Sunday, January 26, 2025

Tin Tức: Chủ Nhật 26.01.2025

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Minh Nguyệt & Vũ Đình

1) SÀI GÒN XẾP HẠNG THỨ NHÌ TRÊN THẾ GIỚI VỀ MỨC ĐỘ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Tổ chức giám sát không khí IQAir xếp hạng Sài Gòn là thành phố bị ô nhiễm không khí đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Mỉa mai hơn nữa là vài tuần trước đây, Hà Nội bị xếp hạng bị ô nhiễm không khí hàng đầu.

Khảo sát của IQAir vào hôm 24 tháng Giêng cũng xếp hạng Sài Gòn, Phnom Penh và Bangkok đều nằm trong danh sách 5 thành phố bị ô nhiểm hàng đầu trên thế giới.

Riêng tại Sài Gòn chỉ số chất lượng không khí cao đến mức 225 theo mức đo của AQI, tức lượng bụi minh là 225 micromet trên 1 mét khối, cao gấp 11 lần trên mức khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO).

Trước đó, hôm 7/1, cũng theo IQAir, vào lúc 8h04 sáng, thủ đô Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 272, đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, cũng với chất lượng không khí ở mức tím, mức “rất xấu”.

Trước việc bị ô nhiễm không khí nặng, chính quyền Hà Nội phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí và kêu gọi người dân đeo khẩu trang, bảo vệ mắt.

2) BỊ TRUNG QUỐC QUẤY NHIỄU, PHI LUẬT TÂN ĐÌNH CHỈ CUỘC KHẢO SÁT KHOA HỌC Ở BIỂN ĐÔNG

Chính phủ Phi Luật Tân xác nhận nước này phải đình chỉ 1 cuộc khảo sát khoa học ở biển Đông sau khi hai tàu đánh cá của họ bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu tại đây.

Cuộc đụng độ xảy ra vào thứ Sáu, 24 tháng Giêng, khi hai tàu đánh cá của Phi đang đi thu thập mẫu cát từ bãi Sany Cay gần đảo Thị Tứ, nằm trong quyền kiểm soát của Phi bị 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc tấn công.

Một máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc cũng bay lơ lửng ở "độ cao không an toàn" bên trên tàu Philippines.

Các hoạt động khảo sát đã bị đình chỉ "do hành vi quấy nhiễu liên tục này và sự coi thường an toàn của lực lượng hàng hải Trung Quốc," Tuần duyên Philippines cho biết.

3) CAM BỐT THÔNG QUA LUẬT TRỪNG PHẠT NHỮNG AI BÁC BỎ TỘI ÁC CỦA KHMER ĐỎ

Hôm nay, 25/01/2025, phát ngôn viên của chính phủ Cam Bốt cho biết luật này được thông qua có thể đưa ra mức án lên đến 5 năm tù giam, hoặc khoản tiền phạt 120 ngàn euro, nếu phủ nhận tội diệt chủng và các tội ác khác do Khmer Đỏ gây ra. Đạo luật này được  thảo theo yêu cầu của cựu thủ tướng Hun Sen, hiện vẫn còn sức ảnh hưởng trong chính trị Cam Bốt, được thông qua 3 tháng trước ngày đánh dấu 50 năm Khmer Đỏ lên nắm quyền, ngày 17/04/1975. Khoảng 2 triệu người đã bị chết đói, hoặc bị hành quyết, tra tấn, dưới chế độ do Pol Pot cai trị từ năm 1975 – 1979.

4) LIÊN HIỆP QUỐC KÊU GỌI THÁI LAN KHÔNG TRỤC XUẤT NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ

Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm  24/01/2025, kêu gọi Thái Lan không trục xuất 48 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, trước nguy cơ những người này phải chịu hậu quả nặng nề, thậm chí có nguy cơ bị tra tấn. Những người này đã bị giam giữ tại các trại di dân bất hợp pháp ở Thái Lan từ 10 năm qua.

Theo thông cáo được hãng tin AFP trích dẫn, Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho biết đã liên lạc với các cơ quan chức năng, và  tìm kiếm giải pháp lâu dài  để ngăn cản Bangkok trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc

Các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng số người Duy Ngô Nhĩ này có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro, như sẽ bị tra tấn, hạ nhục, hoặc phải chịu những hành vi vô nhân đạo khác.

48 người Duy Ngô Nhĩ nói trên đã bị giam giữ trong suốt 10 năm mà không có bất cứ liên lạc nào với bên ngoài và cũng không có quyền tiếp xúc với người thân hay luật sư. Hai mươi tám người trong số họ gặp vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Những người thuộc cộng đồng thiểu số Hồi giáo này đã trốn khỏi Trung Quốc cách nay 10 năm và phải sống trong nỗi lo sợ bị gửi trả về nước. Bắc Kinh bị cáo buộc thực hiện cuộc đàn áp bạo lực, vi phạm nhân quyền  tại Tân Cương, nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh vẫn liên tục bác bỏ cáo buộc đó, đồng thời khẳng định chỉ hành động chống lại xu hướng cực đoan hóa Hồi giáo.

Vào tuần trước, Human Rights Watch cho biết cơ quan nhập cư của Thái Lan đã yêu cầu những người Duy Ngô Nhĩ điền thông tin, chụp ảnh họ,.., và các thủ tục này dường như là để thực hiện một cuộc cưỡng bức chuyển giao cho phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn theo AFP, chính quyền Thái Lan đã bác bỏ cáo buộc nói trên,  bảo đảm rằng không hề có lệnh trục xuất nào được đưa ra.

 

 

No comments:

Post a Comment