Sunday, April 25, 2021

Quốc Hội

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo  đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Thế giới đang có khoảng gần 200 quốc gia-nhà nước thì gần như tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước này đều có cùng một mô hình gồm ba bộ phận cơ bản là: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

Sự đồng nhất này là một bước tiến vĩ đại của nhân loại trên lãnh vực tổ chức các cơ quan công quyền sao cho vừa đạt được hiệu quả về phục vụ dân chúng, quản lí xã hội lại vừa hạn chế, ngăn chặn được các nhũng lạm quyền lực, tham nhũng hoặc đàn áp, của những người, những kẻ nắm chính quyền.

Cụ thể hơn nữa, sự phân chia hệ thống quyền lực nhà nước thành ba bộ phận cơ bản như thế là thành quả mày mò nghiên cứu, mạo hiểm đấu tranh, thử nghiệm của các quốc gia thuộc thế giới tư bản từ nhiều thế kỉ, trong đó giai đoạn hoàn thiện chủ yếu là từ khoảng cuối thế kỉ 18 cho tới giữa thế kỉ 20. Các quốc gia đại diện cần được ghi nhớ bước tiến vĩ đại này là Anh, Pháp, Hoa Kì, Ý, Đức.

Mô hình tổ chức, phân chia quyền lực này có sự thừa nhận và thuyết phục tuyệt đối trên thế giới tới mức khi các đảng cộng sản độc tài cướp được quyền lực thì tất cả bọn chóp bu đều phải bắt chước theo và lập ra ba cơ quan quyền lực như thế. Tuy nhiên, bản chất và sự vận hành của các cơ quan này trong các chế độ cộng sản đều chỉ nhằm một mục đích che đậy bản chất hắc ám của chúng và đánh lừa dư luận như chúng ta đã cùng tìm hiểu và phân tích “cơ quan tư pháp” và cách tổ chức bầu cử “cơ quan lập pháp” của chế độ do Hồ dựng lên tại Việt Nam trong ba tuần vừa qua.

Theo tiếng Việt, cơ quan lập pháp thường được gọi là Quốc Hội. Từ “quốc hội” này là một từ Hán-Việt dịch từ hai chữ tiếng Anh (National Assembly) hoặc tiếng Pháp (Assemblée Nationale), “quốc” có nghĩa là quốc gia, thuộc về quốc gia, còn “hội” là cuộc họp, cuộc bàn thảo, nghị luận; nghĩa tổng hợp là cuộc họp, cuộc làm việc của các đại diện của toàn quốc, của dân tộc trong một thời điểm. Vậy kết luận lại, “quốc hội” là cơ quan bao gồm những người đại diện cho quốc gia để làm những công việc phụng sự cho toàn quốc gia, toàn xã hội, hoàn toàn không phải là cơ quan hay công cụ của một đảng phái chính trị hay cá nhân nào.

Thưa anh chị em và quí vị, sở dĩ chúng ta phải phân giải dài dòng như thế là để chúng ta cùng nhau ôn lại ý nghĩa gốc nguyên thủy rất quan trọng của từ “quốc hội” mà chế độ Hồ đã làm cho nó trở thành sai lạc, rẻ rúng mất hết ý nghĩa cao cả của từ “quốc hội”.

Về cấu trúc, quốc hội được chia thành hai loại: quốc hội đơn viện và quốc hội lưỡng viện.

Quốc hội đơn viện là cơ quan lập pháp chỉ có một viện – một cấu trúc duy nhất trong đó bao gồm các đại diện do dân bầu ra qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng và thường kì. Ví dụ cho quốc hội đơn viện là quốc hội của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan.

Quốc hội lưỡng viện là cơ quan lập pháp gồm hai bộ phận riêng biệt, thường được gọi là hạ viện và thượng viện. Cả hai viện này đều bao gồm các đại diện do dân bầu ra qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng và thường kì nhưng mỗi viện khác nhau về nhiệm kì, khác nhau về cách thức bầu cử và có các quyền lực riêng biệt. Điển hình cho quốc hội lưỡng viện là Hoa Kì, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bổn. Riêng Thượng Viện Anh có một số ngoại lệ.

Sự tồn tại cả hai mô hình quốc hội lưỡng viện và đơn viện là vì mỗi mô hình đều có các ưu điểm và bất tiện riêng. Tuy nhiên, mô hình lưỡng viện được cho là có nhiều ưu điểm nổi trội trong ngăn ngừa nhũng lạm quyền lực. Tùy hoàn cảnh, điều kiện xã hội, truyền thống lịch sử, quốc gia dân chủ sẽ chọn đơn hay lưỡng viện nhưng bắt buộc phải tôn trọng nguyên tắc bầu cử tự do, công bằng và thường kì.

Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Quốc Hội của Hoa Kì.

Quốc Hội Hoa Kì là quốc hội lưỡng viện, có điểm hết sức đặc biệt là nó tồn tại liên tục suốt từ năm 1789 cho tới nay, tức qua hơn 230 năm, dựa trên bản Hiến Pháp có hiệu lực liên tục từ năm 1789 cho tới nay.

Hạ Viện Hoa Kì hiện nay gồm 435 đại biểu được dân bầu ra từ các đơn vị bầu cử cấp quận tại các tiểu Bang. Mỗi tiểu Bang được bổ một số đại diện tỷ lệ theo theo số dân dựa trên các cuộc khảo sát dân số 10 năm một lần, nhưng ít nhất một tiểu Bang phải có một đại diện ở Hạ Viện.

Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các quyền lực và các đặc tính đặc biệt của Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kì.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.

25/04/2021

No comments:

Post a Comment