Sunday, January 5, 2025

Tin Tức: Chủ Nhật 05.01.2025

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương

1.ÔNG DEREK TRAN NÓI SẼ “DỐC SỨC” VÌ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI BUỔI NHẬM CHỨC DÂN BIỂU HẠ VIỆN MỸ.

Ông Derek Tran, 44 tuổi, tuyên thệ nhậm chức hôm 3 tháng 1 trong một buổi lễ long trọng trong nghị trường Hạ viện Hoa Kỳ tại Điện Capitol ở thủ đô Washington.

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí sau khi nhậm chức, ông nói chính nhờ sự ủng hộ của cộng đồng người Việt mà ông có mặt ở đây ngày hôm nay và rằng ông sẽ nỗ lực để “trả ơn.”

Ông Derek Trần thuộc đảng Dân chủ, đã dành chiến thắng trong đợt tổng tuyển cử  hồi tháng 11/2024 và đánh bại Dân biểu đương nhiệm người Mỹ gốc Hàn Michelle Steel thuộc đảng Cộng hòa với cách biệt sít sao.

Ông Derek Trần là một luật sư, có cha mẹ là thuyền nhân tị nạn cộng sản. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Derek nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật chính trị cao cấp như cựu Tổng thống Bill Clinton, lãnh đạo khối thiểu số Hạ viện Hakim Jeffrey.

Chiến thắng của ông Derek Trần được coi là “làm nên lịch sử” khi trở thành Dân biểu Hoa Kỳ người Việt đầu tiên đại diện một khu vực nơi người Việt tập trung đông đúc nhất ở Mỹ và bên ngoài Việt Nam ở miền nam bang California.

Trong diễn biến khác, bà Michelle Steel, trước khi mãn nhiệm, đã vận động quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn thông qua Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vào giữa tháng 12/2024. Bà Steel cũng nhận bảo trợ cho ông Tuấn, một nghĩa cử cao đẹp dù đã mãn nhiệm.

2.BÌNH PHƯỚC: HAI CÔNG DÂN BỊ CÔNG AN TRIỆU TẬP, LẬP HỒ SƠ VÌ THỰC THI QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT

Hai người dân ở Bình Phước vừa bị công an tỉnh này mời làm việc và lập hồ sơ vi phạm vì “đăng tải thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội”. Truyền thông quốc doanh không cho biết tên của cơ quan, tổ chức mà hai công dân này “xúc phạm” cũng như điều luật nào được áp dụng để xử phạt.

Hai công dân được báo chí viết tắt tên khi bình luận, cũng bị ký cam kết “không tái phạm”.

Một trong hai người bị cáo buộc đã dùng điện thoại cá nhân để đăng tải lời lẽ xúc phạm lực lượng công an sau khi bị xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm trong khi điều khiển xe gắn máy.

Vài năm trở lại đây, công an gia tăng việc triệu tập, đàn áp những người đăng tải các nội dung mang tính chỉ trích giới lãnh đạo, quan chức trên mạng xã hội với lý do “vi phạm pháp luật”. Luật An ninh mạng và một số nghị định được ban hành sau này đã cho phép công an xử phạt bất cứ ai mà họ cho là “vi phạm” với số tiền lên đến 7,5 triệu đồng. Rất nhiều công dân, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền đã phải ngồi tù vì Luật An ninh mạng, vốn được đảng cộng sản viết ra để triệt tiêu quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.

3.CẢNH SÁT THÁI LAN KHẲNG ĐỊNH KHÔNG CÓ SỰ GIAO THIỆP NÀO VỚI PHÍA VIỆT NAM TRONG CHUYẾN BỘ HÀNH CỦA SƯ MINH TUỆ

Sư Thích Minh Tuệ cùng năm nhà sư Việt Nam khác vào ngày 31/12/2024 đã đi bộ qua biên giới giữa Lào và Thái Lan, bắt đầu cuộc bộ hành trên đất Thái Lan. 

Ngày 3/1/2025, Đại diện quan hệ công chúng thuộc Văn phòng Phật giáo của tỉnh Ubon Ratchanthani, Thái Lan, cho BenarNews biết văn phòng này không nhận được thông tin gì về chuyến đi của đoàn nhà sư Thích Minh Tuệ sang Thái Lan đồng thời không có sự phối hợp trước đó với phía Việt Nam. Trong khi đó, cảnh sát ở cửa khẩu Chong Mek thuộc tỉnh này xác nhận điều tương tự và cho biết thêm, họ không được thông báo về việc đoàn sẽ sang Myanmar khất thực.

Sau khi đoàn vào Thái Lan, một số đài truyền hình đã đưa tin về chuyến đi của sư Thích Minh Tuệ, và nhắc đến việc ông bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn khi đi bộ khất thực trong nước. Ông Đoàn Văn Báu, một cựu an ninh cấp cao của Việt Nam, người tự nhận đi theo sư Minh Tuệ để “hộ pháp”, nói rằng thông tin trên là sai sự thật và cho biết "Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Thái Lan để điều chỉnh về vấn đề này”.

Sư Thích Minh Tuệ đã từng bộ hành khất thực ít nhất bốn lần suốt dọc hai miền Nam Bắc trong 6 năm cho đến khi trở thành một “hiện tượng đặc biệt” vào năm 2024, sau khi hình ảnh của ông xuất hiện trên truyền thông xã hội.

Để ngăn chặn làn sóng ủng hộ sư Minh Tuệ, nhà cầm quyền đã tìm mọi cách để thao túng ông nhưng bất thành. Kết quả là vị sư này phải rời Việt Nam. Tuy nhiên, công luận đang đặt nghi vấn về vai trò cựu sĩ quan công an Đoàn Văn Báu và ông Lê Khả Giáp trong chuyến bộ hành xuyên biên giới của sư Thích Minh Tuệ.

4.NGOẠI TRƯỞNG PHÁP VÀ ĐỨC ĐẾN DAMAS GẶP TÂN LÃNH ĐẠO SYRIA.

(Theo RFI) Ngoại trưởng Pháp và Đức hôm 3/1/2025 đã đến Damas để hội đàm với tân lãnh đạo Syria, ông Ahmad Al-Sharaa. Đây là chuyến thăm chính thức cấp cao đầu tiên của các cường quốc phương Tây kể từ khi chế độ Bashar Al-Assad bị lật đổ.

Trên mạng xã hội X, ngoại trưởng Pháp tuyên bố, « Pháp và Đức, sát cánh cùng người dân Syria trong tất cả sự đa dạng », đồng thời khẳng định, Pháp và Đức « ủng hộ chuyển tiếp hòa bình và đòi hỏi phục vụ người dân cũng như vì sự ổn định khu vực ».

Trong khi đó, ngoại trưởng Đức khẳng định chuyến đi của bà cùng với đồng nhiệm Pháp, dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Châu Âu, là « một tín hiệu rõ ràng gởi đến người dân Syria : đây có thể là một sự khởi đầu chính trị mới giữa châu Âu và Syria, giữa Đức và Syria. ».

Trước khi hội đàm với lãnh đạo mới của Syria, hai ngoại trưởng Pháp - Đức đến tham quan nhà tù Saydnaya, gần thủ đô Damas, biểu tượng của chính sách trấn áp đại trà của chính quyền Bashar Al-Assad.

Nhân chuyến đi, ngoại trưởng Pháp cũng đến thăm tòa đại sứ Pháp, bị đóng cửa từ năm 2012 vì lý do « trấn áp đẫm máu bởi chế độ tội phạm Bashar Al-Assad », theo như phát biểu của ông Jean-Noel Barrot.

Ông thông báo « trong những tuần sắp tới, tùy theo tình hình biến đổi các điều kiện an ninh, Pháp sẽ chuẩn bị dần dần các phương thức phục hồi sự hiện diện của Pháp tại Damas. »

 

 

No comments:

Post a Comment