Kính thưa quý thính giả, Một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ, nhưng đời tư có nhiều bất hạnh, bà để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Bà được xem là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam và cũng là một trong những nhà thơ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học. Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.
Đó là 8 câu trong bài thơ Đánh Đu của bà Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 tại làng Quỳnh Đôi, thân phụ là ông Hồ Phi Diễn. Bà xuất thân trong một gia đình suy tàn, hoàn cảnh cuộc sống giúp bà có điều kiện sống gần gũi với những người lao động nghèo và nhiều phụ nữ bị áp bức trong xã hội.
Thuở nhỏ, bà là một phụ nữ thông minh, có học thức, nhờ giao du rộng rãi nên kết được nhiều văn nhân. Giới thơ văn cho rằng, bà là một nữ sĩ nổi tiếng qua những bài thơ chữ Nôm, với cách tả cảnh, tả tình với cách dùng từ ngữ nên thơ của bà sống động và đặc sắc. Nhà thơ Xuân Diệu đánh giá thơ của bà là “đỉnh cao của nguồn thơ bình dân”.
Bà có khoảng 50 bài thơ chữ Nôm, viết theo thể Ðường luật, được thu thập thành Xuân Hương thi tập, được xem là tập thơ xuất sắc trên văn đàn Việt Nam.
Ngoài tập thơ này, bà còn có tập thơ Lưu Hương ký mang bút danh của bà, gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với nghệ thuật điêu luyện, bà viết về tình yêu gia đình, đất nước và những mối tình ngang trái của bà.
Có thế nói “Sự nghiệp của bà là ngọn hải đăng” như lời đề tựa thứ hai của tuyển tập Hồ Xuân Hương bằng tiếng Pháp.
Bà còn lập ra Cổ Nguyệt Đường bên cạnh Hồ Tây, thu hút nhiều văn nhân lui tới như Chiêu Hổ, Trần Hầu, Tốn Phong Thị, Phạm Quí Thích, Nguyễn Huy Tự, Mai Sơn Phủ, Cư Đình, Trần Quang Tĩnh, Trần Phúc Hiển… và có cả thi hào Nguyễn Du.
Tác phẩm của bà gồm nhiều bài thơ chữ Nôm thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt rất đặc sắc, ngoài ra còn có một vài bài viết bằng chữ Hán.
Ông Cự Đình khi giới thiệu bà với ông Tốn Phong Thị viết: “Hồ Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng ít chữ mà đầy đủ, từ mới lạ nhưng đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thật là bậc tài nữ”.
Tốn Phong Thị cũng bình thơ của bà như sau: “Tuy đầy vẻ gió trăng mây mưa, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại đều đúng với cái ý nghĩa: xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ nghĩa”.
Trong bối cảnh chế độ phong kiến đang dần đi đến hồi kết, và cũng là lúc văn học Việt Nam chuyển sang giai đoạn mà chủ nghĩa nhân đạo xuất hiện trong thơ ca, bà nhận thức được số phận người phụ nữ đương thời bị chà đạp bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “tam tòng tứ đức“ của chế độ phong kiến. Do vậy, một trong những đề tài chính trong thơ của bà là phụ nữ, khiến cho bà trở thành một hiện tượng đặc biệt trong làng văn học thời bấy giờ.
Hơn thế nữa, bà viết các đề tài về chuyện chăn gối của nam nữ, đả kích chế độ đương thời và phê phán những thói hư tật xấu của những kẻ đạo đức giả, gồm cả giới tăng lữ và thầy đồ.
Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố 5 bài thơ chữ Hán của bà trên báo Văn Nghệ viết về vịnh Hạ Long. Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch và đặt tên cho 5 bài thơ này là Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thủy vân hương và công bố trong bài Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, đăng trên tập san Khoa Học Xã Hội tại Paris vào năm1984.
Bà mất năm 1822 tại Thăng Long. Hấu hết các thành phố ở Việt Nam đều có đường phố mang tên Hồ Xuân Hương.
* * *
Bất cứ ai trải qua dưới mái trường của thời Việt Nam Cộng Hòa đều biết đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương và đều thuộc một số bài thơ rất dí dỏm của bà. Chẳng hạn như bài vịnh Quả Mít gồm 4 câu như sau:
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó xù xì, múi nó dày.
Quân tử có thương thì cắm cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Khác với Hồng Hà nữ sĩ – Đoàn Thị Điểm, văn phong của Hồ Xuân Hương không mang tính trang nghiêm, vì thế dễ được giới bình dân đón nhận. Hơn thế nữa, nhờ xử dụng từ ngữ mang tính châm chọc và chế giễu nên càng được nhiều người ưa thích.
Chính vì thế, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có một chỗ đứng riêng cho mình trên văn đàn VN. Đáng tiếc là nữ sĩ tài hoa này đã ra đi từ hai thế kỷ trước, nếu không thì với bối cảnh xã hội VN đang băng hoại về đạo đức hiện nay, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có lẽ đã có thêm hàng trăm bài thơ viết về thời đại cộng sản mà dân gian đang mỉa mai là “thời đồ đểu” hoặc là “thời đồ giả”!
No comments:
Post a Comment