Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi tin một luật sư tại Hà Nội tuyên bố bỏ nghề. Lý do tại sao lại bỏ nghề sẽ được Vân Khanh tóm lượt để mở đầu phần Tin Tức hôm nay …
HÀ NỘI: MỘT LUẬT SƯ TUYÊN BỐ BỎ NGHỀ VÌ “MẤT NIỀM TIN VÀO NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM”
“Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay, 27/5/2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”, tuyên bố trên được luật sư Lê Văn Hoà chia sẻ trên trang fb cá nhân của ông.
Luật sư Lê Văn Hoà, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội và từng giữ chức Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương. Vài năm trở lại đây, ông được công luận nhắc đến vì tham gia bào chữa cho nhiều vụ án oan và một số vụ án nhạy cảm, mang màu sắc chính trị. Luật sư Lê Văn Hoà là một trong các luật sư tham gia phiên toà vụ án Đồng Tâm và được đồng nghiệp cũng như công luận đánh giá là “mạnh mẽ”.
Ngay sau tuyên bố trên của luật sư Lê Văn Hoà, nhiều người đã tỏ ra tiếc nuối với quyết định trên của ông. Họ cho rằng vì xã hội bất công, nên rất cần những luật sư như ông để bênh vực kẻ yếu thế. Số khác lại ủng hộ quyết định này của luật sư Lê Văn Hoà.
Phát hiện 36 người lây nhiễm, nhà cầm quyền thành Hồ kêu gọi người dân không nên ra đường. Bá Cơ có thêm thông tin như sau …
NHÀ CẦM QUYỀN SÀI GÒN KÊU GỌI NGƯỜI DÂN KHÔNG NÊN RA ĐƯỜNG
Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn vừa ra thông báo khẩn cấp, nội dung kêu gọi người dân không nên ra đường, trừ các trường hợp đặc biệt. Toàn bộ các sinh hoạt tôn giáo cũng bị nghiêm cấm.
Thông báo được đưa ra vào chiều tối thứ Năm 27/5 sau khi ghi nhận 36 người nhiễm ở 16 quận huyện, xuất phát từ ổ dịch tại nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Tỉnh Long An cũng ghi nhận trường hợp nhiễm đầu tiên kể từ khi đợt dịch thứ 4 nổ ra vào ngày 27/4.
Điều đáng chú ý là các chuỗi lây nhiễm ở Sài Gòn trong 10 ngày qua được phát giác khi người dân bị ho sốt nên đến bệnh viện để khám sức khỏe. Điều này cho thấy là mầm bệnh đã lan rộng ở Sài Gòn, nếu không đi xét nghiệm thì khong phát giác là nhiễm bệnh.
Vào hôm qua, VN cũng ghi nhận 230 người nhiễm trong một ngày, với ổ dịch Bắc Giang chiếm 138, ổ dịch Bắc Ninh 53, nâng tổng số nhiễm lên đến 3200 người chỉ trong vòng một tháng, với 11 người tử vong. Người tử vong mới nhất là một cụ ông 81 tuổi ở Bắc Ninh, từng bị trọng thương trong một vụ tai nạn giao thông vào 4 năm trước.
Với dân số hơn 90 triệu, Việt Nam chỉ mới chích ngừa được khoảng hơn 1 triệu người. Vân Khanh có thêm thông tin như sau…
VN MỞ CHIẾN DỊCH CHÍCH NGỪA CHO GIỚI CÔNG NHÂN
Trước làn sóng nhiễm dịch trong các khu công nghiệp, bộ y tế VN đã phối hợp với nhà cầm quyền hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mở cuộc chích ngừa quy mô cho giới công nhân hai tỉnh này.
Cần biết là kể từ khi bắt đầu kế hoạch chích ngừa vào ngày 8/3, chỉ có khoảng 1 triệu 200 ngàn người Việt được chích ngừa, đa số là các nhân viên y tế, công an và quan chức.
Vào hôm qua, thứ Năm 27/5, tại Bắc Ninh có 100 công nhân được chích ngừa trong tổng số 90 ngàn người làm việc tại các khu công nghiệp. Tại tỉnh Bắc Giang, đến chiều tối hôm qua cũng đã chích ngừa cho 300 người trong tổng số 150 ngàn công nhân của tỉnh này.
Ngoài việc chích ngừa cho công nhân, nhà cầm quyền Bắc Giang và Bắc Ninh cũng yêu cầu các công ty sắp xếp chỗ ở cho công nhân tại cơ xưởng để không gián đoạn sản xuất.
Hơn 12 ngàn cây, được trồng xen lẫn với các loại cây khác trong vườn rẫy bị tịch thu, biến tỉnh Đắk Lắk thành thủ phủ trồng cần sa. Bá Cơ lượt thuật bản tin như sau …
TỈNH ĐẮC LẮC ĐANG TRỞ THÀNH THỦ PHỦ TRỒNG CẦN SA
Nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắc vào hôm qua ra lệnh cho các cơ quan hữu trách phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chận tình trạng trồng cây cần sa bất hợp pháp ở tỉnh này.
Cần biết là trong vòng hai năm qua, làn sóng trồng cần sa đã tăng vọt tại tỉnh này. Tính từ đầu năm ngoái đến nay, giới chức Đắc Lắc đã phát giác 40 vụ trồng cần sa rất quy mô, gấp 4 lần so với các năm trước đó. Số lượng cần sa tịch thu được là hơn 12 ngàn cây, được trồng xen lẫn với các loại cây khác trong vườn rẫy.
Giới chức Đắc Lắc cho biết là mỗi khi bị phát giác, các chủ nhân đều lấy lý do là trồng cần sa để nuôi heo gà. Tuy nhiên tại một số nơi có lượng trồng trọt rất lớn, rất chuyên nghiệp bằng hình thức thủy canh, có hệ thống thông hơi và chiếu sáng.
Một loại vi khuẩn mang đến từ ruồi muỗi và sau đó lây lan trong các đàn gia súc gây ra bệnh viêm da nổi cục khiến nhiều ngàn trâu bò bị thiêu hủy. Vân Khanh có thêm thông tin như sau …
HƠN 10 NGÀN TRÂU BÒ BỊ THIÊU HỦY VÌ DỊCH VIÊM DA NỔI CỤC
Tính từ tháng 10 năm ngoái, giới chức VN đã thiêu hủy hơn 10 ngàn con trâu bò vì nhiễm dịch viêm da nổi cục.
Giới truyền thông lề đảng cho biết đây là một loại bệnh kỳ lạ, xuất hiện tại VN từ tháng 10 năm ngoái và có tốc độ lây lan rất nhanh. Tính đến đầu tuần này, cả nước ghi nhận hơn 2300 ổ dịch ở 32 tỉnh thành, với hơn 60 ngàn gia súc bị nhiễm dịch, và phải thiêu hủy hơn 10 ngàn con để chận đà lây lan. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 30 tỉnh thành đã tiến hành chích ngừa cho các đàn trâu bò, với khoảng 1 triệu liều, nhưng không rõ mức độ hiệu quả là bao nhiêu.
Theo giải thích của giới thú y, bệnh viêm da nổi cục (tiếng Anh gọi là Lumpy Skin Disease) là do một loại vi khuẩn mang đến từ ruồi muỗi và sau đó lây lan trong các đàn gia súc.
Nguy cơ vỡ bờ và ngập lụt trên toàn Hoa Lục trong vài tháng tới là điều mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tìm cách đối phó. Bá Cơ kết thúc phần Tin Tức hôm nay với nội dung bản tin như sau …
HOA LỤC LẠI TRỰC DIỆN VỚI MỘT CƠN LŨ LỤT LỚN
Hơn 70 con sông lớn ở Hoa Lục đã vượt mức báo động khiến bạo quyền Bắc Kinh khẩn cấp huy động nhân vật lực để đối phó với trận lũ lụt lớn trong vài ngày tới.
Theo tường thuật của giới truyền thông Trung Cộng, các cơn mưa lớn kéo dài ở miền trung và miền nam Hoa Lục đã đạt mức kỷ lục về vũ lượng trong hai tuần qua. Mực nước trên sông Dương Tử và các nhánh sông dự trù sẽ tiếp tục dâng cao trong tuần tới, dẫn đến nguy cơ vỡ bờ và ngập lụt trên toàn quốc trong vài tháng tới.
Cần nhắc lại, vào mùa hè năm ngoái, một trận lũ lụt lịch sử cũng diễn ra ở Hoa Lục, với đập chứa khổng lồ Tam Hiệp cũng lên đến mức nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đập.
No comments:
Post a Comment