Friday, January 3, 2025

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước chỉ là cơ hội cho thành phần chóp bu củng cố quyền lực

Quan Điểm

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước là xu hướng tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà còn là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Đây là bước đi chiến lược, vừa nâng cao hiệu quả quản lý chính phủ, vừa tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai. Tuy nhiên đã có rất nhiều ý kiến phê bình và quan điểm trái chiều về sự kiện này.

Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước chỉ là cơ hội cho thành phần chóp bu củng cố quyền lực qua giọng đọc của Hải Nguyên để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả

Chiều 30/12 vừa quaThủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo của Nhà nước VN  đã chủ trì cuộc họp với Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An về việc rà soát, sắp xếp tổ chức của 2 bộ này, và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XII ngày 25/10/2017, ông ta nói: "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Cần nhắc lại, Nghị quyết 18 cho rằng: (xin trích) Việt Nam đang bước vào không chỉ đòi hỏi những chính sách đột phá, mà còn cần một hệ thống hành chánh đủ mạnh để hiện thực hóa các chính sách đó. Trọng tâm của cải cách bộ máy nhà nước là xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại, tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi: Hiệu năng, hiệu lực, và hiệu quả.

-Hiệu năng đề cập đến khả năng vận hành linh hoạt và nhanh chóng của bộ máy.

-Hiệu lực nhấn mạnh tính pháp lý, quyền lực và sự minh bạch trong các quyết định hành chính.

-Hiệu quả là kết quả cụ thể mà các chính sách và chương trình mang lại cho xã hội.

Ba yếu tố này gắn kết chặt chẽ, tạo nên một cơ chế hoạt động đồng bộ, thống nhất và tối ưu hóa mọi nguồn lực quốc gia.

Cải cách bộ máy nhà nước không đơn thuần là việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, mà là một quá trình tái thiết toàn diện, nhằm tạo đột phá trong hoạt động của các cơ quan hành chánh nhà nước, thể hiện sức sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển về lý luận, tư tưởng, thúc đẩy sự đổi mới về quan điểm điều hành, phương thức điều hành giúp bộ máy nhà nước có thêm sức sống mới, hoàn toàn phù hợp tình hình phát triển của đất nước, mở ra nhiều con đường để hiện đại hóa, tiến lên, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Cải cách bộ máy nhà nước với khát vọng vươn mình và phát triển bền vững, đi theo vận mệnh thời đại, quyết đoán đưa ra quyết sách quan trọng. Nắm chắc mục tiêu chung của cuộc cách mạng tinh gọn, chính là mấu chốt trong việc quán triệt thực hiện hàng loạt các biện pháp tinh gọn gắn liền với mục tiêu xây dựng một quốc gia phát triển, hiện đại và hội nhập sâu rộng. (hết trích)

Tinh gọn bộ máy nhà nước theo Nghị quyết 18 là một chủ trương chỉ đúng trên mặt lý thuyết, còn việc thực thi cần phải minh bạch, nếu không nó sẽ trở thành một cuộc cải cách nửa vời, không thể giải quyết các vấn đề gốc rễ.

Một số ý kiến cho rằng việc này chỉ mang tính hình thức hoặc phong trào, dễ gây ra vấn đề chồng chéo trách nhiệm khi đổi tên, giữ người, tức giảm đầu mối, nhưng biên chế không giảm hoặc phình to hơn, nên nhiều chuyên gia cảnh báo:

-Nếu không kiểm soát được thì việc sáp nhập và tái phối trí cơ cấu sẽ làm giảm hiệu quả, vì mất tính chuyên môn.

-Việc cắt giảm nhân sự sẽ khiến nhiều cán bộ và công chức phải lo lắng vì có thể mất việc làm, mất quyền lực và quyền lợi. Điều này sẽ gây áp lực xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế VN còn nhiều khó khăn.

-Một số nơi thực hiện cho “qua quận”, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng cắt giảm nửa vời cho có hình thức.

-Hơn thế nữa, các cơ quan nhà nước Việt Nam hiện bị phê phán là quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm nên khó đạt được mục tiêu đề ra.

Thực tế cho thấy, nhà cầm quyền CSVN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến suy giảm hiệu quả quản trị nhà nước, làm lãng phí nguồn lực. Sự chồng chéo và cồng kềnh của bộ máy nhà nước khiến cho việc tinh gọn khó khai triển để đạt hiệu quả trong việc thực hiện.

Nghị quyết số 18 cho thấy, tổ chức hệ thống chính trị ở VN vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, hiệu lực hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, mối liên hệ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý. Và việc kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp, cũng như cải cách hành chánh chuyển biến chậm.

Tóm lại, việc tinh gọn để giảm bớt các thủ tục hành chánh không cần thiết là đúng, nhưng việc tái cấu trúc cơ cấu nhà nước là việc làm bất khả thi, và đây chính là cơ hội để thành phần đầu sỏ trung ương đảng CSVN củng cố quyền lực mà thôi!

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment