Monday, July 20, 2015

Đất nước tôi

Thứ Hai, ngày 20.07.2015    
Quý thính giả thân mến, lòng tham không đáy, kém viễn kiến và hiểu biết về môi trường của cán bộ thủy lâm, đã đưa đến tình trạng đốn cây phá rừng bừa bãi trên quê hương ta. Để chấm dứt tình trạng này tiếp diễn, Việt Nam cần phải có một cơ quan độc lập để theo dõi và kiểm chứng, nhất là phải có hình phạt thật nghiêm khắc cho những ai vi phạm việc phá rừng. Trong tiết mục Chuyện Chỉ Có Ở VN, đài ĐLSN xin gửi đến quý thính giả bài viết của Thu Trang có tựa đề “Đất nước tôi” sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây
Ai đó đã đi xa quê hương một hai chục năm nay trở lại, hẳn phải sửng sốt về sự thay đổi của quê hương đất nước. Một quang cảnh thiên nhiên bị tàn phá khốc liệt, những vùng đất trống, những dãy núi đất, núi đá vôi trơ trọi sừng sững như những quái vật hiện ra trên quê hương mình. Là người Việt nam ít nhiều ai cũng hiểu được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người. Thế nhưng đến nay nhìn lại các loại rừng già, rừng nguyên sinh hiện chỉ còn lác đác, thưa thớt ở những khu được duy trì bảo vệ theo cách gọi hiện nay là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, số diện tích này ngày một đang bị thu hẹp do sức tàn phá của con người đi cùng năm tháng.
Theo số liệu thống kê của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì hiện nước ta còn có khoảng 12 triệu héc ta rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 9 triệu, rừng trồng có 3 triệu.Trong số đó có đến trên 90% rừng Việt nam là rừng nghèo, rừng tái sinh. Rừng già, rừng tán kín chỉ chiếm khoảng 8% so với rừng tự nhiên. Cũng theo số liệu của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam đưa ra thì tỷ lệ của rừng các loại hiện còn chiếm khoảng 31-32% độ che phủ đất. Tuy nhiên số liệu này không thể coi là chính xác, chính quyền Việt Nam có cách tính kỳ quặc bậc nhất thế giới bởi họ tính tổng số cây con giống xuất bán ở các trạm ươm trên từng địa bàn cộng lại để suy ra diện tích trồng rừng hàng năm, trong khi số khai thác hàng năm nhiều địa phương không trừ đi,vậy là diện tích trồng rừng cộng theo lũy kế được công bố để có thành tích. Diện tích rừng bị chặt phá và bị cháy hàng năm đến nay nhà nước không công bố số liệu chính thức, hình như đây là số liệu nằm trong danh mục bí mật nhà nước của nhà nước cộng sản Việt nam.Theo một số liệu đã lạc hậu (năm 2013) được công bố trong một hội thảo khoa học về rừng tại Hà nội thì ước tính hàng năm diện tích rừng bị chặt phá vào khoảng 1.800 ha đến 2000 ha, diện tích rừng bị cháy vào khoảng trên dưới 5000 ha.
Rừng bị tàn phá khốc liệt do nhiều nguyên nhân, có thể điểm ra các nguyên nhân chính: Nạn thất nghiệp gia tăng, người dân không có việc làm, phá rừng là nguồn thu nhập lớn đối với người lao động đang xung sức để kiếm kế sinh nhai. Gỗ rừng là loại hàng hóa có giá trị cao, sản phẩm từ rừng càng khan hiếm thì giá trị của nó càng tăng và là động lực kích thích việc phá rừng. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn khi nền kinh tế được cải thiện, sản phẩm gỗ nhất là các loại gỗ quý hiếm trở thành nhu cầu thiết yếu đối với con người. Dân số tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở cũng tăng vọt, gỗ là vật liệu không thể thiếu trong việc xây cất nhà ở. Lực lượng Kiểm lâm vừa không đủ người, vừa thiếu trang thiết bị ,vừa tha hóa biến chất. Tuy nhiên do đường lối và chính sách bất nhất, quản lý yếu kém và thái độ vô trách nhiệm của nhà nước là nguyên nhân dẫn đến rừng bị tàn phá với tốc độ chóng mặt và khốc liệt. Quyết tâm của chính phủ "ngăn chặn từ gốc", chủ chương này là tập trung quản lý, bảo vệ ở các cửa rừng, tổ chức tuần tra , trừng phạt mọi hành vi chặt phá rừng, đây là chủ chương không sai nhưng chưa đúng mức , không đủ mạnh,'vì diện tích rộng, có nhiều cửa ngõ ra vào, riêng lực lượng kiểm lâm không đủ sức quản lý. Pháp luật hiện hành trừng phạt kẻ chặt phá rừng khá nghiêm khắc, song pháp luật lại nhẹ tay với những kẻ tích trữ, vận chuyển, buôn bán gỗ, thậm chí là bỏ qua, không xử phạt những kẻ sử dụng, hưởng lợi sản phẩm rừng. Các loại gỗ khi đưa ra khỏi cửa rừng, đang trên đường vận chuyển, nó trở thành hàng hóa cấm, tương tự như hàng nhập lậu qua biên giới, khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ thì bị tịch thu hoặc xử phạt nặng. Nhưng khi đã đến tay người chế biến, người tiêu dùng thì nó trở thành hàng hóa bình thường. Chính sách này đã khuyến khích cho các lò xưởng mộc phát triển, ngang nhiên hành nghề chế biến gỗ mà không ai dò xét đến.Những người đã đưa gỗ về đến nhà thì hoàn toàn có quyền xử dụng chính đáng, không hề có chính sách kiểm tra, kiểm soát và biện pháp xử phạt nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ gỗ ngày càng tăng, giá trị ngày càng lớn, và theo đó là kích thích việc chặt phá rừng.
Các loại gỗ thu giữ được đưa vào các kho hạt kiểm lâm ở các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các kho ở các trạm kiểm soát Lâm sản. Các loại gỗ quý (nhóm A), có kích thước dài, rộng thuộc quyền xử lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương chỉ được quyền thanh lý các loại gỗ vụn, gỗ tạp. Theo cơ chế này là miếng mồi béo bở cho các quan chức quan trọng của các cấp từ địa phương đến trung ương. Mỗi quan chức dựng nhà cho mình hoặc cho con cháu ở riêng đều có nhu cầu về gỗ quý hiếm, và để có được số gỗ theo nhu cầu, chỉ cần có đơn thông qua việc xét duyệt của ủy ban tỉnh và ngay lập tức có quyền lùng sục các kho gỗ ở mọi nơi trên địa bàn để tuyển chọn gỗ về làm nhà. Ước tính mỗi căn biệt thự của các quan chức các cấp sử dụng đến từ 2 chục đến 5 chục khối (thậm chí còn cao hơn) gỗ quý hiếm như nghiến, lim, đinh, sến, táu, pơ mu...
Từ ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, hàng loạt gỗ quý hiếm cũng được tuồn sang Trung quốc theo đường tiểu ngạch, theo đường mòn bản địa. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hàng triệu chiếc thớt nghiến có đường kính từ 30 đến 50cm được vận chuyển công khai sang bên kia biên giới. Có những lúc thương lái Trung quốc ép giá, ép cấp, hàng tồn đọng ngổn ngang trên các tuyến đường biên. Các loaị cây dược liệu quý hiếm được người Trung quốc vào tận nơi sâu trong lục địa Việt nam đặt mua với giá cả khá hấp dẫn, và cho đến nay lớp thực vật quý hiếm bao phủ đồi, núi quê hương đất nước đã hoàn toàn tuyệt chủng. Khi tác giả của bài viết này đang ngồi trên bàn phím thì chính trên quê hương, đất nước mình cũng đang rộ lên việc truy quét, tận dụng các loại cây tái sinh của rừng tự nhiên đang bắt đầu trở lại sức sống để đốt làm than bán, cung cấp cho thị trường mà phần lớn được vận chuyển chui sang Trung quốc, cung cấp nguồn chất đốt cho Tàu khựa. Chính quyền các cấp Việt nam đang bất lực trước sự tàn phá của bọn lâm tặc. Chuyện chỉ có ở Việt nam.
Thu Trang

No comments:

Post a Comment