Kính thưa quý thính giả, một người đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp, là một cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo pháp dù đang ở địa vị cao trong quan trường. Cụ là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật Học cư sĩ mãi đến ngày nay vẫn còn duy trì. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Cư Sĩ Mai Thọ Truyền” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Cụ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01/4/1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ Cụ học tại trường Sơ học Pháp – Việt tại Bến Tre, sau đó là trường Trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat Saigon.
Năm 1924, Cụ thi đậu ngạch Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên và Chợ Lớn.
Năm 1931, Cụ thi đậu ngạch Tri huyện và ra làm việc tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc.
Năm 1945, sau đảo chính Nhật, Cụ đang làm Quận trưởng quận Cầu Ngang, được mời giữ chức Phó Tỉnh trưởng Trà Vinh. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim cử Cụ làm Quận trưởng Thốt Nốt (Long Xuyên).
Chính phủ Nguyễn Văn Thinh mời Cụ làm Phó tỉnh trưởng Sa Đéc. Trước cảnh quân đội Pháp bố ráp sát hại dân lành, Cụ can thiệp không được, nên xin từ chức. Chính phủ không đồng ý, Cụ liền cáo bệnh.
Giữa năm 1947, Cụ được mời về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ: Chánh văn phòng Phủ Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân, Chánh văn phòng Bộ Kinh Tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại Giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Nguyễn Phan Long, Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam và Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955, Cụ đổi qua ngạch Thanh tra Hành chánh và Tài chánh, đến năm 1960 Cụ về hưu.
Sau ngày 01/11/1963, Cụ tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ cách mạng.
Năm 1967, Cụ ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968, Cụ giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, sau đó làm Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến khi qua đời.
Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Cụ xây dựng Thư viện Quốc gia, thành lập Văn khố Quốc gia và Nhà văn hóa. Cụ đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế Văn tự, lập Ủy ban Dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.
Trong những năm làm việc ở miền Tây, Cụ để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo và các triết lý tôn giáo khác. Đến đâu Cụ cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp Cụ thỏa nguyện.
Đến khi làm việc ở Sa Đéc, Cụ đến tham vấn Hòa thượng Thích Hành Trụ, giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây Cụ thực sự quy ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên xin làm đệ tử. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho Cụ là Chánh Trí. Từ đó, Cụ dốc lòng đem hết khả năng và trình độ học thức ra hộ trì chánh pháp. Là một Phật tử thuần thành, Cụ ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy Ngũ giới và đóng góp nhiều công sức trong phong trào chấn hưng Phật giáo.
Năm 1950 tại Sài Gòn, Cụ vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu Hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Chính Cụ là người vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa Xá Lợi và lấy nơi này làm trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt.
Cụ được cử làm Tổng thư ký của Hội khi mới thành lập và làm Hội trưởng từ năm 1955 cho đến ngày Cụ qua đời.
Cụ tham gia soạn thảo và thuyết giảng một số đề mục cho học viên tại chùa Xá Lợi và Cụ còn mời các vị cao Tăng, Đại đức trong và ngoài nước đến giảng đạo.
Bên cạnh đó, Cụ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Từ Quang của Hội Phật Học Nam Việt. Tạp chí này xuất bản suốt 24 năm liên tục, từ năm 1951 đến năm 1975. Cụ cùng Hội Phật Học Nam Việt lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật Học, góp công lớn lao trong việc phổ biến giáo lý Phật Giáo tại miền Nam VN.
Ngoài ra, Cụ còn xây dựng Thư viện Quốc gia, lưu trữ một số lượng sách báo đồ sộ bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp – Anh mà ngày nay, mỗi ngày có đến hàng trăm nhà nghiên cứu, sinh viên các trường đại học, khách nước ngoài đến đây nghiên cứu và tham khảo.
Hơn thế nữa, để thức tỉnh lớp thanh niên đang mất dần chí hướng, Cụ mời các nhà văn hóa, các giáo sư thuyết trình các đề tài liên quan đến nét đẹp của nền văn hóa Việt, đặc biệt là về những thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập cho nước nhà.
Cụ được xem là một vị quan liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên và không hà hiếp dân chúng, nên được người dân miền Nam thương mến. Qua những đóng góp trong quan trường và đạo pháp, cuộc đời của Cụ Mai Thọ Truyền là điểm son, là niềm hãnh diện và tự hào của người dân miền Nam VN mỗi khi nhắc đến tên Cụ.
No comments:
Post a Comment