Sunday, July 19, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 19.7.2015 
Hoàng Ân: Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội tại VN đang xôn xao bàn tán với những hình ảnh cho thấy hàng trăm chiến xa và trọng pháo đang được cầm quyền Hà Nội vận chuyển vào miền Nam trên những chuyến tàu lửa dài dằng dặc. Xin anh nhắc lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Một đoạn phim trên facebook cho thấy số vũ khí được phủ bạt này đang di chuyển qua đèo Hải Vân, hướng về phía Đà Nẵng. Theo các nguồn tin cho biết là cuộc vận chuyển quân giới này được tiến hành gấp rút từ hôm thứ Hai 13/7. Một đoạn phim quay được ở Sài Gòn cũng cho thấy một số thiết vận xa M113 và trọng pháo đang di chuyển từ Gò Vấp về hướng bộ tư lệnh quân khu 7.
Theo nhận định của nhiều người thì việc vận chuyển quân giới này có lẽ liên quan đến tình hình căng thẳng ở biên giới Việt – Miên. Vào tuần qua, một phái đoàn quân sự cao cấp của Campuchia do bộ trưởng quốc phòng Tea Banh cầm đầu đã đến Bắc Kinh để thảo luận về vụ tranh chấp biên giới Việt – Miên. Trong khi đó thì bộ trưởng quốc phòng VN Phùng Quanh Thanh lại mất tích suốt 3 tuần qua và một số chức vụ cao cấp trong quân đội đang được Hà Nội tái sắp xếp.
Hoàng Ân: Anh vừa nhắc đến sự kiện liên quan đến đình hình căng thẳng ở biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Vậy theo anh trong tuần qua, tình hình căng thẳng đã giảm bớt chưa? Hay vẫn tiếp tục leo thang?
Trường An: Theo tôi được biết, tình hình cảnh căng thẳng tại biên giới Tây Nam ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bởi sau cuộc đụng đỗ giữa người dân 2 nước tại khu vực biên giới thì máy bay quân sự liên tục tuần tra trên bầu trời với cường độ cao. Dưới mặt đất, xe quân đội cũng được thấy với số lượng gia tăng đáng kể.
Trong khi đó tối ngày 14/7, một nhóm người từ hướng Campuchia đã tràn qua cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đập phá các cột mốc biên giới. Đến sáng ngày 15/7, trật tự đã được vãn hồi sau một đêm xung đột bạo lực.
Trong một diễn biến gây nhiều chú ý, vào ngày 14/7 vừa qua, bộ trưởng nội vụ Campuchia Sar Kheng đã triệu tập 400 quan chức các tỉnh giáp biên giới Việt Nam tham dự một cuộc họp tại Phnom Penh. Ông Sa Kheng chỉ đạo các quan chức phải 'giữ nguyên hiện trạng' tại khu vực biên giới vốn đang căng thẳng. Còn tại Việt Nam, để trấn an dư luận, người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Hải Bình cũng lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng quân đội đang vận chuyển khí tài vào miền Nam.
Trước đó đã xảy ra cuộc đụng độ hôm 28/6 khiến 20 người bị thương, ngay sau đó Việt Nam và Campuchia cũng đã có một số cuộc gặp cấp cao nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, việc căng thẳng tại biên giới Tây Nam là âm mưu kích động thù hận của Campuchia nhất là đảng CNRP được Trung Cộng hậu thuẫn với bước đầu tiên là vấn đề biên giới.
Hoàng Ân: Trong một động thái chưa từng có từ trước đến nay, trước khi phó thủ tướng Trung Cộng sang thăm Việt Nam, báo chí lề đảng VN đột ngột cho đăng bài viết nói về cuộc chiến đánh Tàu vào những năm 1984 tại Vị Xuyên. Xin anh nói rõ hơn về vấn đề này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trước khi phó thủ tướng Trung Cộng sang thăm VN, báo chí lề đảng đột ngột đăng tải các bài viết về trận đánh đẫm máu giành lại những cao điểm tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, vào 31 năm trước.
Theo bài báo thì vào cuối tháng 6 năm 1984, đảng CSVN quyết định tấn công chiếm lại những cao điểm bị Trung Cộng tiếp tục chiếm đóng sau cuộc chiến biên giới vào năm 1979. Trận đánh đẫm máu nhất diễn ra vào ngày 12/7 ở Núi Đất mà phía Trung Cộng đổi tên là Lão Sơn, có độ cao 1509 thước, với 6 trung đoàn VN bị thiệt hại nặng nề sau 17 tiếng giao tranh.
Tuy nhiên số lượng binh sĩ VN tử trận cho đến hôm nay vẫn bị bạo quyền Hà Nội giữ kín và không cho phép báo chí nói về trận đánh này. Theo một nguồn tin thì trận đánh ở cao điểm Núi Đất bị thất bại là vì một sĩ quan tình báo cao cấp VN đã tiết lộ kế hoạch hành quân cho Trung Cộng.
Trong khi đó thì vào cuối tuần này, phó thủ tướng Trung Cộng Trương Cao Lệ sẽ sang thăm VN. Họ Trương được xem là người có triển vọng lên nắm ghế thủ tướng và là một trong 7 ủy viên thường vụ bộ chính trị, tức cơ quan siêu quyền lực của Trung Cộng. Theo nhận định của giới quan sát thì mục đích chuyến viếng thăm này là nhằm thăm dò về lập trường của VN sau chuyến viếng thăm nước Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, việc mốt số thanh niên chống cộng bị bắt cóc tại Sài Gòn thì sao thưa anh?
Trường An: Theo như tôi được biết, vào chiều tối ngày thứ Bảy 11/7 vừa qua, công an Sài Gòn đã lao đến bắt giữ anh Nguyễn Thanh Phước, còn có tên là Nguyễn Phi, và một số thành viên thuộc nhóm zombie.
Nhóm thanh niên này bị bắt trước đài phun nước ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận Nhất – Sài Gòn, chỉ vì đã mặc các chiếc áo của phong trào zombie, một trào lưu chống chủ nghĩa cộng sản của giới trẻ VN . Những thành viên thuộc phong trào này thường mặc một chiếc áo in hình Zombie (tức thây ma) để nhận diện nhau, và cũng để bày tỏ thái độ khinh bỉ chủ nghĩa cộng sản đã bị thế giới đào thải.
Nhóm thanh niên này sau đó bị công an tống lên xe thùng và chở về đồn công an. Một số được phóng thích vào sáng hôm sau, nhưng Nguyễn Thanh Phước 23 tuổi thì vẫn tiếp tục bị tra tấn tại tại cơ quan C50, tức cục cảnh sát chuyên đối phó với cái gọi là "tội phạm trên mạng".
Hoàng Ân: Ngay sau vụ xe ủi cán lên người tại Hải Dương khiến cho dư luận phẫn nộ thì nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương đã phủ nhận sự việc rằng không hề có sự việc này. Tuy nhiên, báo chí Singapore vào hôm thứ 5 vừa qua đã loan tin công ty liên doanh VSIP của Singapore xác nhận về biến cố xe ủi đất cán dân oan ở xã Cẩm Điền tỉnh Hải Dương vào hôm 10/7 vừa qua và nhấn mạnh là việc cưỡng chiếm đất đai là do chủ đầu tư trước đây thực hiện dưới sự chỉ đạo từ phía nhà cầm quyền. Xin anh nói rõ hơn về vấn đề này?
Trường An: Theo thông cáo báo chí của công ty liên doanh VSIP Singapore thì họ chỉ mua lại dự án khu công nghiệp này từ công ty Phúc Hưng của VN, tức công ty có trách nhiệm bồi thường tiền bạc cho các nông dân bị mất đất.
Trong khi đó thì theo yêu cầu của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương đã gửi báo cáo giải thích về biến cố hôm 10/7, nội dung cương quyết phủ nhận vụ xe ủi đất đã cán qua người bà Lê Thị Châm 55 tuổi. Theo bản báo cáo láo khoét này thì bà Châm vô ý ngã vào xe ủi đất nhưng được giải cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện Hải Dương. Báo cáo cũng nói thêm là người lái chiếc xe ủi là Nguyễn Văn Sinh sau đó đã bị người dân xúm lại đánh trọng thương.
Phát biểu trên giường bệnh vào hôm qua, bà Châm nói rằng bà cảm thấy may mắn vì thoát chết, mặc dù cơ thể vẫn bị chấn thương nhiều nơi, kể cả ở mồm miệng. Bà cho biết là có tổng cộng 90 nông dân đã kéo ra đồng ngăn chận lực lượng cưỡng chiếm đất. Khi xe ủi đất lao đến thì bà Châm đang cúi nhặt một lá cờ, nhưng nhờ ngã xuống một hố trũng nên bà đã thoát chết dưới giàn xích của chiếc xe ủi.
Hoàng Ân: Cám ơn Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment