Thursday, May 27, 2021

Xã Hội Chủ Nghĩa Cần Độc Tài Hay Phải Dân Chủ

Bình Luận

Đã đến lúc hàng ngũ CSVN mọi cấp rời bỏ đảng và quay về với dân tộc như trùm CSLX Trotsky đã rời bỏ Đệ Tam Quốc Tế cộng sản trước đây.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hoàng Minh Phú với tựa đề: “Xã Hội Chủ Nghĩa Cần Độc Tài Hay Phải Dân Chủ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Hoàng Minh Phú

Khi nói đến độc tài hay dân chủ, hầu hết những người có kiến thức chính trị, kể cả những người lãnh đạo Cộng Sản cuồng tín hiện nay tại Việt Nam, không thể nào không nhắc đến Trotsky. Ông là người Cộng Sản thuộc phe Đệ Tứ Quốc Tế.

 

Trotsky là một tư tưởng gia Cộng Sản, cùng thời với Lenin và Stalin. Nhưng sau khi Lenin qua đời vào năm 1924, Stalin đã dành được vị trí lãnh đạo tại Nga. Thay vì tập trung xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, ông chủ trương tôn sùng lãnh tụ và cai trị nước Nga một cách cực đoan, khiến đảng Cộng Sản Nga trở nên độc tài, sắc máu hơn, trái nghịch với chủ trương ôn hòa của Trotsky. Vì thế trong những năm lưu vong cuối đời, Trotsky đã rời bỏ Đệ Tam Quốc Tế, để thành lập ra Đệ Tứ Quốc Tế.

 

Trotsky đã bị phe nhóm Stalin theo dõi trù dập, ông phải chạy sang Nam Mỹ sống lưu vong, nhưng rồi vẫn bị mật vụ của Stalin, tìm đến nơi để ám sát và ông đã chết vào năm 1940 tại Mexico.

 

Trotsky là một tư tưởng gia Cộng Sản có uy tín và cấp tiến, ông chống lại độc tài Cộng Sản và đề ra câu châm ngôn: “Không thể có Xã Hội Chủ Nghĩa, nếu không có Dân Chủ” và chủ trương một cuộc cách mạng liên tục, đến khi xã hội có Dân Chủ.

 

Thật vậy, kể từ ngày có nhân loại trên thế gian này, con người bắt đầu sinh sống tập thể, lập ra bộ lạc, làng xóm. Sau đó không lâu, là lúc con người khởi đầu cuộc cách mạng, có tính cách liên tục, với nhiều hình thức, khi sắt máu, khi ôn hòa, khi thất bại, khi thành công. Từ những cá nhân tài ba, từ những tộc trưởng, tù trưởng, hay các thủ lãnh minh quân, có khi từ những nhà tư tưởng, nhà triết gia, nhà khoa học hay những nhà chính trị lỗi lạc.

 

Liên tục trong những thế kỷ trước và mãi đến hôm nay, thế giới đã xảy ra nhiều cuộc cách mạng và đạt được những thành quả đáng kể:

 

Như cách mạng nông nghiệp, chúng ta đã có máy cày, máy gặt, sản xuất ra nông phẩm thay sức người.

 

Cách mạng nhân chủng học, khám phá ra sự huyền diệu của đời sống con người, từ cơ thể đến tâm linh và sự sống của muôn loài trong vũ trụ.

 

Cách mạng công nghệ, sản xuất ra xe điện, tàu thủy, máy bay, giúp cho sự vận chuyển được nhanh chóng khắp năm châu, sản xuất ra vũ khí để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, gìn giữ hòa bình, v.v…

 

Cách mạng khoa học, giúp cho con người có thể liên lạc, giao thiệp với nhau, một cách dễ dàng và trao đổi những kiến thức, những hiểu biết trên toàn cầu, cũng như giúp khám phá ra sự sống của nhân loại, sự đa dạng tuyệt vời của vũ trụ.

 

Và gần đây thế giới đang tiến hành một cuộc cách mạng môi trường, giúp cho đời sống con người bớt thảm họa, tai ương từ thiên nhiên.

 

Những cuộc cách mạng kể trên, chỉ nhằm phong phú hóa đời sống con người, đồng thời hỗ trợ cho cuộc cách mạng xã hội.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng xã hội, quan trọng và cần thiết nhất, chưa được xảy ra một cách toàn diện và triệt để. Vì thế giới vẫn còn những nhà lãnh đạo độc tài, tham quyền, ham danh lợi. Do đó xã hội vẫn chưa có dân chủ, đời sống nhân loại vẫn chưa hoàn toàn có được tự do. Cho nên cuộc cách mạng xã hội vẫn phải luôn tiếp diễn mỗi ngày và cần thúc đẫy để nó đi đến thành công. Cuộc cách mạng xã hội này, chính là cuộc cách mạng dân chủ, như chủ trương của Trotsky.

 

Hiện nay thế giới vẫn còn một số ít quốc gia độc tài, dưới nhiều hình thức, nhưng đáng quan tâm nhất là  độc tài Cộng Sản. Trong đó có độc tài Cộng Sản tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của một số người Cộng Sản cuồng chủ nghĩa, khởi điểm là Hồ chí Minh, Lê Duẫn và hiện nay là Nguyễn Phú Trọng. Họ tin tưởng một cách mê mụôi và ngông cuồng vào lý thuyết Cộng Sản. Họ cho rằng thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ thành hiện thực. Nhưng đã 91 năm, từ khi Hồ, mang chủ thuyết Cộng Sản về Việt Nam cho đến nay, thực tế hoàn toàn trái ngược.

 

Thế nên, gần đây chính Nguyễn Phú Trọng, một người cuồng cộng đã tuyên bố: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Xã Hội Chủ Nghĩa hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Khi người đứng đầu đất nước, đang lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, đã tuyên bố như vậy, có nghĩa là ông công nhận sự thất bại của chủ trương đấu tranh giai cấp và chính sách xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa tại Việt Nam. Vô hình trung, cũng công nhận sự thất bại của các đảng Cộng Sản khác trên thế giới.

 

Khi người Cộng Sản nhìn nhận sự thất bại của Cộng Sản quốc tế và hệ thống chính trị Mác- Lê, là lúc chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam sắp sụp đổ, giống như Liên Xô trước đây. Lý do của sự thất bại này, là những người Công Sản đã đặt niềm tin vào chủ thuyết Mác-Lê với những điều kiện hoang tưởng.

 

Hiện nay phong trào Đệ Tứ Quốc tế, hình như không còn hiện hữu, tuy nhiên, ý tưởng từ bỏ độc tài Cộng Sản của Trotsky với câu châm ngôn trên, vẫn còn tồn tại.

 

Là những người Việt Nam, dù ở trong nước hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đều nhận thấy cuộc cách mạng thống nhất đất nước đã hoàn tất, nhưng cuộc cách mạng Dân Chủ Tự Do thống nhất lòng dân vẫn chưa thực hiện được.

Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam hiện nay không cần một thể chế độc tài, họ cần một chế độ dân chủ và mong muốn dân tộc phải có dân chủ và tự do./.

No comments:

Post a Comment