Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Những con số tuyên truyền, mị dân, lừa dư luận”của tác giả Minh Hải được đăng trên báo Saigon Nhỏ sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Minh Hải –Saigon Nhỏ.Hiện thực đang chứng minh những con số ấn tượng về công cuộc chống tham nhũng và phát triển kinh tế mà CSVN thông tin không phản ảnh đúng thực tế cuộc sống ảm đạm của người dân, từ lời nói ở hội trường và sự thật ngoài xã hội đối nghịch nhau.
Mấy ngày qua, báo chí trong nước đăng tải những thông tin gây chú ý dư luận, rằng hàng loạt quán xá tại TP.Sài Gòn, TP.Hà Nội đóng cửa, trả mặt bằng hoặc mặt bằng đã để trống từ lâu nhưng chưa có khách thuê.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán. Đây được xem là mùa sôi nổi tiệc tùng, nhộn nhịp mua sắm bậc nhất trong năm. Vậy mà…
Tại Sài Gòn, một số quán xá như quán cà phê, nhà hàng nằm ở đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) và đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) – được gọi là “phố ẩm thực” Sài Gòn bất ngờ đóng cửa.
Tương tự tại Hà Nội, hàng loạt mặt bằng ở các tuyến phố buôn bán sầm uất như: Hàng Ngang-Hàng Đào, Kim Mã, Bà Triệu, Thái Hà, Nguyễn Thái Học… đã nằm trong tình trạng khách thuê trả hàng loạt, nhiều chủ ngóng đợi khách đến thuê trong nhiều tháng liền nhưng chưa được.
Vào Tháng Bảy năm 2024, tôi có mặt tại Sài Gòn để ghi nhận thực tế, hàng loạt căn nhà, mặt bằng, ki ốt… nằm trên các tuyến đường 3 tháng 2 (Quận 10), Trường Chinh, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Quận Tân Bình), Tân Kỳ-Tân Quý (Quận Bình Tân)… treo biển cho thuê. Khi tôi đặt câu hỏi, một số chủ mặt bằng cho biết, kể từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt là từ giữa năm 2022 đến bây giờ, kinh tế đi xuống, việc kinh doanh thua lỗ nên nhiều chủ thuê trả mặt bằng, chuyển nơi làm ăn hoặc chuyển sang làm ăn nhỏ để cắt lỗ, giảm tất cả chi phí bao gồm chi phí thuê mặt bằng và một số khác thì có tâm lý không dám mạnh mẽ bỏ vốn mở rộng đầu tư kinh doanh.
Hoặc tại các chợ truyền thống như: Phạm Văn Hai, Võ Thành Trang, Bình Tây, Bến Thành,… các tiểu thương than thở, “kêu cứu,” vì lượng khách đến chợ mua sắm vắng hơn một nửa so với mọi năm, hoạt động buôn bán hết sức ế ẩm. Họ nói, ngoài yếu tố kinh tế đi xuống, hiện nay xu thế mua sắm online đang rất được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên do chính yếu, bởi ghi nhận từ thực tế, các tiểu thương ngoài hoạt động buôn bán trực tiếp như lâu nay, hiện cũng bắt nhịp theo xu thế tham gia buôn bán trên các app online. Như vậy, nguyên do chính ở đây là người dân cạn tiền, hạn chế chi tiêu.
Vào phân nửa cuối Tháng Mười vừa qua, cơ quan chức năng TP.Sài Gòn cho biết, số lượng các cửa hàng trên địa bàn thành phố này bị giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Còn theo số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
Từ Tháng Bảy 2024, mức lương tối thiểu theo các vùng tăng bình quân từ 200,000 đồng đến 280,000 đồng. Lương tăng không đáng kể, nhưng giá cả các mặt hàng cũng tăng theo, thậm chí một số mặt hàng giá còn tăng hơn gấp mấy lần lương. Trong khi đó, nhà nước còn gia tăng thu thuế. Tăng thuế trong thời điểm khó khăn, chẳng khác gì đẩy người dân và doanh nghiệp gần hơn với đường cùng.
Trong khi đó, tại hội nghị của Đảng bộ TP.Sài Gòn diễn ra hôm 4 tháng Mười Hai, Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 7.5 đến 8%, thì hiện nay đã đạt được 7.17%; thu ngân sách cả năm hơn 502,000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2023.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài Chính Việt Nam vào hồi Tháng Mười Một, tổng thu ngân sách mười tháng của năm 2024, số thu nội địa ước đạt gần 1,400,000 tỉ đồng, đạt gần 96 % dự toán, tăng khoảg 19 % so với cùng kỳ năm 2023. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam đạt mức tăng 6.42% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu thống kê này, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam tính đến Tháng Mười Một đạt $368.53 tỷ, tăng 15.7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt $190.1 tỷ, tăng 14.5%.
Cái gì cũng tăng, và cả số đảng viên bị kỷ luật cũng nhiều hơn bao giờ hết. Trong năm 2024 có tới 410 tổ chức Đảng và 17,562 đảng viên bị kỷ luật. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến Tháng Tám 2024 đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung Ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung Ương Đảng, 24 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
CSVN luôn đưa ra nhiều giải thích dẫn đến những khó khăn của mọi tầng lớp người dân từ mấy năm qua như: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những biến động chính trị trên thế giới đặc biệt là chiến tranh Ucraina-Nga, xung đột Trung Đông, lạm phát… kinh tế thế giới suy giảm, hầu hết người dân và chính phủ các nước phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2023 cho đến hiện tại chuẩn bị bước sang năm 2025, kinh tế thế giới căn bản là đang dần dần phục hồi, ổn định thì kinh tế Việt Nam vẫn chưa cho thấy có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp kinh doanh-sản xuất tại Việt Nam vẫn đang chật vật trước những khó khăn, thách thức về thể chế, loay hoay với kế hoạch tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rời bỏ Việt Nam hoặc không coi Việt Nam là nơi “đất lành chim đậu,” “chọn mặt gửi vàng,” bởi những thay đổi bất thường, liên tục từ dàn lãnh đạo từ cấp thấp cho đến cấp cao, từ cấp địa phương cấp cao là Trung ương đảng cs VN.
Cuộc sống của đa số người dân Việt Nam vẫn tiếp nối khó khăn, thậm chí năm sau khó khăn hơn năm trước bởi một phần do công cuộc phòng-chống tham nhũng do cs VN đang tập trung thực hiện. Dẫu biết đây là một trong những yếu tố then chốt, sống còn mà đảng, nhà nước và chính phủ cs VN xác nhận để khơi thông mạch phát triển kinh tế-xã hội lại đang có biểu hiện phản ứng ngược, không ít cán bộ-công chức có chức có quyền sợ làm việc, né tránh trách nhiệm dễ dẫn đến nhiều quyết sách phát triển kinh tế-xã hội bị trì hoãn hoặc không dám mạnh dạn đem ra để thực hiện, bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc trừng phạt các đảng viên sai phạm bị giới quan sát nhận định là mang dáng dấp đấu đá nội bộ, phe nhóm lợi ích tranh giành quyền lực chính trị hơn là vì mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội. Tâm lý người dân hoang mang, lo lắng, bất ổn và suy giảm niềm tin vào nhà cầm quyền.
Người dân Việt có căn cứ để hoài nghi về những con số báo cáo từ các cơ quan chức năng, từ nghị trường của đảng, là những báo cáo láo, báo cáo không kiểm chứng. Hiện thực chứng minh đó chỉ là những con số tuyên truyền, mị dân, lừa dư luận.
No comments:
Post a Comment