Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào anh Hướng Dương, rất vui được cùng anh điểm qua những tin VN đáng chú ý trong tuần.
Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào chị Bảo Trân.
- Bảo Trân: Thưa anh HD, nói đến tình hình nhân quyền tại VN trong năm qua, giới đấu tranh đánh giá là năm 2024 đã chứng kiến tình hình vi phạm nhân quyền tại VN tiếp tục tồi tệ hơn hẳn năm 2023, với nhiều bản án nặng nề mà bạo quyền CS dành cho giới bất đồng chính kiến bất chấp VN đang đảm nhận cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liệp Hiệp Quốc.
Theo nhận xét của LS Nguyễn Văn Đài, trong năm 2024 đã có trên 50 người bất đồng chính kiến bị bắt giam và đưa ra xét xử với mức án lên đến 13 năm tù. Anh thấy nhận định này thế nào thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, theo dữ liệu của Dự án 88, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, có 181 trường hợp các nhà hoạt động bị cầm tù tính đến ngày 30/12/2024, nhiều người trong số họ là nhà báo và blogger.
Trước đó, vào tháng 9 năm 2024, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền cũng công bố một báo cáo cho biết bạo quyền Việt Nam đã trả thù các tổ chức và cá nhân đã hợp tác với Liên Hiệp Quốc trong lãnh vực nhân quyền từ tháng 5 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024.
Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh vừa qua cũng kêu gọi bạo quyền Việt Nam thu hồi và sửa đổi Nghị định 147, vốn được xem là thủ tiêu quyền tự do biểu đạt của người dân.
Cụ thể, nghị định này buộc các nhà mạng xã hội phải cung cấp thông tin chi tiết về người dùng Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cũng như gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của các bộ này, trong vòng 24 giờ.
Theo các nhóm nhân quyền, nghị định quái gỡ này khiến Việt Nam tiến gần đến mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc và không để lại một không gian nào dù nhỏ, cho quyền tự do biểu đạt của người dân, thưa chị.
- Bảo Trân: Để minh họa cho vấn đề đàn áp nhân quyền tồi tệ tại VN, trong tuần qua công an thành phố Cần Thơ đã bắt giữ ông Nguyễn Trần Khánh Huy với cáo buộc quen thuộc của CS là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để viết nhiều bài trên mạng “đe doạ người đứng đầu lực lượng công an địa phương”.
Báo chí lề đảng lại sử dụng luận điệu cũ rich vu khống ông Huy 25 tuổi đã mở trang “Chu Nguyên Chương” để đăng tải nhiều thông tin bị cáo buộc “sai sự thật và làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp” của nhiều tổ chức và cá nhân ở Cần Thơ, thưa anh.
Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, trang Chu Nguyên Chương, với hơn 22 ngàn người theo dõi, đã có nhiều bài viết nhằm vào tướng công an Nguyễn Văn Thuận. Trong cuối năm 2024, có bốn bài viết nói đến Thiếu tướng Thuận. Một bài nói ông này chống lưng cho Huỳnh Nhất Tâm, người bị gọi là trùm lừa đảo. Hai bài khác đe doạ tính mạng ông Thuận, và một bài thách đấu súng với ông Thuận.
Cần biết ông Huy là người đầu tiên bị bắt trong năm nay với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo điều luật 331, một điều khoản thường được xử dụng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến và người dân trên mạng xã hội, thưa chị.
- Bảo Trân: Thưa anh, Bảo Trân cũng được biết là vừa rồi hoạ sĩ Lê Quốc Anh 34 tuổi, người đang bị công an Tiền Giang truy nã với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, vừa lên tiếng tố cáo công an tỉnh này đã đánh đập, xúc phạm ông nhiều ngày trong thời gian tạm giữ, trước khi ông phải bỏ trốn. Ông cũng cho biết công an liên tục sách nhiễu cha mẹ của ông nhằm buộc ông phải trình diện.
Hướng Dương: Thưa chị, vào ngày 2 tháng này, ông Anh cho biết về việc đàn áp, sách nhiễu của công an tỉnh Tiền Giang. Ông tỏ ra bất bình về việc công an đã giam giữ và đánh đập trong nhiều ngày, sau đó liên tục sách nhiễu gia đình ông, mặc dù ông không có hành động nào nhằm chống phá nhà nước.
Ông Anh cho biết kể từ khi ông rời nhà, công an Tiền Giang liên tục tra khảo cha mẹ ông về nơi ông ẩn náu. Gần đây nhất, trong hai ngày 18 và 19/12 năm 2024, công an còn ép buộc người cha lên đồn, thu giữ điện thoại, thẩm vấn về con trai, thậm chí còn cáo buộc ông cấu kết với nhiều người khác để phát tán tin độc.
Ông Anh cho biết là cá nhân ông không hoạt động chính trị, chỉ chia xẻ nhiều bài viết của các đài thông tin ngoại quốc. Ông cũng thường xuyên chia xẻ các bài hát yêu nước của ca sĩ hải ngoại như Đáp Lời Sông Núi, Anh Là Ai, Việt Nam Tôi Đâu và Triệu Con Tim, thưa chị.
- Bảo Trân: Một nhà đấu tranh khác là võ sư Đoàn Bảo Châu, một nhà bình luận có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, vào những ngày cuối năm đã bị “sốc nặng” và “phải đi lánh nạn” khi công an Hà Nội nhiều lần triệu tập và đề nghị truy tố ông.
Ông Châu, với trang Facebook có hơn 175 ngàn người theo dõi, cho biết rằng chỉ vì đăng tải các bài viết và một số video của mình về nhiều vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế ở Việt Nam, mà ông đã bị công an Hà Nội ra quyết định “tạm hoãn xuất cảnh”, hai lần gửi “giấy triệu tập” trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm ngoái, thưa anh.
Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, trong lần gặp công an vào tháng 6 theo giấy triệu tập đầu tiên, ông cũng được cho biết công an đã lập hồ sơ đề nghị truy tố mình. Khi đó ông thật sự sửng sốt và nhận thấymình có nguy cơ bị bắt giữ cận kề nên đã quyết định đi lánh nạn.
Nói về lý do “bị sốc”, ông Châu cho biết là từ năm 2000, qua công việc là phóng viên quốc tế hoặc cộng tác viên cho các hãng tin nước ngoài như AFP, Reuters và New York Times, giữa ông và công an luôn có sự trao đổi ôn hòa tôn trọng lẫn nhau nên ông đã không lo lắng gì cho đến khi có những giấy triệu tập và đề nghị truy tố nêu trên. Ông cho biết là sâu thẳm bên trong, nhà cầm quyền biết họ không được lòng dân, vì thế những ai bày tỏ sự bất đồng chính kiến như ông đều là nằm trong danh sách đen của họ, thưa chị.
- Bảo Trân: Để đúc kết cho vấn đề đàn áp nhân quyền tồi tệ tại VN, có sự kiện đáng quan tâm nào cần điểm qua nữa không thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, trước tiên HD muốn nói đến việc tòa án Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Luật sư Trần Đình Triển vào ngày 9/1 năm nay, với cáo buộc rập khuôn nhàm chán “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Thông tin trên được Luật sư Nguyễn Duy Bình, người bào chữa cho ông Trần Đình Triển, đăng tải công khai trên trang cá nhân của mình.
Luật sư Trần Đình Triển bị bắt giam từ tháng 6 năm 2024. Theo cáo buộc của bộ công an, ông Triển đã đăng tải các bài viết có nội dung “xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, trong trường hợp này là ngành tòa án và cá nhân ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án tòa tối cao.
Nếu bị tuyên án có tội, Luật sư Trần Đình Triển có nguy cơ lãnh mức án tối đa là 7 năm tù giam, thưa chị.
Sự kiện thứ hai là vao ngày 27/12, Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định đã tuyên 18 tháng tù đối với bà Đinh Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1975, là dân oan khiếu kiện chính quyền tỉnh Nam Định thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản cho các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện.
Bà Ánh bị cáo buộc đã sử dụng Facebook để đăng tải và phát tán sáu video, phát trực tiếp bốn lần hành trình người dân Cồn Xanh đi khiếu kiện ở nhiều địa điểm khác nhau.
Dân oan Đinh Thị Ngọc Ánh cũng lại bị cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, một cáo buộc vốn bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là tùy tiện, nhằm bắt bớ và kết án những người lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền, thưa chị
Bảo Trân: Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã cùng điểm qua những tin VN quan trọng trong tuần. Và, tiết mục VNTQ đến đây là chấm dứt, Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài phát thanh DLSN, chào anh Hướng Dương.
Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả và chị Bảo Trân, hẹn gặp lại chị và quí thính giả vào tuần tới cũng trong tiết mục VNTQ.
No comments:
Post a Comment