Saturday, January 25, 2025

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến, được xem là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Ông là một gốc đại thụ trong làng âm nhạc viết nhiều nhạc phẩm trử tình và  lãng mạn từ thập niên 1950 đến cuối thời Đệ nhị Cộng Hòa. Ngoài ra, ông còn là một ca sĩ nổi tiếng với tên Hoài Bắc.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Phạm Đình Chương” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Đó là mấy câu trong nhạc phẩm Ly Rượu Mừng đầy vui tươi, tràn đầy mộng ước với lời chúc đượm tính nhân bản của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một ca khúc đã đi vào lòng người suốt mấy thập niên qua, đến nay vẫn được xem là một nhạc phẩm bất hủ, mở đầu năm mới.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14/ 11/1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình có máu văn nghệ. Thân phụ ông tên là Phạm Đình Phụng.

Ông học trường Bưởi, được nhiều bậc thầy dạy về nhạc lý, nhưng phần lớn là do ông tự học. Sau khi nghỉ học, ông cùng các anh chị trong gia đình gia nhập vào Ban văn nghệ Liên khu IV. Ông sáng tác nhạc từ năm 1947, lúc 18 tuổi, phần nhiều các ca khúc của ông được xếp vào dòng nhạc tiền chiến vì mang phong cách trử tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên của ông như Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi rất tươi trẻ và có khí thế hùng tráng.

-Năm 1951, sau chính sách “cải cách ruộng đất”, bộ mặt gian xảo của đảng CSVN bị phơi bày, ông và gia đình di chuyển vào Nam. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng với anh là nhạc sĩ vừa là ca sĩ Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chị là ca sĩ Thái Hằng, em là ca sĩ Thái Thanh, anh rễ là Phạm Duy, lập ra Ban nhạc Thăng Long.

Thời gian này, các sáng tác của ông luôn mang âm hưởng miền Bắc, nói lên tâm trạng hoài hương của mình qua các nhạc phẩm: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng Dân chài. Thời gan sau, ông viết nhiều ca khúc vui tươi, nổi tiếng hơn như: Xóm đêm, Đợi chờ, Đón xuân, Ly rượu mừng .v.v.  

-Năm 1953, ông lập gia đình với ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh tên Khánh Ngọc (một ngôi sao sáng cả về nhan sắc lẫn tài năng ở Sài Gòn vào thập niên 1950 - 1960). Đến khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, ông bắt đầu sáng tác các bản tình ca mang nói lên tâm trạng đau thương, bi đát như: Thuở ban đầu, Đêm cuối cùng, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.

Ông cũng phổ nhạc từ thơ, với các ca khúc nổi tiếng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê). Và ông cũng đóng góp cho nền tân nhạc một bài trường ca mang tên Hội trùng dương nói về sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

-Năm 1967, ông nhận tổ chức và điều khiển phòng trà Đêm Màu Hồng (là tên của một ca khúc do ông phổ nhạc từ thơ của Thanh Tâm Tuyền). Với những sáng tác nổi tiếng của ông và sự trình diễn điêu luyện của Ban hợp ca Thăng Long, đã biến phòng trà này thành một địa điểm nổi danh, và là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ tại Sài Gòn.

-Năm 1975, ông rời VN tỵ nạn cộng sản và được định cư ở tiểu bang California.

-Ngày 22/8/1991, ông từ trần tại tiểu bang này, hưởng thọ 62 tuổi.

 

****

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ngôi sao sáng trong nền tân nhạc, đặc biệt là nhạc phổ thơ, và nhất là khả năng hòa âm tuyệt vời của ông trong Ban nhạc Thăng Long. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm 2 thời kỳ: Trước và sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ.

-Thời kỳ ông bắt đầu sáng tác cho đến khi cuộc hôn nhân kết thúc, là những nhạc phẩm có giai điệu trong sáng, vui tươi, hồn nhiên và mộng mơ, tiêu biểu như các bài: Thuở ban đầu, Đến trường, Được mùa, Đón xuân, Trăng rừng, Trăng Mường Luông, Đêm màu hồng, Đất lành, Tiếng dân chài...

-Từ sau khi ly hôn cho tới lúc “nằm xuống”, những bài hát của ông có âm hưởng trầm buồn. Ngoài bài Nửa hồn thương đau, ông còn nhiều bản nhạc buồn khiến cho nhiều ca sĩ đồng cảm, thường chọn để trình bày như: Xóm đêm, Xuân tha hương, Đôi mắt người Sơn Tây, Khi cuộc tình đã chết, Người đi qua đời tôi, Mắt buồn, Mộng dưới hoa...

Phạm Đình Chương được xem là nhạc sĩ tài hoa, đã làm phong phú cho nền âm nhạc Việt Nam. So với các nhạc sĩ nổi tiếng khác, số lượng sáng tác của ông tuy không nhiều, nhưng có những ca khúc trở thành bất hủ. Nhạc của ông chuyên chở nét đặc biệt, nổi tiếng đến nỗi trở thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam.

Sau năm 1975, nhạc của ông đã trở thành những ca khúc có sức lôi cuốn mạnh mẽ, nói lên được tâm tư của thời đại. Thơ với chất lãng mạn, hợp cùng âm điệu của nhạc đã làm cho mọi người nhớ lại, liên tưởng những cuộc tình và thân phận con người, và đó chính là những bông hoa của ông tô điểm cho đời. Vì vậy, tên tuổi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ sống mãi trong lòng giới mộ điệu.

No comments:

Post a Comment