Monday, April 19, 2021

Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, tân Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đến từ công an, tuy y thiếu viễn kiến nhưng mưu mô lọc lừa và tận trung với Bắc Kinh thì ông ta có thừa.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Trần Khải Minh với tựa đề: “Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.

Trần Khải Minh

“Đa mưu” có lẽ là một căn tính nổi trội ở Phạm Minh Chính, người đã ngồi vào ghế Thủ tướng CHXHCN Việt Nam vào ngày 5/4, mặc dầu có một số ý kiến phản đối từ các bô lão trong Đảng.

Kể từ khi “sếp” trực tiếp của Chính là tướng công an Hoàng Ngọc Nhất bị phế truất năm 2002, quá trình tiến thân từ một anh thư ký Văn phòng để trở thành một Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ vỏn vẹn có 19 năm.

Chừng ấy thời gian lăn lộn trong chính trường Ba Đình – từ việc cóp nhặt tin tức hàng ngày để bẩm báo, cho đến khi đứng đầu chính phủ – là cả một sự lao tâm, khổ tứ nhiều khi vượt quá sức tưởng tượng. Nói tướng tình báo Phạm Minh Chính “đa mưu” là đánh giá cả quá trình ấy.

Dư luận trong và ngoài Việt Nam đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với Trung Quốc tốt bằng ông Chính. Đáng ngạc nhiên hơn, Phạm Minh Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải ủ mưu và được trợ lực rất lớn.

Các nhà viết sử tương lai sẽ kiểm chứng và nhận diện xem ai đã “chống lưng” cho Phạm Minh Chính? Là trong đảng hay từ ngoại bang? Thật sự đó là những câu hỏi mà vào thời điểm hiện nay khó có câu trả lời thỏa đáng. Tình hình thời sự nóng bỏng của Việt Nam giờ này chưa phải là lúc “trà dư tửu hậu” để bàn sâu câu chuyện theo hướng ấy.

Nếu hướng tới chiếc ghế TBT, tân Thủ tướng chắc chắn phải tính đến lá phiếu quan trọng nhất từ Bắc Kinh. Mà để giành được lá phiếu ấy, thì kế hoạch “Ba đặc khu” bị gián đoạn lâu nay cần được kích hoạt trở lại. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến sáng 28/3 quán triệt Nghị quyết Đại hội 13, ông Chính kêu gọi phải “có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”

Hẳn nhiên, ông Chính thừa thông minh để đẩy câu chuyện “Ba đặc khu” cho ông Phúc độc diễn, khi cũng tại Hội nghị trên, Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cần “tiếp tục nghiên cứu Luật đặc khu”. Trước đây, chính Phúc từng chỉ thị phải đối thoại, phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng, của các nhà cách mạng lão thành, của các tầng lớp tri thức trong và ngoài nước về Luật đặc khu.

Vấn đề “khai thác chung” với Trung Quốc trong những vùng EEZ của Việt Nam trên Biển Đông chắc chắn cũng nằm trong nghị trình ưu tiên của tân Thủ tướng. Những ai từng biết ông Chính khi còn làm Tổng Cục phó tình báo Bộ Công an, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng thì đều rõ quan điểm của Chính: Với Trung Quốc, ta chỉ có cách cùng bạn “khai thác chung” mới yên ổn.

“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) là phép thử tiếp theo để Trung Quốc thẩm định “vận mệnh tương quan” giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Phạm Minh Chính sẽ có một sứ mệnh “vinh quang” là hướng dẫn dư luận trong vấn đề tham gia BRI của Trung Quốc. Theo người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Luật ba đặc khu trước đây thất bại là do dân chưa hiểu (?!)

Được biết, Phạm Minh Chính vốn từng dính rất sâu với 3X (Nguyễn Tấn Dũng), từ Trung ương khoá 12. Hồi ở Quảng Ninh, suýt nữa ông Chính thuyết phục được cả “ngôi vua tập thể” lái Quảng Ninh theo mô hình Thẩm Quyến qua cái gọi là “Đặc khu kinh tế Vân Đồn”, nếu không vấp phải làn sóng phản đối từ dân chúng cả nước.

Phạm Minh Chính cũng bị tai tiếng là “đại ca”, vì từng cùng hội cùng thuyền với Nhàn “AIC”, Thái Minh “Ba Vàng”… nhưng chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng không hề đụng chạm gì đến các “sân sau” ấy của Chính.

Đúng như Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, từ Nghệ An tố cáo “đốt lò” chỉ là hành động loè dân, đánh bóng cá nhân, kiếm cớ để “nhốt quyền lực” vào cái lồng riêng của TBT. Trong bối cảnh ấy, ông Trọng đành chấp nhận để Phạm Minh Chính cùng Vương Đình Huệ vào “Bộ Tứ” nhằm cân bằng giữa các phe phái.

Với một số hiện tượng qua phân tích trên, có cơ sở để tin rằng, tham vọng của Phạm Minh Chính sẽ không dừng lại ở vai trò Thủ tướng Chính phủ. Việc ông Chính rồi đây sẽ leo tới tột đỉnh quyền lực của ĐCSVN là một khả năng thực tế. Và một khi ông Chính đạt được cao vọng ấy, mô hình phát triển của Việt Nam sẽ “trôi” về đâu? Nếu độc tài thông minh hết thời thì sẽ chọn độc tài kiểu gì?

Trên hướng ngược lại, nếu ông Trọng vẫn duy trì được thế “bao sân” như trước Đại hội thì liệu công cuộc “tái cấu trúc” quyền lực “Bộ Tứ” của ông Chính có vượt qua được cửa ải của TBT Nguyễn Phú Trọng hay không là việc cần tiếp tục theo dõi. Chưa nói Phạm Minh Chính cũng không thể coi thường nhánh lập pháp hiện nay do tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nắm.

Sự trỗi dậy của các tướng lĩnh do tân Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn dắt cũng là hiện tượng mới. Con đường binh nghiệp của tướng Giang có thể tạo ra tình thế cân bằng và đối trọng đáng nể hay không đối với các toan tính của tân Thủ tướng trong bang giao với Thiên triều là ẩn số lớn. Chắc chắn vai trò của quân đội rồi đây sẽ khác xa thời Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Cuối cùng, bài học lớn nhất đối với các nhà cầm quyền mọi thời đại là lòng dân. Con dân nước Việt hết sức nhậy cảm và quyết liệt bày tỏ sự phẫn nộ đối với mọi thế lực rắp tâm hy sinh quyền lợi quốc gia, phản bội lợi ích dân tộc./.

No comments:

Post a Comment