suy nghĩ kiểu đó mà Trung Quốc mới có thể lấn tới trong sự kiện giàn khoan HD 981 năm 2014. Ngày nay, quan hệ quốc tế không còn kiểu quan hệ đại bá và tiểu quốc mà là mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi. Bài học của Indonesia và Philippines góp phần giúp cho những nước như Việt Nam biết cách ứng xử trước “người khổng lồ xấu xí Trung Quốc”.

Do đó, trong quan hệ với Trung Quốc, người Việt Nam cần cởi bỏ tâm lý nước nhỏ vốn ăn sâu trong nếp nghĩ; phải đặt mình trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; không tự ti, sợ hãi, cúi đầu. Điều đó mới giúp Việt Nam tồn tại và phát triển trước một Trung Quốc to lớn và đầy tham vọng./.

No comments:

Post a Comment